Chuyển đổi số - “Chìa khóa” thay đổi phương thức dạy và học tại các trường nghề

Thủy Ngọc

Các chuyên gia nhận định, chuyển đổi số sẽ làm thay đổi cốt lõi đến hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở Việt Nam. Đặc biệt, việc chuyển đổi số trong hoạt động GDNN được xem là giải pháp cốt lõi để tăng khả năng thích ứng trong thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng do ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để bắt kịp xu thế này, GDNN cần xây dựng hệ thống dữ liệu lớn trong hệ thống cơ sở dạy nghề; Tạo được các nền tảng công nghệ...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động GDNN

Những năm qua, các quốc gia phát triển trên thế giới đã chú trọng triển khai chuyển đổi số và mang lại những hiệu quả tích cực trong công việc. Điển hình như: Anh, Australia, Đan Mạch, Estonia… đã và đang triển khai các chiến lược quốc gia về chuyển đối số.

Nội dung chuyển đổi số của các quốc gia này là khá đa dạng, nhưng có chung một số nội dung gồm: Chính phủ số (như dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở); kinh tế số (như tài chính số, thương mại điện tử), xã hội số (như giáo dục, y tế, văn hóa) và chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm (như nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông).

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, ngành Giáo dục đào tạo nói chung và GDNN của Việt Nam nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế chung của thế giới và phải thực hiện khẩn trương nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.

Trong lĩnh vực GDNN, chuyển đổi số giúp đổi mới hoạt động dạy và học tại các cơ sở GDNN theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của người học, tăng khả năng tự học, gắn học lý thuyết với thực hành.

Sự bùng nổ của nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… đã và đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số nói chung và GDNN số nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thì việc chuyển đổi từ phương thức giáo dục truyền thống sang giáo dục số ngày càng trở nên bức thiết.

Để GDNN có thể chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản như: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Trên cơ sở định hướng trên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 980/QĐ-LĐTBXH ngày 11/8/2020 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi số sẽ làm thay đổi cốt lõi đến hoạt động GDNN ở các khía cạnh: (i) Thay đổi cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước hướng đến cách thức quản lý và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn; (ii) Thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên, cách học của học viên tại các cơ sở GDNN từ môi trường truyền thống sang môi trường số; (iii) Quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới.

Từ những lợi ích của việc chuyển đổi số trên cho thấy, nhiều ngành nghề dự báo sẽ được thay thế bởi các thiết bị tự động hóa, song cũng sẽ xuất hiện nhiều ngành nghề mới. Đặc biệt, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và robot thông minh, máy móc tự động sẽ dần thay thế con người trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp.

Trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thích ứng trong việc triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020” bằng các dự án thành phần.

Nội dung Đề án tập trung vào việc xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến và triển khai đến các cơ sở GDNN; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong hoạt động kiểm định, đảm bảo chất lượng GDNN và đánh giá kỹ năng nghề và đầu tư, nâng cấp hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin cho hệ thống (Đỗ Văn Dũng, 2020).

Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, các cơ sở GDNN còn bị động trong triển khai chuyển đổi số. Hầu hết các cơ sở GDNN chưa trang bị cơ sở hạ tầng mạng internet và nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý học tập phục vụ dạy học trực tuyến. Khả năng số hóa và thích ứng với dạy học trực tuyến của hệ thống GDNN còn thấp… Đây là những rào cản gây khó khăn trong quá trình chuyển đổi số trong GDNN cần sớm khắc phục trong thời gian tới.

Hướng tới nền giáo dục nghề nghiệp số

Trước xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hướng tới nền GDNN số, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng Khung đề án chuyển đổi số trong GDNN.

Theo Khung đề án này, toàn bộ hệ thống GDNN được coi như là “một quốc gia thu nhỏ”, toàn bộ hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở GDNN, giáo viên, học viên sẽ được chuyển sang môi trường số.

Đến năm 2030, hoạt động GDNN Việt Nam đạt trình độ các nước ASEAN- 4. Cùng với đó, phấn đấu đến năm 2030, 100% dịch vụ công liên quan đến hoạt động GDNN là dịch vụ trực tuyến mức độ 4 được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Khoảng 600 cơ sở GDNN (chiếm 30%) phải thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn. Đặc biệt, 100% các trường nghề triển khai nền tảng dạy nghề trực tuyến.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thông suốt về tư tưởng và quyết tâm hợp lực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành GDNN, đến đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý.

Hai là, xây dựng GDNN mở trên cơ sở áp dụng mạnh tiến bộ của công nghệ thông tin trong dạy và học; triển khai đào tạo trực tuyến, phát triển các tài nguyên giáo dục mở, khai thác các khóa học trực tuyến mở đại trà trong GDNN, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động cập nhật, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Ba là, đẩy mạnh đào tạo, cập nhật những kiến thức mới cho lực lượng lao động để thích ứng với chuyển đổi số trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Bốn là, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN phải gắn liền với doanh nghiệp. Bởi vì, trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp đưa ra yêu cầu từ công nghệ, kỹ năng đến chất lượng nguồn nhân lực.

Năm là, tăng cường nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia phát triển về chuyển đổi số trong hoạt động GDNN để nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam.

Đến năm 2030, hoạt động GDNN Việt Nam đạt trình độ các nước ASEAN- 4. Cùng với đó, phấn đấu đến năm 2030, 100% dịch vụ công liên quan đến hoạt động GDNN là dịch vụ trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Khoảng 600 cơ sở GDNN (chiếm 30%) phải thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn. Đặc biệt, 100% các trường nghề triển khai nền tảng dạy nghề trực tuyến.