Chuẩn mực nghề nghiệp: Giúp tăng chất lượng dịch vụ kiểm toán
Trong hoạt động kiểm toán độc lập (KTĐL), trách nhiệm của kiểm toán viên (KTV) và doanh nghiệp kiểm toán (DNKT) là rất quan trọng đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả kiểm toán. Người sử dụng kết quả kiểm toán phải được đảm bảo rằng ý kiến nhận xét của KTV về báo cáo tài chính (BCTC) thông tin được kiểm toán là trung thực, hợp lý, khách quan, đáng tin cậy. Sự đảm bảo này chỉ có thể thực hiện khi hoạt động kiểm toán được thực hiện trên cơ sở tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp.
Chuẩn mực nghề nghiệp - cơ sở để đánh giá chất lượng trong hoạt động kiểm toán độc lập
Cho tới nay, theo thông lệ quốc tế và Việt Nam thì chuẩn mực nghề nghiệp, bao gồm các chuẩn mực về dịch vụ đảm bảo (gồm dịch vụ kiểm toán, soát xét, dịch vụ đảm bảo khác), các chuẩn mực về dịch vụ liên quan, chuẩn mực về kiểm soát chất lượng, chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp và các quy định pháp lý có liên quan.
Dịch vụ kiểm toán là dịch vụ nhận được sự quan tâm và tin tưởng của đông đảo công chúng và nhà đầu tư. Sản phẩm của các đơn vị KTĐL là những thông tin kinh tế tài chính đã được các KTV có đủ năng lực và độc lập xác nhận về mức độ phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với tổ chức niêm yết là đơn vị có lợi ích công chúng, chất lượng kiểm toán BCTC của các đơn vị này nếu không đúng đắn sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của công chúng.
Do vậy, chất lượng kiểm toán là cơ sở, là mục tiêu của mọi công việc mà KTV thực hiện, vì vậy KTV phải làm việc trong khuôn khổ của các chuẩn mực nghề nghiệp, nếu làm trái với các chuẩn mực nghề nghiệp thì KTV và DNKT sẽ bị phán xét.
Chuẩn mực nghề nghiệp góp phần tăng cường chất lượng hoạt động KTĐL ở Việt Nam
Hoạt động KTĐL hình thành từ năm 1991 khi Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã phát sinh các nhu cầu dịch vụ kế toán, kiểm toán. Trong thời gian 09 năm (từ năm 1991 đến năm 1998), Việt Nam chưa có chuẩn mực nghề nghiệp cho KTV và DNKT trong hoạt động KTĐL.
Tuy nhiên, do kiểm toán là lĩnh vực hội nhập cao, từ năm 1991 đến năm 1995, có 09 DNKT được thành lập, trong đó có 04 doanh nghiệp nhà nước và đã có sự tham gia đầy đủ của 06 DNKT hàng đầu thế giới khi đó là: KPMG, Ernst &Young, PricewaterhouseCoopers (PwC), Coopers and Lybrand, Arthur Andersen và Deloitte Touche Tohmatsu (hay còn gọi là Big 6), đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thị trường kiểm toán Việt Nam mang tính chuyên nghiệp hơn. Cho đến nay, ở Việt Nam chỉ còn 04 doanh nghiệp kiểm toán hàng đầu thế giới đang hoạt động là KPMG, Deloitte, PwC, E&Y (hay còn gọi là Big 4), còn Coopers and Lybrand hết thời hạn theo giấy phép đầu tư, Arthur Andersen bị phá sản sau sự sụp đổ của Tập đoàn Enron.
