Chuyển đổi số tiếp tục là mũi nhọn trong năm 2022
"Ngoài việc là một phương pháp chuyển đổi mạnh mẽ thúc đẩy các lợi ích kinh tế cao hơn, chuyển đổi số đang được coi là công cụ hữu hiệu giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam (và trên thế giới) đạt được các mục tiêu bền vững, mang tính xã hội cao và nâng cao khả năng quản trị. Đây cũng là một xu hướng mới trong năm 2022", ông Võ Tấn Long, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam trao đổi với phóng viên.
Phóng viên: Với góc nhìn của PwC, ông có đánh giá như thế nào về hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng trong năm qua?
Ông Võ Tấn Long: Hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam có thể nói đang phát triển một cách mạnh mẽ, mở ra những tiềm năng phát triển đang còn được ẩn giấu. Theo khảo sát của VISA, mới có 1/3 dân số tại Việt Nam sử dụng thanh toán số.
Khảo sát gần đây của PwC cũng cho thấy, 58% người dùng dịch vụ ngân hàng đang tìm kiếm những trải nghiệm tốt hơn trên không gian số, mặc dù vẫn tiếp tục giữ tài khoản chính của mình tại ngân hàng truyền thống. Những nhu cầu từ phía khách hàng tạo nên những cơ hội rất lớn cho nền kinh tế số, mà các dịch vụ tài chính được số hóa là nòng cốt.
Quá trình chuyển đổi số này lại càng được thúc đẩy mạnh hơn dưới tác động của đại dịch COVID-19, khi mà khách hàng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và sự an toàn, đến các dịch vụ và sản phẩm được cung cấp trong thời kỳ giãn cách, xa hơn nữa là chuỗi cung ứng và kho vận tích hợp. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 95% các tổ chức tín dụng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Thị trường tiềm năng này, được hỗ trợ bởi các chính sách thúc đẩy tài chính toàn diện của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, như việc chấp nhận định danh khách hàng điện tử, thanh toán dùng tài khoản điện thoại di động, sẽ thu hút những nguồn đầu tư mới vào lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) và các ngân hàng số thuần túy.
Thanh toán vẫn là mảng được tập trung nhiều nhất, chiếm tới 1/3 số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam, theo sau đó là cho vay, crypto và blockchain, bảo hiểm công nghệ (insurtech), ngân hàng số thuần túy, cung cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tốc độ phát triển rất lớn. Những công ty khởi nghiệp này đang tạo những sức ép lớn lên các ngân hàng truyền thống trong việc đổi mới sáng tạo và chuyển đối số.
Trong Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số - Xu hướng và sáng kiến chiến lược”, được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào tháng 9/2021, nhiều ngân hàng đều có những chia sẻ rất khả quan về các mục tiêu đạt được trong lĩnh vực thu hút khách hàng mới, tỷ lệ giao dịch trên các kênh số và các trải nghiệm mới của khách hàng trên các kênh mới.
Phóng viên: Theo ông, đâu là những điểm đã đạt được trong số hóa hoạt động ngân hàng tại Việt Nam? Những điểm nào cần tiếp tục được cải thiện, thưa ông?
Ông Võ Tấn Long: Thứ nhất, các hoạt động số hóa các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng đã diễn ra rộng khắp tại các ngân hàng, các lĩnh vực vận hành, các mảng thị trường và khách hàng, giúp cho ngành Ngân hàng tiến dần hơn tới mục tiêu về tài chính toàn diện và không dùng tiền mặt, cũng như khơi thông hệ thống huyết mạch cho một nền kinh tế số tại Việt Nam.
Thứ hai, việc phổ cập dịch vụ tài chính số đang ngày một lan rộng và chiếm được niềm tin của người sử dụng dịch vụ thông qua các trải nghiệm thuận tiện, an toàn. Trong năm 2019, số lượng khách hàng sử dụng thanh toán di động tại cửa hàng ở Việt Nam tăng từ 37% lên 61%, là mức tăng trưởng lớn nhất trên toàn cầu. Đây là đóng góp đáng kể trong việc thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người Việt, cũng như giảm đáng kể khối lượng công tác vận hành và xử lý thanh toán.
