Chuyển đổi số trong bất động sản giúp hạn chế rủi ro, tăng doanh thu
Trong hành trình của một dự án BĐS, giao dịch là giai đoạn mang lại giá trị then chốt và khẳng định hiệu quả của dự án. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp BĐS nỗ lực chuyển đổi số để giành lấy lợi thế.
Những thách thức nội tại
Với hệ thống thủ tục và pháp lý phức tạp, bất động sản vẫn luôn là một loại tài sản có tính thanh khoản thấp. Việc bán nhà, đất, cho thuê… có thể mất hàng tháng, hàng năm và cũng không có cách nào để nhận được số tiền đó một cách nhanh chóng. Giá trị tài sản cao khiến bất động sản không phải là thứ hàng hóa dành cho mọi người. Chưa kể, rủi ro của ngành bất động sản từ lâu đã là một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế, khi các dòng chảy về tài chính đều liên quan tới các định chế ngân hàng, hay việc huy động nguồn vốn lớn từ công chúng (cổ phiếu, trái phiếu).
Chuyển đổi số, như quá trình dịch chuyển từ các quyết định tự phát của thị trường sang các quyết định dựa trên nền tảng dữ liệu, được mong đợi sẽ mang lại giải pháp dẫn dắt ngành công nghiệp này vượt qua những vấn đề nội tại.
Bất động sản, với quy mô của một ngành công nghiệp, từ trước đến nay thường chậm chạp trong việc áp dụng công nghệ mới, nhưng không vì thế mà thiếu khát vọng cải tiến và phát triển. Ngành công nghiệp này có một tập hợp các vấn đề mà lời giải đã sẵn sàng trong chyển đổi số.
Lĩnh vực này phụ thuộc vào các ngành truyền thống khác như ngân hàng và luật cùng một hệ sinh thái các nhà cung cấp vây quanh.
Trong khi đó, việc chuyển đổi một bất động sản thành hàng hóa thương phẩm (commodity) là rất khó khăn, và nếu có chỉ trong một khoảng thời gian ngắn với loại hình bất động sản nhà ở sơ cấp. Giao dịch bất động sản, bởi vậy về cơ bản vẫn đòi hỏi một quá trình xem xét trực tiếp và tìm kiếm giá cả (price discovery) chiếm nhiều thời gian.
Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số trong giao dịch bất động sản là rút ngắn thời gian và chi phí giao dịch, tăng thanh khoản tài sản bất động sản.
Tại hội thảo “Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số” do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức mới đây, ông Trương Trí Vĩnh, Phó Tổng Thư ký thường trực VARS cho biết: “Chuyển đổi số, như quá trình dịch chuyển từ các quyết định tự phát của thị trường sang các quyết định dựa trên nền tảng dữ liệu, được mong đợi sẽ mang lại giải pháp dẫn dắt ngành công nghiệp này vượt qua những vấn đề nội tại”.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường bất động sản đóng vai trò là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị bất động sản. Hiện có 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường bất động sản. Trong đó, 4 ngành lớn có liên quan nhiều nhất gồm xây dựng, du lịch, lưu trú và tài chính - ngân hàng…
Chuyển đổi số bất động sản mang lại nhiều lợi ích lớn như: tăng cơ hội tăng trưởng, tăng hiệu quả để giao dự án nhanh hơn, dòng doanh thu mới; giảm chi phí, cải thiện tiến độ giao hàng và lợi nhuận dự án, tăng tiết kiệm nguồn cung ứng; tối ưu hóa tác động môi trường, giảm chất thải, tăng tính tuân thủ; cải thiện sự hài lòng của khách hàng, cải thiện tốc độ kinh doanh, giảm rủi ro kinh doanh và công nghệ. Cách mạng công nghệ là thay đổi căn bản, là xu hướng tất yếu. Chuyển đổi số mang lại lợi ích nhiều hơn so với rủi ro, bất lợi và trở thành cuộc đua sống còn của doanh nghiệp Việt.
Theo ông Lực, những thách thức trong chuyển đổi số bất động sản Việt Nam hiện nay là nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin thiếu và yếu; doanh nghiệp bất động sản thường hoạt động theo hướng truyền thống và ít đầu tư cho hoạt động đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số. Bên cạnh đó là khung pháp lý chậm thay đổi, cập nhật thiếu đồng bộ và cởi mở; thông tin, dữ liệu thiếu và rải rác...
Giải quyết thách thức trong chuyển đổi số bất động sản
Xu hướng chuyển đổi số đang được các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản áp dụng. Với sự phát triển của công nghệ, khách hàng ngày nay ưa chuộng sử dụng những ứng dụng công nghệ trong việc nghiên cứu, tìm kiếm thông tin và thực hiện giao dịch bất động sản. Việc áp dụng công nghệ là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận những khách hàng có nhu cầu ở thật, tăng tính cạnh tranh, khẳng định tiềm lực của doanh nghiệp. Ngoài ra, giao dịch bằng hình thức trực tuyến sẽ tạo điều kiện giúp dự án minh bạch hơn, khách hàng có thể nắm được đầy đủ thông tin mới nhất về pháp lý, tiến độ, thiết kế dự án…
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ người dùng/khách hàng như công nghệ thực tế ảo (VR) hay thực tế ảo tăng cường (AR) giúp người mua không phải tốn quá nhiều chi phí vẫn có thể tiếp cận với sản phẩm bất động sản và có đánh giá sơ bộ, chuyển đổi số trong giao dịch bất động sản còn là những giải pháp hỗ trợ bên bán bằng dữ liệu lớn, giúp người bán tìm kiếm người mua, giới thiệu bất động sản phù hợp nhất. Các doanh nghiệp bất động sản lớn đang dẫn dắt sự chuyển dịch này.
Giờ đây không cần phải đến tận nơi, các dự án với những thông số kỹ thuật chi tiết, các website hoàn toàn có thể giúp người dùng trải nghiệm không gian hoàn chỉnh trên chính máy tính của người dùng chỉ với thao tác lăn chuột. Người dùng có thể xem chi tiết từng căn nhà mà không vướng phải cản trở nào, với không gian 3D chân thực. Công nghệ thực tế ảo đến nay đã trở nên phổ biến và không quá đắt đỏ.
Trước những thách thức của chuyển đổi số, TS. Cấn Văn Lực cho hay: “Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng và thực thi chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại số; nghiên cứu, tính toán phương án tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin và tích hợp các kênh phân phối khác nhau; thay đổi mô thức tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số; tăng cường kết nối, hợp tác; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro công nghệ thông tin. Ngoài ra, cần xây dựng, quản lý, khai thác và phân tích cơ sở dữ liệu; kiến nghị, tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số; hỗ trợ nâng cao kiến thức, nhận thức của khách hàng và cơ quan quản lý về chuyển đổi số”.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng chia sẻ, cuộc đua chuyển đổi số trong giao dịch bất động sản đã được các doanh nghiệp lớn khởi xướng và tạo nền tảng. Chuyển đổi số đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ hệ thống, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và nhà môi giới cá nhân. Đây là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp tham gia và giành lợi thế phát triển về lâu dài.
“Nếu được số hóa, có dữ liệu thì dễ dàng quản lý, dễ dàng kinh doanh, kiểm soát tích cực, hiệu quả. Đặc biệt là tính rủi ro, tính gây thiệt hại cho thị trường sẽ bị triệt tiêu. Làm sao để mỗi bất động sản đều được số hóa. Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ, các nhà môi giới, sàn giao dịch bất động sản đều được mã hóa, số hóa”, ông Đính nói.