Cơ cấu GDP và những vấn đề đặt ra
(Tài chính) Nhiệm vụ thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đi được nửa chặng đường, trong đó, cơ cấu GDP là nội dung quan trọng. Từ kết quả đã thực hiện được, có thể nêu một số vấn đề khi nhìn nhận mục tiêu cả thời kỳ 2011-2015.
Cơ cấu GDP theo nhóm ngành kinh tế là vấn đề có tính chiến lược, dài hạn, liên quan đến nhiều cơ cấu khác, như cơ cấu vốn đầu tư, cơ cấu lao động, cơ cấu xuất khẩu.
Mục tiêu của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ 2011- 2015 là giảm tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản, tăng mạnh tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng và giữ tỷ trọng của nhóm ngành dịch vụ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, có thể nhận xét việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế (tính đến hết năm 2012) nhìn tổng quát là chưa theo hướng của mục tiêu đề ra, do vẫn còn một số hạn chế bất cập.
Thứ nhất, tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản không những cao hơn so với mục tiêu đề ra, mà còn cao hơn cả năm xuất phát (năm gốc so sánh) là năm 2010 (xem biểu đồ). Tỷ trọng này của nước ta vẫn thuộc loại cao (đứng thứ 3/8 nước trong ASEAN, thứ 9/33 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á, 32/142 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có số liệu so sánh).
Ở đây có khá nhiều vấn đề cần phải được bàn thảo. Việt Nam xuất phát từ nông nghiệp đi lên, có tới 70% dân số sống ở nông thôn, gần một nửa lao động đang làm việc ở nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế, được coi là “bệ đỡ” mỗi khi đất nước gặp khó khăn từ bên ngoài… Do vậy, việc giảm tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành này cũng không dễ dàng, khi các nhóm ngành khác của nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhất là từ vài năm nay, nhóm ngành này đã đóng góp tích cực trong việc kiềm chế lạm phát, kiềm chế nhập siêu, giải quyết lao động, việc làm…
Bản thân nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản đang gặp nhiều khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra. Ở đầu vào, tỷ trọng vốn đầu tư vào nhóm ngành này vốn đã rất thấp, lại tiếp tục giảm (từ 13,6% thời kỳ 1996 - 2000, xuống còn 8,3% thời kỳ 2001- 2005, xuống 6,4% thời kỳ 2006-2010, trong đó năm 2010 còn 6,1%- năm 2011 còn 6%, năm 2012 còn 5,2%), thấp xa so với tỷ trọng trong GDP.
Ở đầu ra, giá lương thực năm 2012 giảm 5,66%, 7 tháng năm nay giảm tiếp 2,52%; giá thực phẩm năm 2012 chỉ tăng 0,95%, 7 tháng năm nay tăng 2,42%. Đối với xuất khẩu, mặc dù lượng sản phẩm của nhóm ngành này đã vượt lên đứng thứ hạng cao trên thế giới, nhưng giá trị gia tăng thấp do chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế, giá cả xuất khẩu giảm, gây thiệt hại lớn (năm 2012 chỉ với 5 mặt hàng là hạt điều, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su do giá giảm đã làm thiệt hại 1.931 triệu USD; 6 tháng 2013 chỉ với 4 mặt hàng cao su, hạt điều, gạo, hạt tiêu, do giá giảm đã làm thiệt hại 332 triệu USD). Tốc độ tăng GDP do nhóm ngành này tạo ra đang có xu hướng giảm xuống (năm 2011 tăng 4,02%, năm 2012 tăng 2,68%, 6 tháng 2013 tăng 2,07%).
Mặc dù Việt Nam đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đang phấn đấu để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng cần coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là trọng điểm số 1, để nâng cao năng suất lao động của nhóm ngành này, để rút bớt lao động sang làm công nghiệp- xây dựng và dịch vụ.
Từ tình hình nông nghiệp ở trong nước và thị trường, giá cả xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần đặc biệt quan tâm tới tái cơ cấu nông nghiệp.
