“Chứng khoán sẽ ngon nhưng không dễ ăn!”
(Tài chính) “Thị trường chứng khoán rất “hot” nhưng sử dụng tiền “tươi” mua đúng “hàng” thì vẫn được nhưng những tay lướt sóng mà không khéo thì vẫn bị thị trường “luộc” như thường! Nói chung vẫn là cơ hội lớn nhưng không khéo thì cũng rất nguy hiểm”, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Maybank KimEng chia sẻ.
Phóng viên: Chứng khoán tăng trưởng sẽ giúp cho hoạt động môi giới sẽ “hot” trở lại?
Công ty chứng khoán Maybank KimEng
Những người làm nghề môi giới sau khi TTCK rớt, số lượng môi giới bỏ nghề cũng tương đối lớn, khi TTCK đi lên thì họ quay trở lại cùng với đội ngũ mới. Nói chung hoạt động môi giới sẽ tốt hơn nhiều nhưng khó để trở lại thời hoàng kim năm 2006, 2007.
Vậy điều này sẽ khiến lợi nhuận của các công ty chứng khoán cũng sẽ gia tăng đáng kể?
Theo tôi thì cũng tùy công ty. Theo báo cáo năm 2013, những công ty chứng khoán lỗ vẫn cao bởi vì khoản đầu tư từ 2006, 2007 họ vẫn giữ, thị trường đi lên nhưng vẫn lỗ hoặc đỡ lỗ hơn thôi.
Hơn nữa hoạt động vay mượn ngày xưa quá lớn nên bây giờ tăng trở lại nhưng chưa đủ bù đắp. Chỉ những công ty chứng khoán lớn trong Top 10, 20 thì tốt còn những công ty chứng khoán nhỏ vẫn khá chật vật.
Có quan điểm cho rằng chứng khoán sẽ “ngon” nhưng không dễ “ăn”, ông nhìn nhận thế nào về góc nhìn này?
Hoàn toàn chính xác! Thời điểm 2006-2007 mà mua cổ phiếu dường như chắc chắn lời, nhắm mắt mua là mai có thể lời 5-10%.
Khi đó, thị trường đi lên có thể 99% cổ phiếu tăng giá nhưng bây giờ đã khác, có khi VN-Index tăng mạnh ví dụ như phiên 25/2 tăng gần 10 điểm nhưng số mã lên chỉ khoảng 60- 70%, nghĩa là không cẩn thận vẫn “chết”.
Thêm nữa, bây giờ sử dụng margin khá nhiều trong khi giai đoạn đó rất ít, chủ yếu là mượn người thân, bạn bè chứ công ty chứng khoán chưa hỗ trợ nhiều. Bây giờ thị trường tăng nhà đầu tư có thể lời dữ dội nhưng cũng có thể mất chỉ trong vòng tích tắc.
Nhà đầu tư có thể mua lời 20 phiên trần nhưng do họ thường sử dụng margin khi giá gần lên đỉnh nên giá chỉ cần rớt hai phiên thậm chí một phiên là anh "chết" rồi.
Bởi vậy, TTCK rất “hot” nhưng sử dụng tiền “tươi” mua đúng “hàng” thì vẫn được nhưng những tay lướt sóng mà không khéo thì vẫn bị thị trường “luộc” như thường! Nói chung vẫn là cơ hội lớn nhưng không khéo thì cũng rất nguy hiểm.
Là một trong những nhà đầu tư tham gia TTCK từ năm 2000 đến giờ, tôi phát hiện một điều là trước khi “nhảy” vào chứng khoán không phải học cách kiếm tiền mà phải học cách giữ tiền đầu tiên.
Nhiều người nghĩ nên biết kiếm tiền nhưng phải biết cách giữ tiền vì khi kiếm tiền được anh mới giữ được nó. Bởi nếu không, có thể anh kiếm được đó nhưng cũng mất đó.
Theo kinh nghiệm của ông, trường phái đầu cơ hay đầu tư sẽ “lên ngôi”?
Theo tôi hai xu hướng này đều tăng trưởng với tốc độ nhanh nhưng đầu cơ sẽ có tốc độ nhanh hơn.
Đầu cơ hiện nay trên thị trường rất mạnh mẽ, thậm chí trước đây các quỹ đầu tư tại Việt Nam chủ yếu đầu tư dài hạn là chính nhưng bây giờ ngay cả những quỹ đầu tư dài hạn kiên nhẫn nhất cũng đầu cơ.
Dĩ nhiên họ vẫn có đầu tư nhưng vẫn trích tiền để đầu cơ và thậm chí đầu cơ trên chính “hàng” đầu tư, có nghĩa họ lướt sóng trên hàng đầu tư đó.
Năm 2013 có những quỹ đầu cơ thuần túy, họ toàn mua cổ phiếu penny, không thanh khoản, thua lỗ nhưng vẫn lời hơn 80%.
Ông có lời khuyên gì gửi tới nhà đầu tư, đặc biệt là những ai đang ngấp nghé muốn bước chân vào chứng khoán?
Nói chung với những nhà đầu tư mới hoàn toàn thì tôi cho rằng TTCK giờ không giống như trước: nhắm mắt là lời. Còn giờ mà nhắm mắt là “tiêu” đấy!
Nhiều nhà đầu tư than phiền với tôi mặc dù thị trường lên mà họ vẫn thua lỗ. Hoặc có những nhà đầu tư quá hào hứng khi kiếm được tiền trong một thời điểm nào đó và nghĩ mình hay rồi sau đó cũng bị thua lỗ. Thì những nhà đầu tư mới nên tránh bước vào con đường đó.
Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ TTCK một chút và nên học hỏi những nhà đầu tư mà nhiều kinh nghiệm thực tế.
Hơn nữa, nếu là nhà đầu tư mới thì không nên sử dụng margin, chỉ sử dụng tiền nhàn rỗi để làm quen và nên đầu tư những cổ phiếu mang tính chất nền tảng, cơ bản tốt và trung hạn nhiều hơn.
Có thể lướt sóng nhưng lướt sóng trên chính hàng đó. Ví dụ anh mua 10 ngàn “hàng” blue-chip thì trích ra 5 ngàn lướt sóng, 5 ngàn để trung hạn như vậy sẽ tốt hơn.
Còn đối với những nhà đầu tư cũ thì họ có thể lướt sóng chuyên nghiệp nhưng bản thân những nhà đầu tư kinh nghiệm cũng nói với tôi rằng lướt sóng có khi cũng không bằng “đánh” trung hạn và không bằng lướt sóng trên hàng trung hạn.
Và cũng nên lưu ý rằng margin là một thứ nguy hiểm, nếu sử dụng thì nên chú ý vào cổ phiếu nền tảng, tránh “hàng nóng”.
Còn nếu đánh “hàng nóng” anh phải biết điều quan trọng là chỗ nào phải chấp nhận mình sai để thoát ra khỏi đó.