Chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn nhiều việc phải làm

Theo chinhphu,vn

(Tài chính) Việc chuyển đổi mô hình kinh tế trong thời gian qua đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng cũng còn nhiều việc phải làm.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) phụ thuộc vào 2 nhóm yếu tố: Thứ nhất là tăng lượng vốn đầu tư và tăng số lượng lao động (theo chiều rộng); thứ hai là tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), gồm tăng hiệu quả đầu tư và tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới kỹ thuật- công nghệ (theo chiều sâu).

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng là quá trình giảm tỷ trọng đóng góp của nhóm yếu tố theo chiều rộng, tăng tỷ trọng đóng góp của nhóm yếu tố theo chiều sâu.

 Chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn nhiều việc phải làm - Ảnh 1
Nguồn: Tổng cục Thống kê, văn kiện Đại hội Đảng XI.

Giảm vốn, tăng hiệu quả đầu tư

Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP nếu thời kỳ 2006-2010 lên đến 39,2%/năm, thì từ năm 2011 đến nay đã liên tục giảm xuống. Năm 2011 còn 31,8%, năm 2012 còn 30,5%, kế hoạch 2013 là 30%, ước thực hiện năm 2013 giảm còn 29,1%. Điều này đã làm cho chênh lệch giữa tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP và tỷ lệ để dành/GDP giảm xuống khá nhanh. Năm 2008 là 6,3%, năm 2009 tăng 9,97% do kích cầu, thì năm 2010 đã giảm xuống còn 7,8%, năm 2011 còn 2,8%, năm 2012 gần như không đáng kể và khả năng năm 2013 chênh lệch tỷ lệ trên còn mang dấu âm sẽ giảm xuống còn ở mức thấp hơn.

Đây là xu hướng tích cực để giảm dần áp lực dựa chủ yếu vào yếu tố tăng lượng vốn đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, đây là tín hiệu khả quan để giảm sức ép tăng nợ nước ngoài, giảm sức ép đối với nhập siêu, giảm sức ép đối với lạm phát.

Đây cũng là lý do giải thích tại sao tăng trưởng dư nợ tín dụng giảm nhanh mà tốc độ tăng trưởng kinh tế không giảm tương ứng. Thực tế tăng trưởng dư nợ tín dụng đã chậm lại nhanh trong mấy năm qua (từ tăng 37,73% năm 2009, xuống còn 27,65% năm 2010, còn 14,4% năm 2011, còn 8,85% năm 2012). Mặc dù dư nợ tín dụng/GDP vẫn còn cao hơn so với nhiều nước (ở mức 60- 70%), nhưng đã giảm từ trên 130% cách đây vài ba năm, xuống dưới 100% năm 2012; đây là tiền đề để giảm áp lực đối với lạm phát và thực tế CPI đã giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012, 10 tháng 2013 còn 5,14% và ước cả năm sẽ vào khoảng 7%.

Trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực nhà nước đã giảm xuống (từ 52,3% năm 2005 xuống còn 37,8% năm 2012. Tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng giảm từ 35,5% năm 2005 xuống còn 17,1% năm 2010, còn 16,3% năm 2012. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài tăng lên tương ứng. Hiệu quả đầu tư đã được cải thiện qua hệ số ICOR, nếu bình quân thời kỳ 2006-2010 là 6,2 lần, thì bình quân thời kỳ 2011-2013 đã giảm xuống còn 5,5 lần.

Tuy nhiên, ICOR của Việt Nam cao hơn nhiều nước (của Hàn Quốc thời kỳ 1961-1980 là 3 lần, của Thái Lan thời kỳ 1981-1995 là 4,1 lần).

Hiệu quả đầu tư tăng chủ yếu do thay đổi về cơ cấu nguồn vốn đầu tư, cơ cấu ngành đầu tư, việc thoái vốn ngoài ngành chuyên môn chính…. Đây là tiền đề để vừa giảm sức ép đối với ngân sách, vừa dành dư địa đầu tư cho các thành phần kinh tế khác.

 Chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn nhiều việc phải làm - Ảnh 2
Nguồn: Tổng cục Thống kê; Kế hoạch năm 2013

Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực

Theo loại hình kinh tế, tỷ trọng lao động khu vực nhà nước giảm (từ 11,6% giai đoạn năm 1990-2005 xuống còn 10,4% từ 2010 đến nay); tỷ trọng lao động khu vực ngoài nhà nước tăng từ 85,8% năm 2005 lên 86,3% năm 2012; tỷ trọng lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ 1% năm 2000 lên 2,6% năm 2005 và lên 3,2% năm 2012.

