Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi)
Sáng 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK) (sửa đổi). Đây là dự án Luật do Bộ Tài chính chủ trì, soạn thảo.
Cần thiết phải sửa Luật
Theo Bộ Tài chính, qua 10 năm thực hiện, Luật thuế XNK đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế -xã hội của đất nước và đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành Luật.
Luật thuế XNK đã tạo khuôn khổ pháp lý góp phần quan trọng trong thực hiện đường lối chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, XI, phù hợp với tiến trình cải cách đồng bộ hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2005 đến 2015.Luật thuế XNK đã tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ trong việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại và thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Các quy định tại Luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán và thực hiện cam kết quốc tế về thuế quan khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Bên cạnh đó, Luật thuế XNK góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, hỗ trợ dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc đối với một số nhóm mặt hàng, ngành nghề phù hợp với tiến trình hội nhập và định hướng phát triển của Nhà nước giai đoạn 2005 đến 2015. Tỷ trọng số thuthuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong tổng thu NSNN giảm nhưng số thu vẫn tăng hợp lý hàng năm, góp phần điều chỉnh cơ cấu thu NSNN theo hướng bền vững và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước trong chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, Luật thuế XNK hiện hành cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Luật đã ban hành cách đây 10 năm nên một số nội dung quy định tại Luật không còn phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật nói chung và một số luật liên quan như Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường…và thực tiễn xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa những năm gần đây. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời, khắc phục các vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật thuế XNK thời gian qua, nhất là đối với các quy định về: đối tượng không chịu thuế, khung thuế suất, mức thuế suất, thời hạn nộp thuế và địa bàn, lĩnh vực cần được khuyến khích phát triển trên cơ sở thực hiện chính sách ưu đãi như miễn thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…
Dự thảo Luật thuế XNK sửa đổi gồm 22 Điều, được bố cục thành 5 Chương.
Những nội dung sửa đổi chủ yếu của dự thảo Luật chủ yếu tập trung vào một số vấn đề lớn như sau:
Một là, nhóm vấn đề về khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết
Hai là, nhóm vấn đề sửa đổi bổ sung để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan; đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế XNK hiện hành
Ba là, nhóm vấn đề về phù hợp các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Bốn là, nhóm vấn đề về đơn giản, thuận lợi cho người nộp thuế; góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phù hợp với cam kết quốc tế và tạo thuận lợi cho người nộp thuế
Tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, một trong những sửa đổi quan trọng để khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước là việc bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ. Theo đó, cần quy định thống nhất tại Luật Thuế XNK các nội dung về thuế áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm góp phần bảo vệ môi trường kinh doanh, bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trong điều kiện phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
Về tác động đến ngân sách, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, dự án Luật khi ban hành sẽ tác động về thuế, tăng thu từ thuế XNK khoảng 1.200 tỷ đồng/năm, và giảm thu NSNN khoảng 800 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, theo các cam kết hiện nay, bình quân mỗi năm giảm 2.800 tỷ đồng. Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu báo cáo Thường trực Chính phủ sửa đổi các Luật về thuế, nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ngoài nội dung sửa đổi nhằm khuyến khích phát triển, Dự Luật sẽ sửa đổi nhiều điều khoản để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan, phù hợp các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng như đơn giản thủ tục thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật thuế XNK. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, qua 10 năm thực hiện, Luật Thuế XNK đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội., do đó cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế XNK để bảo đảm thống nhất.
Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế XNK lần này nhằm đám ứng được các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các Hiệp định thương mại về thuế quan mà Việt Nam đã và đang ký kết. Dự kiến trong vòng 10 năm tới, mức độ tự do hóa thương mại sẽ đạt 97-98% dòng thuế. Vì vậy, ngoài việc đánh giá tác động tăng, giảm thu ngân sách trong việc sửa đổi Luật Thuế XNK, cần bổ sung đánh giá một cách tổng thể của chính sách thuế, khả năng bù đắp số hụt thu ngân sách do sửa đổi Luật Thuế XNK từ các phương án khác để đảm bảo không làm giảm tỷ lệ huy động từ thuế, phí trên GDP trong giai đoạn tới.
Dự án Luật thuế XNK (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015) và thông qua tại một kỳ họp. Để đảm bảo kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện công tác tuyên truyền và chuẩn bị các điều kiện thực hiện, Chính phủ đề nghị hiệu lực thi hành Luật thuế XNK (sửa đổi) là từ ngày 01/7/2016.
Tỷ trọng thu thuế XNK giảm dần
Giai đoạn 2005-2010 số thu bình quân chiếm khoảng 15-16% tổng thu NSNN. Những năm gần đây, do tác động của việc thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế quan, tỷ trọng thu ngân sách từ thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong tổng thu NSNN giảm dần.
Cụ thể: năm 2011 số thu NSNN từ thuế XNK đạt 65.622 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,09%; năm 2012 số thu đạt 60.066 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,96%; năm 2013 số thu đạt 66.450 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,22%; năm 2014 số thu đạt 80.099 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,99%; ước năm 2015 số thu dự kiến là 81.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,11% tổng thu NSNN.
Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng thu từ thuế XNK ước đạt 5,8%năm. Về cơ cấu thu, bình quân giai đoạn 2011-2015, thu từ thuế xuất khẩu chiếm 20,5%, thu từ thuế nhập khẩu chiếm 79,5% tổng thu thuế XNK. Thu thuế xuất khẩu chủ yếu từ xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến (dầu thô, than đá), giai đoạn 2011-2015 ước chiếm 76,6% tổng thu thuế xuất khẩu.