Hệ thống các chuẩn mực nghề nghiệp ở Việt Nam được ban hành theo 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất gồm 37 chuẩn mực kiểm toán và 01 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, được ban hành từ năm 1999 đến năm 2005. Các chuẩn mực này được soạn thảo dựa trên các chuẩn mực kiểm toán quốc tế có hiệu lực từ trước năm 2000 đến trước năm 2004. Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý về kiểm toán, giúp cho nghề nghiệp KTĐL của Việt Nam hoạt động và phát triển như hiện nay. Giai đoạn thứ hai gồm 48 chuẩn mực, được ban hành từ năm 2012 đến năm 2015, các chuẩn mực này được thực hiện trên cơ sở hệ thống chuẩn mực quốc tế mới có hiệu lực từ 15/12/2009. Quá trình hình thành và phát triển để hoàn thiện các chuẩn mực nghề nghiệp với việc góp phần tăng cường chất lượng hoạt động KTĐL trên bình diện quốc tế và của Việt Nam có thể khái quát như sau:
Cuối thế kỷ 20, quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển thị trường tài chính quốc tế đã làm tăng nhu cầu chất lượng thông tin phục vụ cho các nhà đầu tư. Các thay đổi này dẫn đến sự hình thành hàng loạt nhu cầu xã hội đối với việc nâng cao chất lượng thông tin. Với sự thay đổi môi trường kiểm toán và với việc phát sinh các dịch vụ mới nên năm 2002, Ủy ban Thực hành Kiểm toán Quốc tế (IAPC) của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) được đổi tên thành Ủy ban Quốc tế về chuẩn mực kiểm toán và dịch vụ đảm bảo (IAASB).
Cũng trong thời gian này, nền kinh tế thế giới trải qua một đợt suy thoái nặng nề, nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới bị phá sản đã gây nên sự thiệt hại kinh tế nghiêm trọng đối với thị trường tài chính và nền kinh tế nói chung. Sự sụp đổ hàng loạt của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Enron, Worldcom... trong đó có lỗi của DNKT. Sự sụp đổ và sai phạm của đơn vị được kiểm toán, DNKT buộc các tổ chức nghề nghiệp phải xem xét lại các chuẩn mực kế toán, kiểm toán đã được ban hành và IFAC đã triển khai thực hiện dự án sửa đổi các chuẩn mực kiểm toán quốc tế đã ban hành vào năm 1994.
Tháng 4/2009, IAASB đã ban hành và công bố hệ thống chuẩn mực quốc tế mới, gồm các chuẩn mực về dịch vụ đảm bảo và dịch vụ liên quan, 01 chuẩn mực về kiểm soát chất lượng (ISQC1) và 01 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 15/12/2009 (thay thế các chuẩn mực kiểm toán trước đó).
Đến nay, hệ thống chuẩn mực quốc tế đã có nhiều thay đổi căn bản về nội dung, yêu cầu về chất lượng dịch vụ cũng như trách nhiệm của KTV đã được nâng cao và được phân loại, đánh số hiệu lại theo 02 loại dịch vụ đảm bảo (gồm dịch vụ kiểm toán, soát xét, dịch vụ đảm bảo khác) và các dịch vụ liên quan (dịch vụ phi đảm bảo).
Trong 25 năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về KTĐL của Việt Nam đã liên tục được phát triển và hoàn thiện nhằm tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế ngày càng tiếp cận với cơ chế thị trường. Trong đó có 2 loại văn bản quan trọng là Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 và Hệ thống chuẩn mực nghề nghiệp. Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 là văn bản pháp luật cao nhất về KTĐL, đặt cơ sở pháp lý bền vững cho việc nâng cao chất lượng kiểm toán để từng bước góp phần thúc đẩy thị trường tài chính và thị trường chứng khoán còn non trẻ của Việt Nam phát triển.
Đối với hệ thống chuẩn mực nghề nghiệp, từ năm 2012 đến 2015, Bộ Tài chính đã ban hành 07 Thông tư về 48 chuẩn mực nghề nghiệp (thay thế 37 chuẩn mực kiểm toán và 01 Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, được ban hành từ năm 1999 đến năm 2005), bao gồm:
1. Các chuẩn mực về dịch vụ đảm bảo:
- Khuôn khổ Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo;
- 37 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam;
- 01 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam về kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành (đây là chuẩn mực riêng có của Việt Nam);
- 02 chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ soát xét;
- 03 chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo khác.
