Ngành Nông nghiệp sẽ “cán đích” xuất khẩu 54 tỷ USD
Với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến khẳng định, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp năm 2024 sẽ đạt mục tiêu 54 tỷ USD.
Khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế
6 tháng đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiếu yếu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính đạt 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản đạt 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%. Đóng góp vào kết quả này, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, thặng dư thương mại toàn ngành Nông, lâm, ngư nghiệp trong nửa đầu năm 2024 đạt khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2023… Có 5 mặt hàng có thặng dư thương mại cao nhất gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ 6,16 tỷ USD (tăng 22,5%); cà phê 3,14 tỷ USD (tăng 36,2%); rau quả 2,42 tỷ USD (tăng 35,3%); gạo 2,31 tỷ USD (tăng 27%); tôm 1,43 tỷ USD (tăng 13,3%).
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong quý II/2024, Bộ NN&PTNT đã tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi...
Với những kết quả đạt được, Lãnh đạo ngành Nông nghiệp khẳng định: “Mục tiêu xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp năm 2024 là 54 tỷ USD, tăng trưởng trên dưới 3%. Riêng xuất khẩu gạo, nếu năm ngoái lượng gạo xuất khẩu đạt 8,13 triệu tấn với giá trị 4,65 tỷ USD thì năm nay con số có thể vượt.”
Khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu tiềm năng
Trên cơ sở dự báo những khó khăn, thách thức và thuận lợi, cơ hội, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra, ngành Nông nghiệp cần có các giải pháp cụ thể cho các lĩnh vực, phù hợp với tình hình khí hậu cũng như các biến động toàn cầu.
Theo đó, Bộ NN&NTNT sẽ chú trọng phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản; tiếp tục phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương; hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.
Đồng thời đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai; phòng chống dịch bệnh.
Lãnh đạo Bộ sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc ngành Thủy sản thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động, Kế hoạch của Chính phủ số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thuỷ sản; chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC).