Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thông qua tăng cường hợp tác quốc tế
Hợp tác quốc tế được là một trong những nội dung trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Nội dung này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và ảnh hưởng sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Thực tiễn hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp hiện nay
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách để đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về dạy nghề đã được ban hành như các quy định về Hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đào tạo và dạy nghề được nhằm tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức quốc tế và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Theo quy định tại Điều 46 Luật Giáo dục Nghề nghiệp, hoạt động hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục nghề nghiệp tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; tạo điều kiện để cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế và mở rộng giao lưu với quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã tham gia và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, diễn đàn song phương, đa phương trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; xây dựng, ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và triển khai các hoạt động nghiên cứu với nhiều đối tác quốc tế.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã xây dựng các chính sách mở hơn nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, liên kết đào tạo với nước ngoài; chuyển giao các bộ chương trình đào tạo từ các nước phát triển và tổ chức đào tạo thí điểm theo tiêu chuẩn của nước chuyển giao và được tổ chức kiểm định quốc tế công nhận trình độ kỹ năng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý tại nước ngoài; xây dựng hệ thống mạng lưới các đối tác phát triển; triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật vốn ODA từ các đối tác phát triển.
Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính thông qua các dự án từ các nguồn tài trợ quốc tế song phương của chính phủ các nước: Australia, Pháp, Italia, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch…; các tổ chức đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ Dân số Liên hợp quốc… Bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp cũng tham gia tích cực và đầy đủ, đóng góp có trách nhiệm vào các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương như các nước tiểu vùng sông Mê Kông; các nước Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS); Tổ chức thi tay nghề thế giới, ASEAN...
Hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp đã giúp Việt Nam tiến gần hơn với trình độ, kỹ thuật đào tạo nghề của các quốc gia phát triển. Thông qua tiến trình hội nhập sâu rộng và đa chiều trong nhiều khía cạnh của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Việt Nam đã từng bước cải thiện cả về số lượng và chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ của lực lượng lao động, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường, từng bước thu hẹp khoảng cách trong hoạt động nghiên cứu khoa học và xu hướng di chuyển nguồn nhân lực toàn cầu.
Theo bà Vũ Lan Hương - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, thời gian qua, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã và đang triển khai nhiều chương trình hợp tác nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng với nhu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0 và thích ứng với những thay đổi sau dịch COVID-19. Hiện tại, có khoảng 5.000 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo; khoảng 200 lượt giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các khóa đào tạo nước ngoài (Malaysia, Australia, Đức, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc); 655 nhà giáo được đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Australia, Đức, các khóa đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, con số trên vẫn còn khiêm tốn nếu so với sánh với gần 90.000 nhà giáo đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế như: Chưa tận dụng tối đa nguồn vốn ODA, kinh nghiệm của các đối tác phát triển vào giáo dục nghề nghiệp; chưa có lộ trình cụ thể và bước đi phù hợp nhằm định hướng cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp danh tiếng của thế giới...
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đánh giá đúng, đầy đủ về vai trò của hợp tác quốc tế trong việc xây dựng thương hiệu và tăng cường chất lượng; công tác truyền thông cho các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm; nguồn kinh phí cho hoạt động hợp tác quốc tế còn hạn chế; khả năng sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế của giáo viên, cán bộ quản lý các cấp còn hạn chế...
Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp
Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong thời gian tới, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần được tăng cường hơn nữa.
Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển giáo dục nghề nghiệp; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và các cuộc thi kỹ năng nghề.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển và nâng cao chất lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp giữa các quốc gia, cơ quan, tổ chức quốc tế. Thông tin về định hướng, tiềm năng, cơ hội hợp tác trong phát triển đội ngũ giáo dục nghề nghiệp giữa các quốc gia. Thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với các cơ quan, tổ chức hợp tác quốc tế để phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Để tranh thủ nguồn lực bên ngoài để theo kịp xu hướng mới của nền giáo dục thế giới, cần tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế về bồi dưỡng giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí và phương pháp tiếp cận chung của khu vực và quốc tế trong quá trình xây dựng, cập nhật chương trình và triển khai đào tạo, về kiểm tra, đánh giá học sinh.
Việc tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức trong nước, khu vực và toàn cầu vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp cần được đẩy mạnh. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam với nước ngoài trong việc tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập; tiến tới sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy chuyên ngành. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút nguồn vốn ODA cho đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài để hợp tác đào tạo, phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao tại Việt Nam.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần triển khai hiệu quả các nguồn học bổng ngắn hạn, dài hạn để cử các giảng viên, cán bộ nghiên cứu, sinh viên đi đào tạo, thực tập, nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục tiên tiến của nước ngoài; Tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập và gửi sinh viên Việt Nam đến cơ sở đối tác để học tập, nghiên cứu; mở rộng diện tuyển chọn sinh viên đi học tập tại các quốc gia phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh liên kết đào tạo; thành lập văn phòng đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và mở văn phòng đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam ở nước ngoài. Nâng cao năng lực cho bộ máy và cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...