Cơ hội cho sinh viên ngành Tài chính trong mùa tuyển sinh 2017
Năm 2017, Học viện Tài chính tuyển hơn 4 ngàn sinh viên hệ chính quy tập trung cho 3 chương trình mũi nhọn: (i) Chương trình chuẩn (3950 chỉ tiêu); (ii) Chương trình Chất lượng cao (300 chỉ tiêu); và (iii) Chương trình DDP (Dual Degree Programme) cấp 2 Bằng Đại học (120 chỉ tiêu).
Với mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao với chất lượng thí sinh trúng tuyển cao nhất, Học viện Tài chính thực hiện tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét tuyển thẳng học sinh giỏi (một nửa chỉ tiêu) và Xét tuyển dựa theo kết quả thi THPT quốc gia (gọi tắt là Xét theo điểm thi).
Ngày 15/7, các thí sinh thuộc diện Xét tuyển thẳng Học sinh giỏi đã nhận được thông báo kết quả xét tuyển; Xét tuyển dựa theo điểm thi đang trong giai đoạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Thông tin về hồ sơ và thời hạn xét tuyển tham khảo tại các website của Học viện Tài chính www.hvtc.edu.vn và Viện Đào tạo Quốc tế www.iife.edu.vn.
Điểm thi của thí sinh năm nay khá cao, cơ hội trúng tuyển của các em cũng khá lớn vì Bộ GD&ĐT không hạn chế số nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, để đỗ trúng nguyện vọng mình mong muốn lại là một bài toán cần sự thận trọng, suy xét chín chắn.
Điểm cao chưa chắc đã đỗ ngay, điểm không cao nhưng vẫn có thể trúng tuyển ngay vào trường mình thích và phù hợp. Thí sinh và phụ huynh cần cân nhắc, tìm hiểu đầy đủ thông tin về trường dự tuyển và nhanh chóng nắm bắt hết các cơ hội mở ra cho mình, đặc biệt không ngại ngần gọi điện cho các hotline của các trường.
Mặt khác, trước quy định mỗi thí sinh chỉ có thể đỗ nhiều nhất một trường đại học, tôi khuyên các thí sinh nên CHỌN NGÀNH trước khi CHỌN TRƯỜNG. Phải làm sao chọn được ngành đào tạo mà mình thích, mình đam mê, mình đã từng ước mơ, mình có lợi thế hoặc cũng phải là ngành mình đã nhiều lần cân nhắc, tính toán kỹ.
Ví như ngành mà gia đình có truyền thống, hoặc có những mối quan hệ tốt trong lĩnh vực đó, hoặc những ngành mở ra nhiều cơ hội, nhiều triển vọng nghề nghiệp, thăng tiến, phát triển sau này…
Lấy ví dụ các ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán là những ngành nghề không chỉ của hiện tại mà còn là ngành của tương lai bởi bất kỳ một lĩnh vực hoạt động kinh tế, khoa học kỹ thuật, thậm chí y tế, giáo dục hay hội họa, quân sự… cũng đều cần tới chuyên môn của các ngành này.
Rõ ràng sân chơi của tài chính, ngân hàng, kế toán, cả hiện nay cũng như sau này luôn luôn rộng rãi, thoáng đãng. Hơn thế nữa, “Kế toán” còn là một trong 8 lĩnh vực được “tự do di chuyển” trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Điều đó có nghĩa là, những người hành nghề kế toán được tự do làm việc và phát triển nghề nghiệp ở tất cả các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN mà không cần phải có thêm bất kỳ một giấy phép nào khác. Còn nếu ai sở hữu thêm các chứng chỉ nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) thì còn được ví như sở hữu tấm Visa nghề nghiệp toàn cầu, có thể phát triển sự nghiệp ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Nắm bắt được xu thế đó, Học viện Tài chính và Trường Đại học Greenwich (UK) cùng xây dựng một chương trình liên kết đào tạo Cử nhân Tài chính – Kế toán – Ngân hàng tiêu chuẩn cao, chất lượng quốc tế, hệ chính quy, 4 năm, 2 Bằng Đại học.
Hai bên cùng phối hợp thực hiện đào tạo, cùng quản lý, đánh giá chất lượng và cuối khóa, mỗi bên sẽ cấp một Bằng Đại học chính quy của trường mình cho các sinh viên tốt nghiệp (tên tiếng Anh là Dual Degree Programme – DDP).
