Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Lê Văn Sơn - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Chuyển đổi số hiện nay là xu hướng tất yếu, là vấn đề được quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích thực trạng chuyển đổi số ở Việt Nam, đưa ra cơ hội, thách thức, từ đó đề xuất gợi ý một số giải pháp để Việt Nam chuyển đổi số thành công, khôi phục kinh tế, vượt qua đại dịch và phát triển vững mạnh trong thời đại công nghệ 4.0.

Chuyển đổi số giúp thay đổi trải nghiệm người sử dụng đối với các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp.
Chuyển đổi số giúp thay đổi trải nghiệm người sử dụng đối với các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp.

Đặt vấn đề

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là vấn đề được quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc thực hiện chuyển đổi số. Minh chứng rõ nét nhất là nền kinh tế số Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị nền kinh tế số đã đạt 32 tỷ USD năm 2020, dự kiến sẽ đạt 43 tỷ USD vào năm 2025.

Năm 2021, Việt Nam sở hữu 68,72 triệu người dùng Internet, chiếm 70,3% dân số, theo số liệu từ của Trung tâm Internet Việt Nam. Việt Nam hướng tới mở rộng nền kinh tế số, đạt khoảng 30% giá trị GDP vào năm 2030, với năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (CNTT), về chỉ số cạnh tranh cũng như an toàn, an ninh mạng (Hiền, 2022).

Bài viết phân tích thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam, đồng thời nhận diện các cơ hội, thách thức trong quá trình chuyển đổi số, từ đó đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao việc ứng dụng CNTT, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong thời gian tới.

Cơ sở lý thuyết

Chuyển đổi số là quá trình tích hợp CNTT, truyền thông và kết nối nhằm cải thiện một thực thể bằng cách tạo ra những thay đổi đối với các thuộc tính của nó (Vial, 2019). Do đó, trong thời kỳ công nghệ 4.0, chuyển đổi số là cần thiết đối với tất cả các DN, không phân biệt quy mô ngành nghề, mới đảm bảo được tính cạnh tranh và tăng cường hiệu quả hoạt động của DN.  Chuyển đổi số đem đến lợi ích to lớn đối với từng thành viên tham gia trong nền kinh tế cụ thể:

- Đối với Chính phủ: Chuyển đổi số giúp thay đổi trải nghiệm người sử dụng đối với các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp. Điều này còn tác động thay đổi mô hình cũng như phương thức hoạt động của bộ máy cơ quan Nhà nước, thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người đứng đầu các cơ quan của bộ máy Nhà nước.

- Đối với DN: Chuyển đổi số giúp tạo ra sự liên kết thông tin trên một nền tảng nhất định, mọi công việc vận hành một cách linh hoạt, tăng sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị DN, tối ưu hóa năng suất nhân viên và nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các DN với nhau trong việc chuyển đổi số.

- Đối với người tiêu dùng: Chuyển đổi số mang lại cho họ những trải nghiệm thú vị cũng như những tiện ích sử dụng như việc truy cập hay sử dụng các dịch vụ công ngày càng dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian hay việc mua bán giao dịch không cần phải giao dịch trực tiếp.

Thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam

Nền kinh tế số của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn trong việc phát triển các ngành mới nổi. Hiện nay, một số ngành công nghiệp đang được số hóa nhanh chóng, bao gồm thương mại điện tử, ngân hàng bảo hiểm, du lịch... Đây là những ngành tiềm năng cho nền kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời cũng cho thấy những kết quả của quá trình chuyển đổi số trong thời gian qua.

- Thương mại điện tử: Được đánh giá là một trong những ngành phát triển nhanh nhất hiện nay của nền kinh tế số Việt Nam. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain&Company, tổng giá trị hàng hoá của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng vượt bậc từ 8 tỷ USD năm 2020 lên 13 tỷ USD năm 2021 và thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang tăng trưởng 35% mỗi năm. Thương mại điện tử Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng người dùng mới trong năm qua, thể hiện qua tỷ lệ người dùng có xu hướng tăng với 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99 % có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai.