2. Các chuẩn mực Việt Nam về dịch vụ liên quan (02 chuẩn mực).
3. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
4. Chuẩn mực kiểm soát chất lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm toán, soát xét BCTC, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác (chuẩn mực kiểm soát chất lượng số 01 - VSQC 01).
Việc nghiên cứu, soạn thảo, cập nhật để ban hành hệ thống chuẩn mực Việt Nam được thực hiện trên cơ sở hệ thống chuẩn mực quốc tế mới có hiệu lực từ ngày 15/12/2009 theo nguyên tắc tuân thủ cao nhất Hệ thống chuẩn mực quốc tế về đánh số hiệu, kết cấu, nội dung, cách phân loại chuẩn mực… kể cả hình thức trình bày. Những điểm cần bổ sung quy định mới cho phù hợp điều kiện của Việt Nam sẽ được in chữ nghiêng để thuận tiện. Theo đó, hệ thống chuẩn mực Việt Nam được rõ ràng, tạo điều kiện cho KTV và công ty kiểm toán dễ dàng tiếp cận, thuận tiện cho việc theo dõi, thực hiện cho việc sử dụng và được quốc tế thừa nhận.
Trong thời gian qua, những sự kiện gây xôn xao dư luận về một số tổ chức bị hủy niêm yết do BCTC gian lận được KTV và DNKT phát hiện ở Việt Nam càng khẳng định thêm về yêu cầu phải tăng cường hơn nữa chất lượng BCTC và chất lượng kiểm toán BCTC. Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 đã quy định Chương 8 - Kiểm toán BCTC đơn vị có lợi ích công, tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao chất lượng thông tin trên BCTC được kiểm toán.
Theo đó, các đơn vị có lợi ích công chúng bắt buộc phải thiết kế phù hợp, vận hành có hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ và thực hiện kiểm toán nội bộ, đồng thời chỉ được lựa chọn KTV và DNKT đủ tiêu chuẩn, điều kiện do cơ quan có thẩm quyền chấp thuận để kiểm toán BCTC.
Về phía các DNKT phải nỗ lực phát triển không chỉ quy mô hoạt động, số lượng KTV mà quan trọng nhất là phải đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, các thông tin về KTV và hoạt động của DNKT phải được công khai, minh bạch. Về phía Nhà nước phải tổ chức hệ thống giám sát công khai hiệu quả đối với đơn vị có lợi ích công chúng, các DNKT và KTV, đồng thời phải đảm bảo duy trì hệ thống thanh tra và xử phạt để phát hiện, xử lý và ngăn ngừa các sai phạm.
Để thực hiện các công việc trên, chuẩn mực nghề nghiệp trong hoạt động KTĐL mà Việt Nam đã ban hành theo 2 đợt sẽ là các quy định làm mực thước, là “kim chỉ nam” chỉ dẫn cho KTV trong quá trình hoạt động kiểm toán. Chuẩn mực nghề nghiệp, đặc biệt là Chuẩn mực kiểm toán không chỉ là căn cứ để thực hiện cuộc kiểm toán, mà còn là cơ sở để đánh giá chất lượng kiểm toán, là căn cứ xác định các mối quan hệ nhân quả giữa kết quả kiểm toán với việc sử dụng kết quả kiểm toán, giữa KTV với đơn vị được kiểm toán và các bên sử dụng kết quả kiểm toán, đồng thời là cơ sở, thước đo chất lượng dịch vụ kiểm toán cũng như chất lượng của đội ngũ KTV và DNKT.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, phạm vi hoạt động kinh doanh của các đơn vị có lợi ích công chúng đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia nên việc triển khai áp dụng các chuẩn mực nghề nghiệp để góp phần tăng cường chất lượng dịch vụ kiểm toán là những công việc chúng ta bắt buộc phải làm để thực hiện cam kết hội nhập trong hoạt động KTĐL theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.