Tính giá điện thế nào cho phù hợp?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa xây dựng xong bản Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để trình lên cơ quan quản lý nhà nước. Theo kế hoạch, ngày 22.9, EVN sẽ tổ chức hội thảo nhằm góp ý tham vấn cho bản Đề án và công khai lấy ý kiến của nhân dân trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Một bản đề án dày 80 trang với rất nhiều phương án được đưa ra. Vấn đề đặt ra là phải tính giá điện thế nào cho phù hợp?
Bao nhiêu bậc thang là phù hợp?
Biểu giá bán điện bậc thang hiện hành được xây dựng với 3 lý do cơ bản: Thứ nhất, là do tính chất huy động của hệ thống điện, trên cơ sở thực tế hiện nay, Việt Nam đang có rất nhiều nguồn điện được sản xuất, theo nhiều công nghệ khác nhau, từ thủy điện, nhiệt điện than, chạy khí và chạy dầu diesel. Việc huy động cũng dựa trên nguyên tắc huy động từ những nhà máy có giá thành rẻ cho đến những nhà máy có giá thành cao. Việc xây dựng biểu giá điện bậc thang trong trường hợp này góp phần quan trọng vào giá thành điện chung, bởi nguyên tắc khi người sử dụng ít điện thì sẽ chỉ huy động nguồn điện giá rẻ và hạn chế việc phải huy động điện giá thành cao, và ngược lại.
3 kịch bản cho biểu giá điện sinh hoạt: Một là, vẫn giữ nguyên phương án ban đầu là để biểu giá gồm 6 bậc thang như hiện hành. Hai là, bỏ biểu giá điện bậc thang để thống nhất một mức giá chung 1.747 đồng/kWh (tính ở thời điểm hiện tại). Ba là, xây dựng lại theo tiêu chí giảm bớt số bậc thang hiện hành (thay vì 6 bậc như hiện nay, sẽ đưa ra các phương án 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc để người tiêu dùng lựa chọn).
Thứ hai, liên quan đến khả năng chịu đựng của hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối điện, cũng với nguyên tắc: nếu cùng lúc sử dụng nhiều điện thì mức đầu tư cho hệ thống truyền tải lớn, dẫn đến chi phí tăng, ắt cũng sẽ tính vào giá thành điện. Thứ ba, đó là việc xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang với mục đích điều tiết nhu cầu sử dụng điện nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời, thực hiện chính sách giá bán điện thấp cho khách hàng là đối tượng thu nhập thấp sử dụng ít điện năng.
Theo Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam GS. Trần Đình Long, những lý do này đủ sức thuyết phục để trả lời cho câu hỏi: vì sao không nên bỏ biểu giá điện bậc thang để thống nhất một mức giá chung 1.747 đồng/kWh. Theo ông Long, có một nguyên tắc chung là cho dù, EVN có tổ chức bậc thang đó như thế nào nhưng tổng doanh thu của EVN từ việc bán lẻ điện cho sinh hoạt cũng không thay đổi, nó bằng lượng điện dùng cho sinh hoạt nhân với giá điện trung bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thế cho nên đối với EVN việc có bao nhiêu bậc thang cũng không ảnh hưởng đến doanh thu.
Vậy hiện nay, nên để biểu giá điện có bao nhiêu bậc thang là phù hợp? Trong khi, với 6 bậc như hiện hành đang gặp phải những bất cập: do nhu cầu sống thay đổi, lượng điện năng sử dụng cho nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của các đối tượng thu nhập từ thấp đến trung bình cũng tăng lên, khoảng cách chênh lệch giữa các bậc thang dẫn đến lượng tiền phải trả quá cao cho nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người dân. Cũng có nhiều quan điểm đồng thuận với phương án 3 biểu giá gồm 5 bậc thang, theo lũy tiến 100kWh/bậc để vừa hỗ trợ hộ thu nhập thấp, vừa dễ kiểm soát, lại đồng thời khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Cần tạo sự đồng thuận
Việc sửa đổi để có một biểu giá điện mới phù hợp hơn với điều kiện, nhu cầu sống của người dân được thế giới công nhận là quốc gia có mức thu nhập trung bình là cần thiết. Tuy nhiên, việc sửa đổi đó phải làm sao bảo đảm được ít nhất 3 nguyên tắc cơ bản: thứ nhất là bảo đảm giá theo thị trường, có định hướng của Nhà nước. Thứ hai là phải công khai, minh bạch để người dân dễ kiểm tra, giám sát; Và thứ ba, việc xây dựng biểu giá điện, phải bảo đảm để người dân sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, nhưng vẫn phải đạt mức tiêu thụ điện bình quân của các nước ASEAN cũng như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Bởi hiện nay, mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của ta mới đạt trên 1.400kWh/năm - mới chỉ bằng 1/2 so với mức tiêu thụ điện bình quân trên thế giới.
Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi cả từ ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý đến mỗi người dân, từ việc thay đổi cơ cấu nguồn điện theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bền vững hơn, gắn với một hệ thống truyền tải và phân phối điện đồng bộ, đủ mạnh để đáp ứng mọi nhu cầu của đời sống, dân sinh. Các phương án cần bảo đảm tính khoa học, hợp lý và hài hòa lợi ích, minh bạch, dễ tính toán, đề cao trách nhiệm và lợi ích xã hội của từng đơn vị, doanh nghiệp và người tiêu dùng, phù hợp mức tiêu dùng phổ biến thực tế xã hội hiện nay và khả thi cao, tạo đồng thuận xã hội nhất!
Trên cơ sở đó, cần thấy rằng không nên làm “hài lòng” người dân bằng “hình thức” đưa ra nhiều phương án mà ngay chính giới chuyên gia và những người trong ngành điện còn cảm thấy “rối rắm”, khó hiểu. Đó là chưa kể, mỗi đối tượng tiêu dùng lại có mong muốn khác nhau, theo nhu cầu sử dụng cũng rất khác nhau. Và như vậy, việc lấy ý kiến rất khó có được sự đồng thuận. Điều quan trọng EVN phải đưa ra được phương án phù hợp nhất để chứng tỏ họ thực sự quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng chứ không cậy thế độc quyền để rập rình tăng giá!
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi khuyến nghị, EVN có đưa ra phương án nào đi nữa thì cũng phải bảo đảm được 2 yêu cầu. Thứ nhất, phải có lợi cho nhân dân, đặc biệt là những người nghèo, người thu nhập thấp, người thu nhập trung bình. Thứ hai là không ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của EVN.
Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương Đinh Thế Phúc cho rằng: chúng ta sẽ phải kết hợp tính khoa học triết lý về xây dựng biểu giá bán điện chung của rất nhiều nước trên thế giới áp dụng, đồng thời cũng phải làm sao cho biểu giá điện phù hợp với thực tế của Việt Nam, phải xây dựng làm sao để khuyến khích người sử dụng vẫn bảo đảm đủ điện cho mình nhưng cũng phải tiết kiệm.