- Ngân hàng và bảo hiểm: Chuyển đổi số trong ngân hàng và bảo hiểm là việc tích hợp số hóa và công nghệ vào mọi hoạt động của ngân hàng/bảo hiểm. Sự tích hợp này cho phép làm thay đổi quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng từ các phương pháp truyền thống sang các hình thức hiện đại hơn, nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng và phù hợp với xu thế mới. Việc chuyển đổi số trong các hoạt động sẽ giúp ngân hàng/bảo hiểm tiếp cận với khách hàng dễ dàng với chi phí rẻ hơn, nâng cao chất lượng, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và luôn luôn đổi mới để thích ứng với mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, với sự ra đời và phát triển của Fintech và sự kết hợp với hệ thống ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian qua sẽ là động lực để các ngân hàng và bảo hiểm phải nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số, mới có thể cạnh tranh bền vững.

- Du lịch: Với sự xuất hiện của chuyển đổi số, các hoạt động trong ngành Du lịch đã có những bước đổi mới, đột phá, giúp ngành công nghiệp này khắc phục những hạn chế trước đây và phát triển mạnh trong thời gian qua. Với sự hỗ trợ của quá trình số hóa, chất lượng dịch vụ du lịch sẽ được nâng cao. Khách hàng được hỗ trợ đầy đủ thông tin thông qua các ứng dụng, tài khoản mà nhà cung cấp dịch vụ tạo lập với nhiều tính năng, tiện ích hiện đại...

- Các ngành khác: Bên cạnh các ngành chính như thương mại điện tử, ngân hàng, bảo hiểm, ngành giao thông vận tải và y tế ở Việt Nam cũng đã và đang bước đầu được số hóa rộng rãi. Ví dụ như, các bệnh viện ở Việt Nam đã bắt đầu xây dựng và đưa vào sử dụng mô hình khám bệnh thông minh khi người dân có thể đăng ký lịch khám qua hệ thống trung tâm và họ có thể tự đặt lịch hẹn thuận lợi nhất cho mình.

Mặt khác, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện và phát triển Chính phủ điện tử, và đạt được những hiệu quả nhất định. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam vào năm 2020 là 0.6667, được đánh giá cao theo khảo sát Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc. Một chỉ số khác cũng quan trọng khi đánh giá quá trình chuyển đổi số là chỉ số Hạ tầng viễn thông đạt mức khá cao, ở mức 0,6694. Điều này cho thấy, thời gian qua, Việt Nam đã có những tiến bộ trong phát triển hạ tầng viễn thông, làm cơ sở cho những chiến lược chuyển đổi số của quốc gia sau này.

Cơ hội và thách thức

Cơ hội

Việc nắm bắt kịp thời quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các DN, cụ thể:

- Mở rộng khách hàng: Với việc áp dụng các kĩ thuật công nghệ tiên tiến, các DN đã xây dựng các mô hình hoạt động tối ưu, có hiệu quả. Mô hình kinh doanh số, cho phép DN tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, thậm chí là những khách hàng ở các vùng xa địa bàn DN hoạt động, đồng thời gia tăng năng suất vận hành và kiểm soát chi phí tốt.

- Đa dạng hóa sản phẩm: Chuyển đổi số giúp các DN phát triển các sản phẩm mang tính đột phá sáng tạo để mở rộng những mô hình kinh doanh phù hợp hơn với thời buổi công nghệ hiện đại ngày nay. Các sản phẩm, dịch vụ tích hợp nhiều chức năng sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

- Tăng cường hợp tác giữa các công ty: Thúc đẩy sự cạnh tranh cũng như thu hút các công ty cung cấp giải pháp công nghệ hợp tác với các DN, nhằm đưa ra các sản phẩm tiện ích ngày càng cao cho khách hàng, từ đó có thể tối đa hóa lợi nhuận của DN. Chẳng hạn nhiều DN đã tích hợp chức năng thanh toán trên các phần mềm như liên kết với ví momo, giúp quá trình thanh toán nhanh, tiết giảm chi phí.

Thách thức

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 90% số DN được khảo sát cho thấy việc chuyển đổi số chưa thành công. Như vậy, việc chuyển đổi số của các DN hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, cụ thể:

Một là, để phát triển kinh tế số đòi hỏi phải có một hạ tầng vững chắc, đường truyền và mạng di động mạnh, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa nhiều nơi vẫn chưa có mạng. Sự chênh lệch giữa các vùng nông thôn và thành thị ở Việt Nam hiện nay vẫn còn quá lớn. Do đó, muốn chuyển đổi số thành công, cần mức đầu tư cao (Cameron và ctg 2019).

