Giá cổ phiếu công nghệ "tăng nóng": Có đáng lo?
Giá cổ phiếu Công nghệ như FPT, CMG, VGI, ELC tăng theo cấp số nhân, khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi, thậm chí lo ngại liệu có nguy cơ bong bóng đối với các mã cổ phiếu này.
Giá cổ phiếu tăng chóng mặt
Thời gian gần đây, hàng loạt cổ phiếu công nghệ - viễn thông như CMG của Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Công nghệ CMC, FPT của CTCP FPT, VGI của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel… đều ghi nhận nhịp tăng tích cực và đang giao dịch ở vùng giá đỉnh lịch sử.
Điển hình nhất, giá cổ phiếu FPT tăng hơn 43% so với cuối năm 2023 và tăng 97,12% trong vòng một năm qua. "Cỗ máy tăng trưởng” FPT của CTCP FPT đang gây chú ý khi không ngừng xô đổ các kỷ lục về giá. Thậm chí, bất chấp VN-Index biến động mạnh, cổ phiếu này vẫn "băng băng" thẳng tiến xác lập kỷ lục. Hiện, cổ phiếu này đang giao dịch quanh vùng giá lên gần 138.000 đồng/CP (phiên giao dịch sáng 22/5).
Giá trị vốn hóa của FPT cũng theo đó lập kỷ lục hơn 175.000 tỷ đồng (tương đương 7,6 tỷ USD), gấp đôi so với một năm trước, qua đó, đưa giúp FPT vượt rất nhiều “anh tài” khác và đang ngày càng chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng, vào top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thị trường.
Hay như các mã cổ phiếu CMG (+57,34%), ELC (+42,89%) tăng giá từ 40% - 50% trong 5 tháng qua. Nếu xét trong vòng một năm gần đây, giá các cổ phiếu này tăng phi mã với ELC tăng 171%, CMG tăng 92,49%, ELC tăng 171,37%.
So với vùng đỉnh lịch sử (6/1/2022), khi VNI-Index lập đỉnh lịch sử 1.528,57 điểm, giá cổ phiếu FPT ở ngưỡng cao nhất trong năm là 93.600 đồng/CP, vẫn còn kém giá giao dịch hiện tại tới 47%. Tương tự, giá cổ phiếu CMG tăng khoảng 50% so với vùng giá đỉnh năm 2022; VGI tăng gần gấp 3 lần, từ 33.100 đồng/CP lên 93.600 đồng/CP như hiện nay (phiên sáng 22/5). Trong khi đó, VN-Index hiện nay sụt giảm khoảng 19% so với vùng đỉnh 2022.
Vốn hóa thị trường của Công nghệ CMC cũng theo đó lập kỷ lục, đạt gần 11,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 70% so với thời điểm một năm trước và gấp gần 5 lần thời điểm mới lên sàn.
Trong khi đó, vốn hóa thị trường của Công ty Đầu tư Quốc tế Viettel lên gần 286 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 12 tỷ USD, chỉ đứng sau VCB (508 nghìn tỷ đồng) và BID (287 nghìn tỷ đồng).
Là đắt hay hợp lý?
Thị giá một số cổ phiếu công nghệ nói trên đang ở mức kỷ lục trong khi thị trường mới đang từng bước phục hồi. Mức tăng giá “quá nhanh và quá mạnh” này cũng khiến cho không ít nhà đầu tư băn khoăn mức giá hiện tại đã đạt đỉnh chưa, thậm chí hoài nghi có hay không câu chuyện “bong bóng” cổ phiếu công nghệ.
Đối với FPT, xét về kết quả kinh doanh, doanh nghiệp này hội tụ đủ những điểm mạnh hấp dẫn nhà đầu tư như: Có chỉ số an toàn tài sản cao, tuy tài sản dang dở nhiều nhưng đang trong quá trình mở rộng và không thâm hụt vốn; nợ vay ròng bằng 0.
