Chuyển luồng kiểm tra, phát hiện nhiều vụ gian lận thuế lớn

Theo baohaiquan.vn

Từ việc chuyển luồng kiểm tra đối với một số lô hàng có dấu hiệu nghi vấn, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện nhiều vụ vi phạm, gian lận thuế lớn.

Cuối tháng 11/2017, qua thông tin theo dõi, Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện một lô hàng bách hóa Trung Quốc nhập khẩu được hệ thống phân luồng Xanh. Từ thông tin nghi vấn, Đội Kiểm soát Hải quan thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 yêu cầu dừng thông quan, đưa vào diện kiểm tra trọng điểm và ban hành quyết định khám xét toàn bộ lô hàng.

Đội Kiểm soát đã chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, C74- Bộ Công an khám xét 2 container hàng hóa này phát hiện chứa đầy mỹ phẩm và hàng bách hóa Trung Quốc. Lô hàng này được nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) về cảng Cát Lái do Công ty TNHH Sơn Phú Nông (Lâm Đồng) đứng tên mở tờ khai nhập khẩu. Theo ông Trần Việt Thắng, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan, trong vụ việc này DN đã chủ đích việc khai báo sai mặt hàng nhập khẩu để được hệ thống phân vào luồng Xanh, tránh sự kiểm tra của cơ quan Hải quan.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, trong thời gian qua, một số DN đã lợi dụng sự phân luồng trên hệ thống thông quan tự động đã cố tình khai báo sai tên hàng nhập khẩu để tờ khai hải quan được phân vào luồng Xanh, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Hải quan, nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ đầu năm 2017 đến 15/12/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã chuyển từ luồng Xanh, luồng Vàng sang luồng Đỏ phát hiện gần 20 vụ vi phạm, gian lận thuế gần 2 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều vụ gian lận thuế lớn. Chẳng hạn, lô hàng áo đầm nhập khẩu của Công ty TNHH Thái Bình Long khai báo trên tờ khai hải quan gồm 1 mục hàng áo đầm, thuộc diện hàng tồn kho thanh lý, chưa qua sử dụng, số lượng 10.260 cái, xuất xứ POLAND, trị giá gần 70 triệu đồng.

Với thông tin khai báo này, lô hàng được phân luồng Xanh. Từ dấu hiệu nghi vấn, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã dừng thông quan, chuyển luồng Đỏ kiểm tra thực tế. Kết quả, phát hiện lô hàng là áo đầm nữ các loại, hiệu Miss classic, mới 100%, trên sản phẩm không thể hiện xuất xứ, số lượng 13.035 chiếc. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn nhập khẩu 6 mục hàng không khai báo hải quan. Hàng hóa gồm trên 19.000 cái áo váy, quần áo. Trị giá hàng vi phạm trên 2,1 tỷ đồng, chênh lệch thuế tăng gần 700 triệu đồng.

Hay như lô hàng nhập khẩu của Công ty TNHH Đầu tư TM Minh Thủy, khai báo hàng nhập khẩu là kính quang học, mới 100%, tờ khai thuộc luồng Vàng. Công chức hải quan tiếp nhận hồ sơ hải quan phát hiện có dấu hiệu bất thường nên báo cáo lãnh đạo đơn vị chuyển luồng Đỏ kiểm tra thực tế, phát hiện  hàng hóa khai báo sai, ẩn lậu thuế trên 221 triệu đồng. Cũng liên quan đến mặt hàng kính nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã chuyển luồng kiểm tra, phát hiện hàng hóa nhập thừa so với khai báo hải quan gần 2.000 m2, ẩn lậu thuế trên 175 triệu đồng…

Không chỉ có các mặt hàng tiêu dùng khai báo sai nhằm gian lận thuế, trong thời gian qua, Cục Hải quan TP.HCM còn chuyển luồng nhiều tờ khai nhập khẩu hàng hóa khai báo là nhựa, gỗ… nhưng kiểm tra đều phát hiện các container chứa toàn hàng cấm.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị Hải quan tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa, thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 19/2006/NĐ-CP của Chính phủ về xuất xứ hàng hóa; Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa; Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XK, NK; Quy trình kiểm tra xác định xuất xứ ban hành kèm theo Quyết định 4286/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Trường hợp có có nghi vấn liên quan đến khai báo xuất xứ, các thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa như: Không phù hợp thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O và thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa (tên hàng hóa, tên và địa chỉ có tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, mã vạch thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu so với chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan), các chi cục chủ động chuyển luồng để kiểm tra thực tế hàng hóa xác minh nghi vấn, tránh thất thu ngân sách nhà nước.