Hai là, để phát triển chuyển đổi số, cần đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực giỏi. Thực tế tại Việt Nam, nhân lực chuyển đổi số thiếu hụt, từ nhà quản lý đến chuyên gia, kỹ sư, công nhân công nghệ số. Mặc dù Việt Nam có nhiều cơ sở giáo dục đào tạo nhân viên ngành CNTT, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT còn lại cần phải có thời gian đào tạo lại. Điều này khiến cho các DN không thể bắt kịp với xu thế chuyển đối số như hiện nay.

Ba là, nhận thức của các DN về vai trò của chuyển đổi số vẫn còn hạn chế. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, có tới 16 trong 17 ngành nghề được khảo sát có mức độ sẵn sàng để tham gia vào chuyển đổi số thấp. Đáng chú ý, hơn 80% DN mới bắt đầu tìm hiểu về chuyển đổi số.

Bốn là, vấn đề an toàn, an ninh mạng, dữ liệu, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư cá nhân của con người trên không gian mạng bị đe dọa. Theo thống kê của Hãng bảo mật Kaspersky, Việt Nam nằm trong số các quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất; đứng thứ 4/10 quốc gia có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc qua mạng và 1/10 các quốc gia bị lây nhiễm mã độc từ sử dụng các thiết bị lưu trữ rời (USB, thẻ nhớ ngoài). Đây là một thách thức đối với Chính phủ, các DN trong quá trình chuyển đổi số.

Đề xuất giải pháp

Quá trình chuyển đổi số là một chặng đường dài đầy thách thức, không chỉ đòi hỏi lớn về nhân lực chất lượng cao mà đòi hỏi cả một nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện. Trên cơ sở phân tích cơ hội, thách thức bài viết đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam chuyển đổi số thành công, khôi phục kinh tế, vượt qua đại dịch và phát triển vững mạnh trong thời đại 4.0, cụ thể:

Thứ nhất, có giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ số, trong đó việc chuẩn bị các phương án triển khai dịch vụ 5G là cấp thiết nhằm đảm bảo được nhu cầu trao đổi thông tin, đảm bảo an toàn, an ninh. Tăng tốc phát triển hạ tầng thông tin trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng thành tựu kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược quy hoạch, kế hoạch trong các lĩnh vực, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế. Đặc biệt, đối các vùng kinh tế trọng điểm, Nhà nước sớm có cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế số để góp phần phát triển các ngành công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng lớn.

Thứ hai, cải cách hệ thống đào tạo kỹ thuật và dạy nghề. Bên cạnh các chương trình học chính quy chuẩn, cần đưa thêm các học phần về kỹ thuật CNTT gắn với xu thế công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, internet kết nối vạn vật. Ngoài ra, cần có sự kết nối giữa cơ sở giáo dục và DN. Người học được trang bị kiến thức tại cơ sở giáo dục và DN sẽ là nơi trải nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng cần có các giải pháp như đào tạo và đào tạo lại nhân viên để đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ để vận hành và làm chủ công nghệ...

Thứ ba, thay đổi nhận thức của các DN về chuyển đổi số. Muốn vậy, Chính phủ cần phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam giúp người dân DN thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số. Cụ thể: Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch...; phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

Thứ tư, có các giải pháp giám sát mạng, để đảm bảo an toàn cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ điện tử, chẳng hạn như sử dụng các công nghiệp tự động hóa tiên tiến, kỹ thuật cao để phân tích dữ liệu; gia tăng sự bảo mật thông tin, dữ liệu của các cá nhân, DN, tổ chức trên các nền tảng IoT, và đẩy mạnh việc thiết lập hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng. 

Tài liệu tham khảo:

Hiền, P. T. (2022), Thực trạng và giải pháp phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam. Tạp chí Tài chính;

Siebel, T. M. (2019), Chuyển đổi số (Digital Transformation), Phạm Anh Tuấn dịch. Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh;

Brennen, S., & Kreiss, D. (2014), Digitalization and digitization. Culture digitally, 8;

Cameron, A., Pham, T., Atherton, J., Nguyen, D., Nguyen, T., Tran, S. và ctg. (2019), Vietnam’s future digital economy–Towards 2030 and 2045. Brisbane: Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation;

Vial, G. (2019), Understanding digital transformation: A review and a research agenda. The journal of strategic information systems, 28(2), 118-144.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 Tháng 11/2022