Cơ hội mới cho công nghiệp hỗ trợ

Theo chinhphu.vn

(Taichinh) - Ngày 11/6, ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ cung ứng công nghiệp hỗ trợ nội địa của Việt Nam đã được cải thiện (tăng 11%) từ tỷ lệ 22% của 4 năm trước lên 32% trong năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp khi so với mức 64% tại Trung Quốc và 53% tại Thái Lan.

Thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là yêu cầu cấp bách. Nguồn: internet
Thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là yêu cầu cấp bách. Nguồn: internet

Ông Hirotaka Yasuzumi cho biết, 10 năm qua, JETRO đã hỗ trợ đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thông qua nhiều buổi kết nối thương mại và triển lãm về ngành công nghiệp hỗ trợ.

Năm 2014, JETRO thành lập 1 tổ chức mới với tên gọi Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản, trong đó, các doanh nghiệp (DN) tư nhân và các cơ quan Chính phủ của cả hai nước cùng hợp tác với nhau để phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Triển lãm Liên minh các DN ngành công nghiệp hỗ trợ năm 2014 giữa DN 2 nước cũng mang lại những thành công nhất định. Tại triển lãm, các DN tham dự đã có hơn 7.000 buổi gặp mặt, kết nối giao thương cho 700 DN với hơn 200 thỏa thuận bắt đầu giao dịch.

Từ thành công trong năm 2014, Giám đốc JETRO tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2015, Triển lãm Liên minh các DN ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tiếp tục được tổ chức từ ngày 8-10/10 tại TP. Hồ Chí Minh với mong muốn kết nối được nhiều hơn giữa DN Nhật Bản và các DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), một triển lãm đồng tổ chức với Triển lãm Liên minh các DN ngành công nghiệp hỗ trợ 2015 cũng sẽ được diễn ra, đó là triển lãm METALEX Việt Nam, nơi tập hợp đầy đủ các công nghệ và giải pháp trên toàn thế giới. Qua đó, giúp các DN Việt Nam, nhất là các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ có thể tiếp cận được những công nghệ mới, tiên tiến nhất để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, tạo ra được các sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu từ các DN FDI.

Theo ITPC, hiện nay tại các khu công nghiệp và khu chế xuất TP. Hồ Chí Minh có khoảng 260 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chiếm trên 50% tổng số DN FDI, chủ yếu sản xuất hỗ trợ cho các ngành: điện tử, cơ khí, ô tô…

Mặc dù vậy, phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các DN này được nhập khẩu từ nước ngoài, điều này cho thấy, liên kết giữa DN FDI và DN trong nước còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng là một yêu cầu cấp bách.