Thứ ba, việc chuyển đổi số đã thúc đẩy sự hình thành các hệ sinh thái mang lại những giá trị thặng dư lớn hơn và toàn diện hơn cho khách hàng. Các hệ sinh thái này đang tích cực kết nối các ngành công nghiệp khác nhau vào thành một chuỗi cung ứng trọn gói các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu hàng ngày, góp phần đáng kể trong việc duy trì các sản phẩm và dịch vụ này trong thời kỳ đại dịch, cũng như tạo đà khôi phục và phát triển sau đại dịch.
Có thể nói, trong công cuộc chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ và đang trong một lộ trình tích cực để đạt tới mục tiêu đề ra. Để những thành quả này được củng cố hơn nữa, theo chúng tôi đánh giá, cần có sự chung tay của toàn bộ nền kinh tế chứ không chỉ có ngành Ngân hàng.
Trong đó, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công là sự chỉ đạo và hỗ trợ của Nhà nước và các cơ quản quản lý trong việc tạo ra khung pháp lý cho phép các sản phẩm và dịch vụ mới, các mô hình hoạt động sáng tạo có cơ hội được thử nghiệm và phát triển nếu thành công.
Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng là hạ tầng cơ sở về công nghệ. Ngành Ngân hàng có lợi thế nhờ đầu tư công nghệ rất sớm nhưng cách đầu tư bị phân mảnh, chưa có sự tích hợp chặt chẽ và không có những kiến trúc doanh nghiệp hướng tới tương lai sẽ giảm thiểu đáng kể hiệu quả của các hệ thống công nghệ này trong quá trình chuyển đổi số.
Phóng viên: Nhìn rộng ra khu vực và thế giới, ông thấy hoạt động chuyển đổi số đã diễn ra như thế nào? Các ngân hàng Việt Nam có thể học hỏi những gì từ các ngân hàng khu vực và thế giới trong công cuộc chuyển đổi số, thưa ông?
Ông Võ Tấn Long: Bên cạnh những thị trường đã được hình thành lâu đời như Mỹ và châu Âu, châu Á và khu vực Thái Bình Dương đang là một điểm nóng của các hoạt động chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.
Có thể kể đến một loạt các nước lân cận và trong khu vực, nơi mà ngân hàng trung ương cấp phép mới cho việc thành lập các ngân hàng số thuần túy, như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan…
Việc áp dụng công nghệ blockchain trong các hệ thống thanh toán, mở rộng các hệ thống thanh toán ra ngoài biên giới quốc gia, đang ngày một phổ biến. Một số quốc gia đang coi tiền mã hóa pháp định như một giải pháp đáp lại những quan ngại về tiền mã hóa cá nhân hay hệ thống tài chính phi tập trung.
Không chỉ đến từ ngân hàng trung ương, bản thân các ngân hàng thương mại cũng đang rất tích cực và táo bạo trong việc xây dựng những ngân hàng số riêng biệt như một vườn ươm cho những mô hình kinh doanh phi truyền thống, cho những kỹ năng và văn hóa làm việc trong môi trường số mới, qua đó thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số.
Tại các nước trong khu vực và trên thế giới kể trên, việc xây dựng trải nghiệm khách hàng liền mạch và xuyên suốt vòng đời khách hàng, xây dựng niềm tin của khách hàng vào những mô hình kinh doanh, các sản phẩm dịch vụ sáng tạo, thông qua những cơ chế bảo mật và an toàn dữ liệu, bảo đảm quyền riêng tư và tính tuân thủ, đang là những điểm mà chúng ta cần theo kịp.
Phóng viên: Với những nền tảng Việt Nam đã đạt được, ông có dự báo như thế nào về hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam nói chung, trong ngành Ngân hàng nói riêng?
Ông Võ Tấn Long: Chuyển đổi số như một sách lược của chúng ta trên mọi hoạt động của đất nước và mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ tiếp tục là mũi nhọn trong năm 2022 và những năm tới. Việc các đơn vị số hóa các hoạt động trong nội bộ đơn vị mình, trong nội bộ ngành công nghiệp để đạt được một trình độ tự động hóa nhất định sẽ vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng việc liên kết, kết hợp giữa các ngành nghề tạo nên những hệ sinh thái khác nhau trong nền kinh tế số sẽ là xu hướng mang lại những thành quả bền vững và đáng kể nhất. Xu hướng này đã bắt đầu từ những tập đoàn đa ngành nghề và sẽ lan dần ra mọi ngành kinh tế.
Ngoài việc lấy chuyển đổi số như một phương pháp chuyển đổi tiến tới đạt được lợi ích kinh tế cao hơn, chuyển đổi số đang được coi là công cụ hữu hiệu giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam (và trên thế giới) đạt được các mục tiêu bền vững, mang tính xã hội cao và nâng cao khả năng quản trị. Đây cũng là một xu hướng mới trong năm 2022.
Ngành Ngân hàng cũng sẽ không phải là một ngoại lệ với những xu hướng trên. Với sự hình thành và được đưa vào hoạt động của các cơ sở dữ liệu quốc gia, ngành Ngân hàng sẽ có những chuyển mình lớn trong việc thu thập, tích hợp và sử dụng dữ liệu trong hoạt động của mình. Đồng thời xu hướng này cũng sẽ tạo ra những yêu cầu nhất định về tuân thủ, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư mà các ngân hàng sẽ cần quan tâm.
Về mặt sản phẩm và dịch vụ, ngoài dịch vụ thanh toán vẫn là thế mạnh truyền thống trong lĩnh vực ngân hàng số, các sản phẩm cho vay phi truyền thống, bảo hiểm, tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các dịch vụ dựa trên công nghệ crypto, blockchain sẽ có những thay đổi đáng kể. Trong lĩnh vực thanh toán, các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới, sử dụng ví điện tử sẽ dần thay thế các dịch vụ thanh toán truyền thống.
Hoạt động số hóa sẽ không chỉ dừng lại ở việc xây dựng năng lực cho các kênh số và đổi mới sáng tạo sản phẩm dịch vụ, các hoạt động tối ưu hóa quy trình nội bộ, nâng cao năng lực quản trị rủi ro hoạt động sử dụng công nghệ cũng sẽ là trọng tâm của các ngân hàng trong năm 2022.
Phóng viên: Để hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng thành công, theo ông, cần có những giải pháp như thế nào từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành?
Ông Võ Tấn Long: Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành đóng một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt, chỉ đạo và thúc đẩy công cuộc xây dựng nền kinh tế số, đồng thời tạo nên nền tảng pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.
Việc đầu tiên, cần gắn những mục tiêu chuyển đổi số với các mục tiêu tài chính, phát triển bền vững, xã hội hóa và quản trị của các ngành kinh tế, nhằm làm cho công cuộc chuyển đổi số trở nên thiết thực và biến thành hoạt động hàng ngày của từng doanh nghiệp, đơn vị, chứ không chỉ là các định hướng chiến lược.
Nhóm giải pháp thứ hai, nguồn nhân lực, năng lực và kỹ năng làm việc trong thời đại số là tối cần thiết cho một kế hoạch lâu dài trong bối cảnh cạnh tranh về nhân tài chuyển đổi số trong khu vực và trên thế giới. Không chỉ các cơ sở đào tạo đóng vai trò chủ đạo cho đầu vào, các doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ sở đào tạo để xác định được nhu cầu và phối hợp nâng cao nguồn nhân lực số.
Nhóm giải pháp thứ ba nhắm tới việc tạo nền tảng cho các công nghệ chủ chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: điện toán đám mây, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, mạng xã hội, blockchain, crypto…
Những công nghệ này có thể mang lại các thay đổi lớn về mô hình kinh doanh, nhưng đồng thời cũng rất mới với công việc quản lý nhà nước. Các môi trường thử nghiệm sandbox cần được lập ra để tạo điều kiện phát triển cho những công nghệ này nhưng cũng đồng thời bổ sung kịp thời các khung pháp lý tương ứng.
Nhóm giải pháp thứ tư liên quan đến việc thu thập, xử lý, tích hợp và chia sẻ dữ liệu như tôi đã nhắc đến ở trên như là một trong các yếu tố thành công.
Nhóm giải pháp thứ năm là khung quản trị rủi ro trong quá trình chuyển đổi số. Việc thực hiện công việc kinh doanh và giao dịch trên không gian số đi kèm cùng những rủi ro mới chưa được biết đến, nhưng không có nghĩa là khung quản trị rủi ro chuyển đổi số có thể tách rời khỏi những mô hình truyền thống.
Chính vì vậy, nâng cao lực quản trị nói chung và quản trị rủi ro chuyển đổi số nói riêng là một trong những yêu cầu thiết yếu để nâng cao độ tin cậy và trải nghiệm của khách hàng trên không gian số, đặc biệt là với ngành tài chính ngân hàng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!