Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp
Năm 2022, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong tình hình mới.
Đây là thông tin vừa được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ với báo chí về những kết quả nổi bật của ngành BHXH Việt Nam trong năm 2021 và định hướng triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Ghi nhận kết quả tích cực
Đánh giá về về kết quả nổi bật của ngành BHXH Việt Nam trong năm 2021, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, năm qua, đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt kinh tế - xã hội của nước ta.
Trong bối cảnh đó, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN của ngành BHXH Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, sáng tạo, toàn Ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của chính sách BHXH, BHYT, BHTN giúp hàng triệu người dân, người lao động (NLĐ) vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Kết quả nổi bật của ngành BHXH Việt Nam được thể hiện ở các lĩnh vực sau:
Một là, bám sát chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp trình cấp có thẩm quyền ban hành và thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Hai là, tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương và đạt được nhiều mục tiêu đề ra; độ bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, trong đó người tham gia BHXH tự nguyện vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, BHYT cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân.
Ba là, việc quản lý Quỹ BHXH bảo đảm an toàn, bền vững, hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.
Bốn là, chú trọng đổi mới phương thức, cách thức thanh tra, kiểm tra góp phần quan trọng vào việc nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Năm là, đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, giảm đầu mối cấp Vụ, cấp phòng, các chức danh lãnh đạo các cấp ở cả Trung ương và địa phương (giảm 2.168 biên chế, 10% so với biên chế được giao năm 2016) theo mục tiêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Sáu là, triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên Trục dữ liệu quốc gia, triển khai ứng dụng VssID-BHXH số. Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử của BHXH Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh thời gian qua.
Đạt được những kết quả trên là do ngành BHXH Việt Nam đã quyết liệt, sáng tạo trong triển khai, cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; kịp thời xây dựng kế hoạch, kịch bản điều hành chi tiết, linh hoạt, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19.
Thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người lao động “chưa có tiền lệ”
Bên cạnh những kết quả trên, năm 2021, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách “chưa có tiền lệ” để hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo người đứng đầu ngành BHXH Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, năm 2021, BHXH Việt Nam đã chủ động đề xuất, tham gia phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, gồm: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021; đặc biệt là Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ từ Quỹ BHTN.
Ngay sau khi các văn bản trên được ban hành, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, với phương châm đưa chính sách đến với doanh nghiệp và NLĐ nhanh nhất, thuận tiện nhất.
Kết quả trong thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, chỉ sau 7 ngày, toàn Ngành đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị (tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng); rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 5 ngày còn 1 ngày làm việc; thành lập các Đoàn công tác để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn tại Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam.
Theo thống kê, đến ngày 28/12/2021, toàn Ngành đã giải quyết cho 846 đơn vị với 160.218 lao động tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.113 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 3.012.864 NLĐ của 70.804 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách hỗ trợ.
Trong thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, trong vòng 5 ngày (đến ngày 5/10/2021), toàn Ngành đã hoàn thành việc gửi thông báo giảm mức đóng (1% xuống 0%) vào Quỹ BHTN đến 363,6 nghìn đơn vị SDLĐ, với số tiền điều chỉnh giảm khoảng 7.594,6 tỷ đồng. Hiện nay đã có hơn 12,7 triệu người lao động được nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN với tổng số tiền khoảng 30,11 nghìn tỷ đồng.
Các gói hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với NLĐ và đơn vị SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đồng thời, thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách BHXH, BHTN, đảm bảo hài hòa nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc đóng - hưởng được kết hợp với nguyên tắc công bằng.
Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2022
Nhận định và đưa ra các giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2022, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường; nguy cơ lan rộng, bùng phát của đại dịch vẫn còn hiện hữu; hoạt động của các trung tâm kinh tế, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp, tỉnh, thành phố lớn gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống, đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong tình hình mới.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam sẽ thường xuyên rà soát, xây dựng, kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị sửa đổi những điểm bất cập, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hỗ trợ tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với người yếu thế, người dân, NLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
BHXH Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư.
Đồng thời, phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên môi trường internet, mạng xã hội; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất thông tin về chính sách BHXH, BHYT…