Sửa nhiều Luật Thuế để khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh

Theo mof.gov.vn

Chiều 16/10, trong chương trình làm việc của phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiếp tục chính sách thuế hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

Trình bày Tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để tiếp tục phục hồi đà tăng trưởng trong thời gian tới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế, minh bạch hóa các hoạt động kinh tế, Chính phủ đã chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật quản lý thuế.

Trên thực tế, trong giai đoạn 2012-2014 và 8 tháng đầu năm 2015, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm giúp đỡ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế đã phục hồi đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trước những cơ hội và thách thức mới từ hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong khi đó, một số chính sách về thuế chưa được sửa đổi theo kịp với thực tế và diễn biến của nền kinh tế, dẫn đến phức tạp, lợi dụng để gian lận trong thực hiện (như quy định về kê khai, nộp thuế, hoàn thuế GTGT, gian lận trong hoàn thuế GTGT); chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và tiến trình hội nhập để bảo đảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước (như thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô chở người dưới 24 chỗ, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu chưa đồng bộ với giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước)...

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người nộp thuế đã rất nỗ lực để nộp tiền thuế phát sinh nhưng vẫn còn nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp khó có khả năng thanh toán vì nhiều lý do bất khả kháng (nhiều trường hợp đã có tiền phạt chậm nộp lớn hơn tiền thuế nộp)... nên Bộ Tài chính cho rằng, cần có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế, theo Bộ Tài chính là hết sức cần thiết.

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 3 luật về thuế, trong đó sửa đổi bổ sung Luật thuế GTGT (gồm 2 nội dung), Luật thuế TTĐB (gồm 3 nội dung) và Luật quản lý thuế (gồm 2 nội dung).

Do sự cần thiết và cấp bách thực tế đặt ra, Ủy ban TCNS cũng đồng tình với Tờ trình Chính phủ và cho rằng cần thực hiện theo quy trình rút gọn, thông qua tại 1 kỳ họp của Quốc hội. Theo lý giải của cơ quan này, phải trình tắt tại 1 kỳ họp nhằm tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, khắc phục tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng. cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhất trí giảm thuế suất thuế TTĐB đối với các loại xe có dung tích xi lanh nhỏ

Về thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với phương án sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi, theo đó điều chỉnh giảm thuế suất đối với các dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2000 cm3 và điều chỉnh tăng đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 2000 cm3.

Theo quan điểm thẩm tra của cơ quan này, quy định như Dự thảo luật sẽ góp phần giảm giá xe, thúc đẩy thị trường và giúp người dân có thu nhập khá, trung bình khá mua được xe ô tô. Bên cạnh đó, việc giảm thuế suất thuế TTĐB đối với các loại xe có dung tích xi lanh nhỏ sẽ khuyến khích người dân sử dụng xe tiết kiệm năng lượng, phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông trong nước và đảm bảo tính cạnh tranh về mặt bằng thuế suất tương đương với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, cần xem xét việc điều chỉnh giảm thuế suất đối với xe ô tô chở người chạy bằng điện từ 16 đến 24 chỗ ngồi từ 10% xuống 0% là chưa hợp lý, vì trong khi tất cả các dòng xe khác đều đang phải chịu thuế TTĐB. Do vậy, Ủy ban TCNS đề nghị không điều chỉnh mức thuế suất của dòng xe ô tô này xuống 0%, mà chỉ nên điều chỉnh mức thuế suất từ 10% xuống 5%.

Về sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB, đối với quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hoá nhập khẩu, Ủy ban TCNS tán thành với phương án sửa đổi giá tính thuế TTĐB đối với tất cả hàng hoá chịu thuế TTĐB nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra, theo Tờ trình của Chính phủ. Theo Ủy ban này, trong bối cảnh thuế nhập khẩu sẽ được cắt giảm về 0% đối với nhiều mặt hàng theo các cam kết quốc tế, việc áp dụng giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu như hiện hành sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu (với khác biệt về chi phí lưu thông, bán hàng trong nước giữa cơ sở sản xuất và cơ sở nhập khẩu). Tuy nhiên, Ủy ban TCNS cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ quy định “giá do cơ sở nhập khẩu bán ra” là giá ở khâu nào (khâu bán buôn hay bán lẻ cho người tiêu dùng).

Nhất trí về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp từ 01/7/2007 đến 01/7/2013

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế, Ủy ban TCNS nhất trí về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp thuế, tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh từ ngày 01/7/2007 đến 01/7/2013 như Tờ trình của Chính phủ.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo Luật, kinh tế khó khăn, nhiều người nộp thuế đã rất nỗ lực để nộp tiền thuế phát sinh nhưng vẫn còn nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp khó có khả năng thanh toán nhất là trong trường hợp bất khả kháng như do Nhà nước chưa thanh toán, điều chỉnh quy hoạch, chậm giải phóng mặt bằng, khách hàng phá sản hoặc hủy hợp đồng... Nhiều trường hợp có tiền phạt chậm nộp được quy định ở mức cao, qua ít năm đã lớn hơn tiền thuế nộp. Nếu không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế.

Tuy nhiên, theo Ủy ban TCNS, việc bổ sung quy định xóa nợ có thời điểm cụ thể trong Luật là không phù hợp. Do vậy, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để xóa nợ thuế đối với các trường hợp này. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đồng ý với ý kiến của Ủy ban TCNS và cho rằng: Dự thảo luật quy định nội dung xoá nợ tiền thuế, tiền phạt thuộc loại văn bản cá biệt, chỉ áp dụng một lần cho một đối tượng cụ thể. Vì vậy, đề nghị cần xem xét lại, có thể trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để xóa nợ cho các đối tượng này nếu hợp lý và cần thiết.

Về đối tượng được xóa nợ tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí việc xóa nợ tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp đối với các đối tượng như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị không xóa nợ tiền phạt, tiền chậm nộp đối với các khoản thu từ đất, các trường hợp kinh doanh bất động sản, khai thác kinh doanh tài nguyên khoáng sản vì đây là những khoản tiền nợ liên quan đến tài nguyên, khoảng sản và đất đai là tài sản quốc gia.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự thảo Luật đủ điều kiện trình QH tại kỳ họp thứ 10.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều ý kiến trong UBTVQH cũng tán thành sự cần thiết phải sửa các Luật thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phù hợp với tình hình mới.