Sinh viên theo học chương trình này, khi tốt nghiệp sẽ được Học viện Tài chính cấp bằng Cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng (chính quy) và được trường Đại học Greenwich (UK) cấp bằng Cử nhân Tài chính Kế toán (Bachelor of Arts in Accounting & Finance), đây cũng là bằng chính quy (full time).
Bên cạnh đó, chương trình còn được ACCA công nhận và cấp chứng chỉ miễn thi toàn bộ 9 môn F (F1-F9) trong hệ thống đào tạo nghề kế toán, kiểm toán của ACCA global. Về tiếng Anh, xứng đáng với các tấm bằng danh giá đó, trình độ Tiếng Anh của sinh viên khi ra trường sẽ đạt tối thiểu từ 6.0 IELTS trở lên, họ sẽ luôn tự tin giao tiếp và làm việc trong các môi trường quốc tế với các đồng nghiệp quốc tế.
Những điều này đảm bảo cho sinh viên DDP khi ra trường là chắc chắn được tuyển dụng ngay, thậm chí còn được tuyển dụng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Sinh viên DDP hoàn toàn đủ khả năng đảm nhận các vị trí công tác đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu về tài chính, phân tích tài chính, quản trị tài chính, kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính tại các bộ, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước; hoặc tư nhân, Việt Nam hoặc nước ngoài hoạt động tại nước ta; hoặc nước ngoài thuộc mọi quốc tịch, trong khu vực ASEAN và trên toàn thế giới.
Đây là mô hình liên kết đào tạo mới, đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam mở ra nhiều cơ hội đặc sắc cho các thí sinh nhưng cũng đòi hỏi tuyển sinh đầu vào có chất lượng đảm bảo.
Thí sinh không nhất thiết phải là những học sinh xuất chúng nhưng phải là thí sinh có chất lượng tốt. Theo thông báo của Học viện Tài chính và Viện Đào tạo Quốc tế, nếu tuyển theo hình thức Xét tuyển thẳng Học sinh giỏi thì phải có 2 năm học sinh giỏi trở lên đối với các thí sinh học tại các Trường chuyên của các tỉnh, thành hoặc 3 năm trở lên đối với các thí sinh học ở các Trường Trung học Phổ thông khác trên toàn quốc.
Nếu dự tuyển theo hình thức Xét theo điểm thi thì ngưỡng tối thiểu để nhận hồ sơ là tổng điểm 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 18 điểm trở lên. Các thí sinh có Chứng chỉ trình độ tiếng Anh quốc tế hoặc các thí sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn Học sinh Giỏi cấp tỉnh trở lên sẽ được ưu tiên hơn.
Điểm đáng chú ý là trong chương trình đào tạo này, ngoài đào tạo chuyên ngành, thì phần đào tạo tiếng Anh cũng được hết sức chú trọng. Các thí sinh trúng tuyển sẽ được kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào để phân lớp cho phù hợp. Từ đó, sinh viên sẽ được học tiếng anh với các Giảng viên chuyên ngữ mang quốc tịch Anh, Mỹ, Canada, Úc và Việt Nam, trình độ cao, giàu kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài, trẻ trung, tận tình với sinh viên.
Theo Viện Đào tạo Quốc tế - đơn vị chủ trì quản lý chương trình đặc biệt này của Học viện Tài chính, nếu sinh viên tham dự đầy đủ các giờ lên lớp, thực hiện kế hoạch tự học tốt, hoàn thành đủ các nghĩa vụ của học phần tiếng Anh, thì bảo đảm, dù xuất phát từ trình độ nào, khi kết thúc năm thứ 2 sinh viên cũng sẽ thi đỗ trình độ 6.0 IELTS quốc tế.
Học viện Tài chính (Viện Đào tạo Quốc tế) đang nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Chương trình hai Bằng Cử nhân DDP với cả 2 hình thức Xét tuyển thẳng Học sinh giỏi và Xét theo điểm thi, cho đến khi đủ chỉ tiêu và muộn nhất đến hết ngày 21/7/2017 (đối với xét tuyển thẳng học sinh giỏi) và đến hết ngày 10/8/2017 (đối với xét tuyển dựa theo điểm thi tốt nghiệp).
Địa chỉ liên hệ, nộp hồ sơ và tư vấn: Tại Giảng đường tầng 5, số 53E Phan Phù Tiên, Phường Cát Linh, Quận Đống Đa – Hà Nội; hoặc tại Trụ sở Viện Đào tạo Quốc tế - Học viện Tài chính, Số 6, Phan Huy Chú, Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.