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đang được hoàn thiện, với nhiều nội dung, trong đó có nội dung quan trọng có tính thời sự là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó không nên mở rộng nữa cây cao su mà cần chăm sóc tốt diện tích hiện có (hiện đã lên tới trên 910 nghìn ha, chỉ đứng sau lúa, ngô) và giảm xuất khẩu cao su mủ khô, tăng xuất khẩu sản phẩm cao su. Không tăng diện tích cà phê (hiện đã lên tới 622 nghìn ha), mà chỉ tái canh và tập trung vào việc chế biến để làm tăng giá trị. Chuyển diện tích trồng lúa ở những nơi năng suất thấp, khô hạn để tăng diện tích ngô, đậu tương… mà Việt Nam còn phải nhập khẩu lớn (năm 2011 nhập khẩu 972,3 nghìn tấn ngô, 843,5 nghìn tấn đậu tương, 2,37 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu; năm 2012 nhập khẩu trên 1,61 triệu tấn ngô, gần 1,29 triệu tấn đậu tương, gần 2,46 tỷ USD thức ăn gia súc; 6 tháng 2013 nhập khẩu 972 nghìn tấn ngô, trên 640 nghìn tấn đậu tương và gần 1,5 tỷ USD thức ăn gia súc…).
Thứ hai, tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng tuy có cao hơn năm 2010 một chút, nhưng còn cách khá xa so với mục tiêu đề ra cho năm 2015.
Những năm từ 2007 trở về trước, nhóm ngành này tăng với tốc độ cao nhất, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 nhóm ngành và trở thành động lực, đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, nhưng mấy năm nay tăng thấp và chậm lại (năm 2011 tăng 6,68%, năm 2012 tăng 5,75%, 6 tháng 2013 tăng 5,18%). Do vậy tỷ trọng đã giảm xuống. Ngoài những khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển, sản xuất còn mang nặng tính gia công nên phụ thuộc vào nhập khẩu. Trình độ thiết bị, kỹ thuật- công nghệ còn thấp, nên sức cạnh tranh yếu.
Đáng chú ý, trong 5 ngành chi tiết của công nghiệp- xây dựng thì công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng tốc độ tăng không cao, trong khi tỷ trọng của ngành chi tiết này sẽ quyết định việc chuyển thành nước công nghiệp hay không; GDP do ngành xây dựng tạo ra cũng tăng thấp, chủ yếu do vốn đầu tư tính theo giá thực tế thì tăng, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm.
Thứ ba, là tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành dịch vụ đã giảm trong 4 năm qua và năm 2012 tuy thấp hơn năm 2010, nhưng triển vọng có thể đạt và vượt mục tiêu đề ra cho năm 2015. Đáng lưu ý là nhóm ngành dịch vụ mấy năm nay đều có tốc độ tăng cao nhất trong 3 nhóm ngành và cao hơn tốc độ tăng chung (bình quân 2006- 2012 cả nước tăng 6,15%/năm, nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản tăng 3,47%/năm, nhóm ngành công nghiệp- xây dựng tăng 6,33%/năm, còn dịch vụ tăng 7,27%/năm). Trong 6 tháng đầu năm 2013, nhóm ngành dịch vụ đã tăng 5,92%, cao nhất trong 3 nhóm ngành; tỷ trọng trong GDP đạt 43,12%, cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, có 4 vấn đề trong nhóm ngành dịch vụ. Tỷ trọng nhóm ngành này trong GDP của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới (đứng thứ 5/8 nước trong khu vực ASEAN, thứ 26/40 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á và thứ 123/150 nước và khu vực trên thế giới có số liệu so sánh. Trong nhóm ngành này, tỷ trọng của ngành chuyên môn khoa học công nghệ chỉ chiếm 1,15%; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chỉ chiếm 4,04%. Năng suất lao động của nhóm ngành dịch vụ còn thấp xa so với nhóm ngành công nghiệp- xây dựng (năm 2012 đạt 77,1 triệu đồng/người, chỉ bằng 67,5% của công nghiệp- xây dựng). Tính chuyên nghiệp của một bộ phận lao động trong nhóm ngành này còn thấp do lao động của các nhóm ngành khác kiêm nhiệm (khi nông nhàn, làm ngoài giờ…).