Bên cạnh đó, hiệu quả sinh lời trên vốn (ROE) của FPT đạt 20-30% trong 6 năm liên tục, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế thường đạt trên 20% qua các kỳ báo cáo. Biên lợi nhuận gộp (GPM) của FPT nhiều năm duy trì khoảng 38%. Ngoài ra, FPT chi trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu rất cao và đều đặn.
Xét về định giá, P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của FPT hiện khoảng 24,3 lần, nếu trừ phúc lợi khen thưởng (khoảng 10% lợi nhuận) thì P/E của FPT lên tới 27 lần.
Theo ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT CTCP AZfin Việt Nam, đây là mức định giá cao thứ 2 trong lịch sử FPT kể từ khi lên sàn, chỉ sau giai đoạn bong bóng năm 2007, khi giá cổ phiếu FPT lên tới 610.000 đồng/CP (phiên 12/3/2007). P/E trung bình của FPT trong 14 năm qua là khoảng 11 lần.
Chỉ số P/B (hệ số giá cổ phiếu trên sổ sách) của FPT hiện khoảng 6,1 lần, cũng chỉ kém năm 2007 và đang ở vùng đỉnh, cao hơn mức 5,9 lần thời điểm cao nhất năm 2022. Trong khi đó, mức P/B trung bình của FPT trước đây chỉ khoảng hơn 2,5 lần.
“Tất nhiên, so sánh với thời điểm năm 2007 rất khập khiễng, vì thị trường chứng khoán hiện nay ổn định và an toàn hơn rất nhiều. Loại bỏ yếu tố đó ra, thì mức định giá của FPT hiện nay là cao nhất trong vòng 17 năm qua”, ông Phục cho biết.
Ông Phục cho rằng, định giá cổ phiếu FPT hiện không rẻ, nhưng không “quá ảo” bởi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, hiệu quả sinh lời cao.
“Do đó, nhà đầu tư không cần quá lo lắng về bong bóng cổ phiếu FPT như hồi năm 2007. Nếu có điều chỉnh thì sẽ không điều chỉnh nhiều, không quá 10%, tất nhiên vẫn phụ thuộc diễn biến thị trường”, ông Phục nhận định.
Với cổ phiếu CMG, chất lượng tài sản ở mức trung tính, ROE quanh ngưỡng 12%-13% cho thấy mức sinh lời khá tốt; tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 12%, GPM duy trì 18% - 19%. Định giá P/E hiện là 34,1 lần, P/B bằng 4,2 lần, đều là mức đỉnh trong lịch sử.
Theo ông Phục, định giá cổ phiếu CMG là khá đắt, phản ánh trước kết quả kinh doanh 2 năm nếu thuận lợi. Đầu tư cổ phiếu này, rủi ro nhỉnh hơn cơ hội, nhưng chưa thể gọi là bong bóng. “Nếu giá cổ phiếu CMG có giảm thì giảm nhiều hơn so với FPT nhưng không thể “vỡ” nặng”, ông Phục nói.
Về cổ phiếu VGI của Viettel, tài sản doanh nghiệp ở mức trung tính, nguồn vốn rất an toàn vì có nhiều tiền, nợ vay không có… Tuy nhiên, ROE khoảng 5% - là mức thấp vì doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn. Các thị trường nước ngoài gần như bão hòa nên tăng trưởng doanh thu gần như không có; lợi nhuận sau thuế thì năm lãi năm lỗ, phụ thuộc nhiều vào tỷ giá. Trong khi đó, doanh nghiệp đang có khoản lỗ lũy kế gần 3,4 nghìn tỷ đồng nên không chi trả cổ tức được.
“Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel là doanh nghiệp lớn, nhiều tiền nhưng hiệu quả kinh doanh thấp, triển vọng tăng trưởng kém. Song, định giá cổ phiếu VGI lại quá cao, với P/E là 157 lần và P/B lên đến 7 lần. Vì vậy, giá cổ phiếu này là quá đắt, nhà đầu tư dài hạn, đầu tư giá trị nên cân nhắc mua vào thời điểm này”, ông Phục chia sẻ.