Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu Halal

Lê Anh

Thị trường Halal nói chung còn nhiều tiềm năng phát triển, là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hoá thị trường.Thời gian qua, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng để tiếp cận thị trường xuất khẩu Halal toàn cầu với giá trị dự kiến đạt 4.500 tỷ USD năm 2030.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng sản xuất các sản phẩm Halal trị giá khoảng 34 tỷ USD cho các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhờ cơ sở nông nghiệp đa dạng và ngành Công nghiệp chế biến thực phẩm đang phát triển.

 

Halal là những sản phẩm "được cho phép" và "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển.

Trước nhu cầu đẩy mạnh tiếp cận thị trường Halal quốc tế, đồng thời đáp ứng các hoạt động về chứng nhận cũng như hỗ trợ về các cuộc đối thoại, đào tạo và hợp tác quốc tế trong ngành Halal, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia. Trung tâm này có chức năng quản lý nhà nước về chứng nhận Halal tại Việt Nam, có nhiệm vụ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn Halal, qua đó bảo đảm niềm tin của người tiêu dùng về tính an toàn và được phép của sản phẩm.

Việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia là kịp thời để Việt Nam thực hiện hóa mục tiêu tiếp cận thị trường Halal một cách hiệu quả nhất. Hiện có khoảng 50 công ty tại Việt Nam đã nhận được chứng nhận Halal, với các sản phẩm chính là thủy sản, đồ uống và bánh kẹo.

Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác với các cơ quan chứng nhận Halal quốc tế và các nước OIC để đảm bảo các sản phẩm Halal của mình đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Vừa qua, Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận với các cơ quan Halal của Malaysia và Indonesia về công nhận lẫn nhau tiêu chuẩn chứng nhận Halal, giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường.

Chia sẻ về triển vọng của thị trường Việt Nam ông Firdauz Bin Othman - Tổng Lãnh sự Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, riêng về mảng thực phẩm Halal, là thị trường đang phát triển với tốc độ rất nhanh, được dự báo sẽ đạt giá trị vào khoảng 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Thị trường này được tăng trưởng bởi sự phát triển dân số Hồi giáo toàn cầu, cũng như nhu cầu về các sản phẩm đạt chứng nhận Halal.

“Điều này mang đến những cơ hội to lớn cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhìn thấy được triển vọng thị trường, Việt Nam rất quan tâm đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để có thể tiếp cận thị trường Halal toàn cầu. Rất nhiều sáng kiến và chính sách đã được đưa ra để thúc đẩy sự phát triển của ngành Halal tại Việt Nam”, ông Firdauz Bin Othman nêu rõ.

Tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Một số công ty Việt Nam đã thâm nhập thị trường Halal, trong đó có Tập đoàn thủy sản Minh Phú - một trong những nhà sản xuất tôm lớn nhất Việt Nam, đã tăng lượng hàng xuất khẩu sang các nước Hồi giáo sau khi nhận được chứng nhận Halal...

Mặc dù có tiềm năng xuất khẩu, tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết được cơ hội do gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal như chi phí đầu tư cao, thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal chưa nhiều...

Các chuyên gia khuyến nghị, muốn xuất khẩu vào thị trường Halal, trước tiên, doanh nghiệp phải có chứng nhận Halal được xác thực bởi các cơ quan có thẩm quyền. Để đạt được chứng nhận này không phải dễ, các tiêu chuẩn và quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận rất nghiêm ngặt lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở các quốc gia và với tất cả các mặt hàng. Vì vậy, bắt buộc doanh nghiệp phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp.

Lưu ý với các doanh nghiệp, ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các doanh nghiệp và nhà sản xuất cần đưa ra các tiêu chí cụ thể trong quá trình sản xuất Halal bao gồm các yếu tố về số lượng khiếu nại, sự cố Halal, tần suất kiểm tra, tỷ lệ nhân viên được đào tạo mức độ trưởng thành của Halal, niềm tin Halal, chỉ số danh tiếng Halal, giấy phép hoạt động và xếp hạng Halal…