Theo nhóm ngành kinh tế, tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản giảm từ 56% năm 2005, còn 49,5% năm 2010 và còn 47,5% năm 2012; tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 11,2% năm 1990, lên 18,1% năm 2005, lên 21% năm 2010 và 21,1% năm 2012; tỷ trọng của nhóm ngành dịch vụ đã tăng từ 15,8% năm 1990 lên 25,9% năm 2005, lên 30,5% năm 2010 và 31,4% năm 2012).

Do GDP tính theo giá so sánh thời kỳ 2011-2013 tăng 5,64%/năm, trong khi số lao động đang làm việc tăng khoảng 2,66%/năm, nên năng suất lao động tăng trên 2,9%/năm. Nguyên nhân chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu lao động từ nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản có năng suất lao động thấp (2012 đạt 26,2 triệu đồng/người) sang các nhóm ngành có năng suất lao động cao (công nghiệp-xây dựng đạt 114,3 triệu đồng/người và dịch vụ đạt 77,1 triệu đồng/người).

Tiêu hao điện năng trên GDP (tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái) đã giảm xuống (từ 0,8 kWh/USD GDP năm 2010 giảm xuống còn khoảng 0,74 kWh/USD GDP năm 2013).

Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp (năm 2012 ước đạt 62,8 triệu đồng/người/năm, tương đương với khoảng 3.000 USD), thấp xa so với nhiều nước. Tốc độ tăng của năng suất lao động (tính theo giá so sánh) mấy năm nay bị chậm lại (nếu năm 2010 còn tăng 3,59%, thì năm 2011 chỉ còn tăng 3,49%, năm 2012 chỉ còn tăng 2,5%, ước năm 2013 có thể cao hơn, đạt 2,67%).

Năng suất lao động của Việt Nam thấp do nhiều nguyên nhân như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; cơ cấu lao động của các nhóm ngành có năng suất lao động khác nhau; trình độ kỹ thuật-công nghệ còn thấp.

Những điểm cần lưu ý

Hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất tại Việt Nam thấp hơn, nên “thắng ít trên sân người” và “thua nhiều trên sân nhà”. Trong 3 loại hình kinh tế, hệ số ICOR bình quân trong thời kỳ 2009-2012 của khu vực kinh tế nhà nước cao nhất (8,5 lần), của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cao thứ hai (7,8 lần) và của khu vực ngoài nhà nước thấp nhất (4 lần).

Hệ số ICOR khu vực nhà nước cao một phần do phải đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, các vùng hoặc không vì lợi nhuận, hoặc tỷ suất lợi nhuận thấp, hoặc phải rất lâu sau mới thu hồi; một phần do còn bị phân tán, dàn trải, thi công chậm, do dễ bị lãng phí, thất thoát hoặc chậm được thanh toán. Hệ số ICOR khu vực đầu tư nước ngoài thấp, có một phần do khu vực này thường khấu hao nhanh để nhanh chóng thu hồi vốn, có một phần do tình trạng hạch toán, chuyển giá làm giảm lãi, giảm giá trị tăng thêm. Hiệu quả đầu tư của khu vực ngoài nhà nước cao nhất do đầu tư chủ yếu bằng vốn của mình, nên được lựa chọn thận trọng, có sự giám sát chặt chẽ hơn, thi công nhanh, ít bị lãng phí...

Đã đến lúc nếu tăng trưởng theo chiều rộng, tăng trưởng theo số lượng thì việc đạt được tốc độ tăng như trước cũng khó duy trì được- đó là chưa nói tới các hiệu ứng phụ của việc chạy theo tốc độ tăng trưởng cao, như lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô (nhập siêu, nợ nần...), mà phải chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng có chất lượng.

Bài học của nhiều nước và của Việt Nam trong quá khứ cho thấy, mục tiêu trong dài hạn không thể đạt được bằng tốc độ tăng cao trong ngày hôm nay, mà chủ yếu là ở sự bền vững của tốc độ đó trong tương lai. Mặc dù mấy năm nay phải tập trung vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, rồi khắc phục hiệu ứng phụ đối với tăng trưởng, hơn nữa đây là vấn đề chiến lược, lâu dài nên việc chuyển đổi mô hình chưa thực hiện được nhiều. Tuy nhiên, năm nay mục tiêu đã đạt được kết quả nhất định và điều này cần phát huy để bảo đảm sự phát triển bền vững.