Cơ hội nào cho nước mắm truyền thống sau những “phen sóng gió”?
Với tư tưởng “thâm căn” là “hữu xạ tự nhiên hương”, trải qua các “phen sóng gió” nhiều thương hiệu nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống dường như cũng đã “thấm đòn”. Có lẽ đã đến lúc, nước mắm truyền thống cần có sự chuyển mình để không chỉ giữ được “Quốc hồn – Quốc túy” mà còn phải lan tỏa được nét văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam.
Sau khi nhận liên tiếp những “đòn chí mạng” trong thời gian qua, nhóm ngành hàng nước mắm sản xuất theo phương thức truyền thống có thể nói đang thực sự lao đao. Tuy nhiên với nhiều nhà kinh tế, thậm chí cả những ông chủ trong ngành nước mắm truyền thống lại có những nhận xét hết sức lạc quan. Họ cho rằng, đây lại là thời cơ tốt để nước mắm truyền thống được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn.
Những “va chạm bất đắc dĩ” giữa hai “trường phái” nước mắm giống như tiếng súng của một cuộc chiến vậy, ắt nhiên gây sự chú ý của nhiều người. Và theo như ông Đỗ Quốc Hùng - Phó giám đốc Công ty nước mắm Hạnh Phúc thì: báo chí đưa tin nhiều, phân tích nhiều người dân cũng qua đó sẽ hiểu thêm được thế nào nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống.
“Hữu xạ tự nhiên hương” – nửa mừng, nửa lo
Khi nghe chia sẻ của ông Đỗ Quốc Hùng, không biết nên mừng hay nên lo cho ngành sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống nước nhà. Mừng là bởi lẽ, quả đúng như tinh thần của cha ông, phàm là sản phẩm tốt thì sẽ có người tin dùng. Tư tưởng “hữu xạ tự nhiên hương” là nét đẹp trong kinh doanh từ xa xưa của cha ông. Tuy nhiên, không thể nói là không lo, bởi lẽ, hội nhập kinh tế đã mang đến cho người dân vô số lựa chọn thực phẩm mới lạ và hấp dẫn.
Không chỉ vậy, thời đại công nghệ số làm cho người dân tiếp cận được với nhiều thông tin về sản phẩm hơn. Sự khôn khéo đến sắc bén của cái gọi là “công nghệ truyền thông” đã trở thành công cụ tiếp cận khách hàng một cách hữu hiệu nhất. Từ nghe, nhìn, thẩm thấu đến lựa chọn. Đó là quy luật hết sức tự nhiên của nhận thức và hành vi. Vậy thì, sản phẩm nào tiếp cận với nhận thức của khách hàng nhiều nhất sẽ có có hội tác động lớn nhất tới hành vi lựa chọn của họ. Dần dà, cái “tự nhiên hương” sẽ không thể chiếm lĩnh được “khước giác” của khách hàng khi mà hàng ngày, hàng giờ khách hàng đã tiếp nhận rất nhiều hương vị bằng cách này hay cách khác.
Quảng bá là cần thiết để hồi sinh “Quốc hồn – Quốc túy”
Một số ông chủ sản xuất nước mắm truyền thống khi được hỏi về cách thức làm thương hiệu, tiếp cận thị trường đều trả lời rằng nước mắm truyền thống sống được nhờ chất lượng, mùi vị đặc biệt, đặc trưng của vùng miền cũng như mỗi cơ sở sản xuất. Họ đều hướng tới một đối tượng khách hàng riêng, chất lượng được biết đến chủ yếu là người ăn truyền tai nhau. Chất lượng là động lực để gìn giữ và phát triển các sản phẩm truyền thống. Và với các cơ sở sản xuất truyền thống, đến nay cơ bản vẫn “bấu víu” vào yếu tố chất lượng để mong tạo ra “phép màu” cho cuộc cạnh tranh thị phần ngày càng khốc liệt do nền kinh tế thị trường tạo ra.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tư tưởng này đã không phù hợp với tình hình kinh tế mở cửa như hiện nay. Để cạnh tranh, chắc chắn việc mà những cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống cần làm đó là: bên cạnh việc “trổ” bí quyết để tạo ra được những chai nước mắm mang “Quốc hồn – Quốc túy” của dân tộc Việt, hãy đầu tư mạnh hơn đối với hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình tới rộng rãi khách hàng.
Có khách hàng là có thị phần, những sản phẩm nước mắm truyền thống chắc chắn sẽ có chỗ đứng vững trước tiên là ngay tại thị trường trong nước, xa hơn là thị trường nước ngoài – đặc biệt là những quốc gia có đông đảo kiều bào Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động. Khi ấy không chỉ giá trị về kinh tếtăng lên mà giá trị về văn hoá, đặc sản của Việt Nam cũng được nhiều nước biết đến.
Trong quá khức, có lẽ ít người biết từ những năm 1985 -1986 nước mắm Phú Quốc đã có mặt ở thị trường Pháp bất chấp việc lưu thông hàng hoá trong nước chưa khai thông. Khi đó ông Đặng Văn Thời, chủ nhà thùng Hưng Thành, một trong những nhà thùng có tiếng ở Phú Quốc, được thành lập từ trước khi Pháp tái chiếm Phú Quốc (năm 1945). Cuối những năm 1985, nhà thùng Hưng Thành hoạt động với mô hình công ty hợp danh, cung ứng nước mắm cho Công ty Xuất nhập khẩu Phú Quốc.
Khi ấy ông Thời đã mong muốn sản phẩm nước mắm truyền thống của mình có mặt ở các nước Châu Âu. Trong một chuyến tháp tùng lãnh đạo huyện Phú Quốc sang Pháp làm việc về xúc tiến thương mại, ông Thời đã được một người kinh doanh thực phẩm tiết lộ: Người Việt Nam ở Pháp rất muốn ăn nước mắm Phú Quốc. Ông Thời bắt đầu có được những đơn đặt hàng nước mắm đóng chai, tuy số lượng không nhiều. Khi về nước ông đã mượn tư cách pháp nhân của Công ty Xuất nhập khẩu Phú Quốc để xuất hàng. Đầu xuôi đuôi lọt, cứ ba tháng thì Hưng Thành lại xuất 1 container 9.000 lít nước mắm sang Pháp. Tới năm 1988 lại nhận được hợp đồng xuất 10.000 chai nước mắm Phú Quốc sang thủ đô Nouméa (Nouvelle Calédonie - Tân Thế Giới)...
Từ đó, nước mắm Phú Quốc có thị phần xuất khẩu rộng mở, nhất là khi được bảo hộ tại thị trường thuộc Liên minh châu Âu. Đây là điều kiện để nước mắm Phú Quốc có mặt trên thị trường thế giới. Câu chuyện của ông Đặng Văn Thời ngày ấy như một minh chứng cho sự năng động của những người làm nước mắm truyền thống. Họ không chỉ là những nghệ nhân, tạo ra những giọt nước mắm thơn ngon, mang đặc trưng của người dân Việt Nam mà họ còn là những nhà kinh tế có ước mơ, khát vọng mang sản phẩm của mình đi khắp năm Châu.
Với nền tảng đó, trong tương lai nếu được ý thức và đầu tư xứng đáng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sản vật nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống lại không thể “tỏa hương, khoe sắc” trên thị trường trong nước cũng như thế giới.