Chuyên gia khẳng định ưu việt của tính giá điện theo bậc thang lũy tiến
Sáng 22/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” nhằm lấy ý kiến về 3 phương án sắp xếp lại biểu giá điện được công bố cách đây vài ngày. Phương án rút từ 6 bậc thang như hiện nay xuống ít bậc hơn được số đông ủng hộ.
Có 3 phương án được đề xuất
Cụ thể, 3 phương án mà EVN đề xuất là: Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc như hiện nay; Phương án 2: Chỉ có một mức giá điện sinh hoạt duy nhất là 1.747 đồng/kWh; Phương án 3: Chỉ còn 3-4 bậc thang điện.
Tại Hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho hay, đa phần các nước Chính phủ quyết định giá hoặc kiểm soát chặt chẽ đều có giá điện 6 bậc thang, thậm chí 7-8 bậc thang với mức giá cao nhất lên tới 5.000-6.000 đồng/kWh. Phương án đồng giá chỉ được áp dụng tại các nước có thị trường bán lẻ cạnh tranh đến người tiêu dùng cuối cùng như Singapore, Philippines…
“Nếu đứng dưới góc độ người sản xuất EVN chỉ cần bán điện đủ chi phí nhưng EVN không phải sản xuất bình thường mà còn phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về cung cấp điện cho toàn ngành kinh tế. Nếu như không sản xuất được phải mua, nếu trong nước không đủ phải đàm phán nhập khẩu. Thậm chí, phía bên BOT triển khai chậm EVN bị giao làm gấp. Vai trò EVN Chính phủ giao phải làm, không phải muốn hay không” - ông Tri thông tin.
Thiên về bậc thang lũy tiến
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đại diện phía đơn vị tư vấn cho EVN cho hay, hiện tại EVN chưa nghiêng về phương án nào. Tuy nhiên, về góc độ cá nhân ông thì ông nghiêng về phương án 3 là rút từ 6 bậc xuống 3 hoặc 4 bậc. Dù vậy, EVN sẽ phải điều chỉnh để làm sao tác động ít nhất đến người tiêu dùng, giải quyết những khó khăn.
“Phần lớn các nước trên thế giới áp dụng cách tính giá điện theo bậc thang lũy tiến, chỉ có cách sắp xếp là khác nhau. Do đó, EVN sẽ điều chỉnh sao cho hài hòa giữa lợi ích của người người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp”, ông Thỏa nói.
Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, tại Việt Nam, giá điện là câu chuyện phức tạp và đặc biệt nó gắn với hệ thống lương. Giá điện phải cân đối về các vấn đề kinh tế khác mới có thể cải tiến một cách hợp lý. Do đó yếu tố tính giá điện nên bổ sung thêm yếu tố nguồn cung của ngành điện. Đây là cơ sở quan trọng để tính giá điện cuối cùng. Thứ hai là cần tính đến mối quan hệ giữa hệ thống lương và hệ thống giá điện…
“Theo tôi, khi mức sống người dân tăng lên thì số điện dùng tối thiểu cũng sẽ tăng lên. Do đó cần tính bậc thang giá điện phù hợp với nhu cầu tiêu dùng điện của người dân. Tôi đồng ý với giá điện chia theo bậc thang nhưng nên ít bậc thang hơn. Có thể để số bậc thang từ 3 đến 4 bậc. Nhưng nên nâng kWh tại mỗi bậc và khoảng cách giữa các bậc cũng giãn ra hơn không sát như vậy. Chênh lệch giá giữa các bậc cũng nên thấp hơn. Đảm bảo không quá nhảy cóc sẽ có lợi cho người tiêu dùng và không thiệt cho EVN “, PGS - TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.
EVN lắng nghe để hoàn thiện biểu giá điện
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, điện vừa là ngành kinh tế vừa gắn chính trị và an sinh xã hội. Nhà nước thành lập EVN có quy chế, điều lệ quy định chức năng, nhiệm vụ của EVN do đó bức xúc điều chỉnh cơ chế thay đổi không thể nói mình EVN.
Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng về mặt điều hành giá điện, điều hành giá điện nhằm đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng nhưng giá điện cần phải cao hơn giá thành sản xuất điện, để doanh nghiệp thu được mức lợi nhuận hợp lý.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, trách nhiệm chính xây dựng biểu giá bán lẻ điện là của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN đưa phương án xây dựng biểu giá điện sinh hoạt.
Ông Tuấn khẳng định, Bộ Công Thương cũng như Cục điều tiết và phía doanh nghiệp EVN sẽ tiếp thu ý kiến để hoàn thiện biểu giá điện mới. Sau đó, trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Ba phương án EVN đề xuất
Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc như hiện nay. Biểu giá hiện hành phức tạp, khi nhu cầu sử dụng cao thì tốc độ giá nhảy vọt, tăng nhanh hơn tốc độ sử dụng điện.
Phương án 2: Chỉ có một mức giá điện sinh hoạt là 1.747 đồng/kWh là mức giá trung bình của biểu giá điện theo bậc thang hiện hành. Những người đang sử dụng điện dưới 240kwh/tháng sẽ bị thiệt, không được hưởng mức giá thấp nữa, người nghèo bị ảnh hưởng. Người dùng trên 240kwh/tháng sẽ được lợi.
Phương án 3: EVN đề xuất chỉ còn 3 bậc hoặc 4 bậc thang điện. Phương án này lại có 5 kịch bản, với các cách phân chia khác nhau, dễ hiểu nhất là phân ra sử dụng 100kwh/tháng giá 1.501 đồng/kwh; 200kwh/tháng giá 1.907 đồng/kwh và trên 300kwh/tháng giá 2.557 đồng/kwh. Phương án 3 này cũng có giá trung bình các bậc thang là 1.747 đồng/kwh.