Tổng hợp một số chính sách tài chính có hiệu lực từ tháng 10/2021

Việt Dũng (t/h)

Tháng 10/2021 là thời điểm có hiệu lực của hàng loạt quy định mới có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và doanh nghiệp như: quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ; quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông; quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải; hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ

Ngày 12/8/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 70/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/10/2021 và thay thế Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.

Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí sử dụng đường bộ không quy định tại Thông tư này, thực hiện theo quy định tại Luật Phí và Lệ phí, Nghị định số 120/20216/NĐ-CP, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư số 303/2016/TT-BTC.

Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký, kiểm định để lưu hành (có Giấy chứng nhận đăng ký và biển số xe, có Giấy chứng nhận kiểm định), bao gồm xe ôtô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự. Người nộp phí sử dụng đường bộ là các tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý phương tiện. Tổ chức thu phí bao gồm Tổng cục Đường bộ Việt Nam (thu phí đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an) và các đơn vị đăng kiểm (thu phí đối với xe ô tô của các tổ chức, cá nhân đăng ký tại Việt Nam)...

Mức thu phí đường bộ được quy định cụ thể cho từng loại xe (theo Phụ lục I - Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ đính kèm Thông tư này) với mức từ 130.000/tháng cho đến 1.430.000 đồng/tháng.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 70/2021/TT-BTC.

Quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông

Cũng có hiệu lực từ ngày 01/10/2021, Thông tư số 69/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông. 

Theo Thông tư số 69/2021/TT-BTC, mức chi tiền công ra đề đề xuất đối với đề thi tự luậnđược thực hiện như sau: Thi tốt nghiệp trung học phổ thông tối đa 600.000 đồng/đề; Thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia tối đa 1.000.000 đồng/đề theo phân môn; Thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia đự thi Olympic quốc tế: tối đa 1.500.000 đồng/đề theo phân môn.

Mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa, được thực hiện cho những ngày thực tế làm việc trong thời gian chính thức tổ chức các nhiệm vụ quy định tại Điều 1 Thông tư này. Trường hợp một người làm nhiều nhiệm vụ khác nhau trong một ngày thì chỉ được hưởng một mức thù lao cao nhất.

Ngoài các nội dung và mức chi quy định tại Thông tư này, HĐND cấp tỉnh quy định về nội dung, mức chi để tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo tại địa phương, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, nhiệm vụ chuyên môn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và nguồn ngân sách địa phương.

Kinh phí chi cho cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục - đào tạo ở trung ương hoặc địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tham gia tổ chức thi, coi thi ở các địa phương do các cơ sở giáo dục - đào tạo được giao nhiệm vụ bảo đảm theo quy định của nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ của các cơ sở giáo dục - đào tạo.

Thông tư số 69/2021/TT-BTC thay thế cho Thông tư liên tịch số 66/2012/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 26/4/2012 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về nội dung, mức chi, công tác quản lý tài chính thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 69/2021/TT-BTC.

Bãi bỏ Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính - Bộ Y tế hướng dẫn nội dung thu, chi và mức chi thường xuyên của Trạm Y tế xã

Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/10/2021, Thông tư số 73/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính bãi bỏ toàn bộ Thông tư liên tịch số 119/2002/TTLT-BTC-BYT ngày 27/12/2002 của Bộ Tài chính và Bộ Y tế hướng dẫn nội dung thu, chi và mức chi thường xuyên của Trạm y tế xã.

Được biết, Thông tư liên tịch số 119/2002/TTLT-BTC-BYT hướng dẫn nội dung và mức chi thường xuyên đối với các Trạm y tế xã; không áp dụng đối với các Trạm y tế phường, thị trấn và các đơn vị y tế thuộc các cơ quan, xí nghiệp, trường học.

Đồng thời, hướng dẫn chi thường xuyên của Trạm y tế xã không bao gồm kinh phí của các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp trên triển khai thực hiện tại xã và kinh phí để mua thuốc cấp không thu tiền cho một số đối tượng thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Các nguồn kinh phí này được quản lý, sử dụng và quyết toán theo các quy định riêng của Nhà nước.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 73/2021/TT-BTC.

Sửa đổi, bổ sung một số Điều quy định về phí, lệ phí hàng hải

Ngày 27/8/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 74/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/10/2021.

Theo quy định của Thông tư số 74/2021/TT-BTC, riêng nội dung miễn phí (phí trọng tải tàu thuyền, phí bảo đảm hàng hải, phí sử dụng vị trí neo, đậu) đối với tàu thuyền trong thời gian phải neo chờ, neo đậu hoặc hành trình đến vị trí kiểm dịch, cách ly để phục vụ công tác phòng, chống, kiểm dịch trong thời gian công bố dịch bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7, Điều 1 của Thông tư được thực hiện kể từ ngày 27/8/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 74/2021/TT-BTC.

Hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước

Ngày 17/08/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 72/2021/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 328/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.

Theo đó, các hình thức thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử như: qua dịch vụ nộp thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế (cơ quan Thuế hoặc cơ quan Hải quan); qua dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng thương mại như ATM, Internetbanking, Mobile banking, POS hoặc các hình thức thanh toán điện tử khác của ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, bổ sung thêm 2 hình thức thu: qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

Thêm vào đó, Khoản 1 Điều 6 của Thông tư số 328/2016/TT-BTC được sửa đổi thành chứng từ nộp ngân sách nhà nước với các loại chứng từ được sửa đổi, bổ sung như sau: bảng kê nộp thuế; giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước; biên lai thu phạt vi phạm hành chính không in sẵn mệnh giá và in sẵn mệnh giá; biên lai thu thuế, phí, lệ phí không in sẵn mệnh giá và in sẵn mệnh giá; biên lai thu thuế, phí, lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính…

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 72/2021/TT-BTC.