Cơ hội và thách thức của ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam trong hội nhập TPP
Trải qua 25 năm phát triển, ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam đã khẳng định được vai trò không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường và trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống công cụ quản lý vĩ mô nền kinh tế - tài chính, đóng vai trò tích cực phục vụ phát triển kinh tế và mở rộng hội nhập quốc tế. Tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP, nền kinh tế Việt Nam nói chung và các ngành kinh tế nói riêng cần nhiều thay đổi để tạo cơ hội phát triển và vượt qua những khó khăn thách thức trong thời kỳ TPP. Kiểm toán độc lập cũng không đứng ngoài những yêu cầu đó.
Phạm vi của Hiệp định TPP bao gồm hầu hết các lĩnh vực có liên quan tới thương mại. Nội dung của TPP mặc dù không có quy định cụ thể cho lĩnh vực kiểm toán, song với việc ký kết và tuân thủ các điều khoản của TPP, sẽ đặt các thành viên, trong đó có Việt Nam trước nhiều cơ hội to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Song song với những cơ hội ấy, Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với không ít nguy cơ và thách thức.
Ra đời từ năm 1991 theo yêu cầu và tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường, đến nay ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã phát triển rất nhanh.
Hiện đã có gần 150 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán và có gần 11.000 người lao động hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp kiểm toán trên khắp cả nước. Doanh thu năm 2015 của toàn ngành Kiểm toán độc lập đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Việc nước ta gia nhập TPP cũng đã đặt ra cho ngành này khá nhiều cơ hội lẫn thách thức.
Cơ hội nhiều
Thứ nhất, việc gia nhập TPP giúp đa dạng hóa lao động trong lĩnh vực kiểm toán tại Việt Nam, giúp Việt Nam tăng cường hội nhập với khu vực trong lĩnh vực kiểm toán. Các công ty kiểm toán cũng sẽ có nhiều chọn lựa hơn trong tuyển dụng, yêu cầu lao động trình độ cao vào làm việc.
Song song với đó, lao động Việt Nam cũng sẽ có cơ hội và điều kiện thuận lợi sang làm việc và học hỏi kinh nghiệm tại các quốc gia khác. Đội ngũ kiểm toán viên Việt Nam có cơ hội được dịch chuyển tự do, làm việc trong các nước thuộc khối TPP, cơ hội nâng cao được năng lực, kiến thức, kỹ năng và tay nghề thông qua việc cọ xát kinh nghiệm và chuyên môn với các đồng nghiệp trong khu vực.
Với phạm vi hoạt động và thị trường rộng mở, các kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp sẽ rất thuận lợi trong quá trình hành nghề, danh tiếng của kiểm toán viên Việt Nam sẽ được nâng lên trên thị trường quốc tế
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội nghề nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với các mô hình hoạt động kiểm toán từ các quốc gia phát triển một cách có hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị, quản lý. Qua đó, giúp Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp lý, chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm quen với các thông lệ chung của hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, tăng cường chất lượng báo cáo tài chính.
Thứ ba, các công ty kiểm toán có thể tận dụng điểm mạnh về năng lực tài chính của mình, đội ngũ nhân viên, kỹ thuật công nghệ, kết hợp với tính minh bạch hóa về tài chính, nhu cầu của khách hàng để phát triển đa dạng các sản phẩm trong quá trình kinh doanh.
Đối với các công ty kiểm toán đủ năng lực có thể mở rộng thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ sang các nước thuộc TPP như Singapore, Malaysia, Brunei, Nhật... Qua đó, các doanh nghiệp kiểm toán độc lập tại Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm, công tác quản trị, phát triển sản phẩm và đa dạng hóa thị trường, mở rộng được các mối quan hệ kinh tế, thúc đẩy việc trở thành thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế.
Thách thức không ít
Thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là thực hiện những cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán. Việt Nam đã cam kết mở cửa toàn diện thị trường này khi gia nhập TPP. Trong đó, có cam kết về đảm bảo sự di chuyển về thể nhân của những người hành nghề kế toán và kiểm toán, những người có chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên được thừa nhận.
Thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán Việt Nam mới được hình thành và thừa nhận, còn rất non trẻ và đầy tiềm năng. Các quy định luật pháp mới được hình thành. Các yếu tố của thị trường chưa đầy đủ. Phạm vi hoạt động của thị trường còn hẹp và chưa thực sự được xã hội quan tâm đúng mức.
Đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ theo đúng nghĩa và quy chuẩn quốc tế còn quá mỏng về số lượng và hạn chế về chất lượng. Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 (Điều 11, quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập) quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về hoạt động này.
Vì vậy, khi gia nhập TPP, cơ quan quản lý sẽ đứng trước những thách thức lớn liên quan đến nhiều nội dung, trong đó kiểm soát về chất lượng kiểm toán, việc tuân thủ pháp luật và quy chế kiểm toán, xử lý các bất đồng và tranh chấp về kết quả kiểm toán trong hoạt động của các tổ chức kiểm toán nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam, các chuyên gia trình độ cao làm việc tại Việt Nam. Về mặt cơ sở pháp lý của kiểm toán Việt Nam, có những chuẩn mực, nội dung chưa thể thay đổi theo thông lệ quốc tế, do đó cần có thời gian và lộ trình để thay đổi.
Đất nước với hơn 90 triệu dân, chiếm 1/6 dân số của các nước ASEAN, nhưng số kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề chỉ chiếm khoảng 2% tổng số kế toán viên, kiểm toán viên hiện có của các nước ASEAN (4.000/196.000). Rõ ràng đây là điểm yếu về nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán.
Trong khi đó, chương trình đào tạo kế toán viên và kiểm toán viên có chứng chỉ chưa được xây dựng, chưa được chuẩn hóa. Việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ diễn ra thưa thớt (mỗi năm 1 lần). Chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ nghề nghiệp chưa được xác lập và thừa nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Kế toán viên, kiểm toán viên Việt Nam có đủ năng lực và được thừa nhận để hành nghề ở nước ngoài hay không đang còn là câu hỏi chưa có lời đáp. Khi hội nhập TPP, nền kinh tế mở cửa, một bộ phận kiểm toán viên nước ngoài có trình độ vào kiểm toán tại nước ta, từ đó áp lực cạnh tranh của đội ngũ kiểm toán trong nước sẽ cao hơn và có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Ngược lại, đội ngũ có trình độ cao lại có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường có sức thu hút hơn sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám trong nước.
Quy mô của các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam lại nhỏ, kinh nghiệm kiểm toán chưa được bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu, chưa tổ chức nhiều hoạt động đào tạo theo hướng hội nhập, do đó việc thích nghi với môi trường kiểm toán quốc tế còn nhiều hạn chế.
Chính vì vậy, sức ép cạnh tranh về thị trường kiểm toán sẽ khốc liệt hơn cho các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam khi có các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài vào, có nghĩa là nếu không tự hoàn thiện mình các doanh nghiệp trong nước sẽ đứng trước nhiều nguy cơ phá sản, giải thể, tự thu hẹp mình…
Những vấn đề đặt ra
Từ những cơ hội và thách thức trên, có thể thẩy rằng, lĩnh vực kiểm toán nói chung, kiểm toán độc lập nói riêng vẫn còn nhiều việc phải làm để thay đổi và hoàn thiện hơn. Bởi Việt Nam đang là nền kinh tế thị trường chuyển đổi, môi trường kinh doanh còn có hạn chế nhất định nên dịch vụ kiểm toán sẽ có hạn chế hơn các nước phát triển khác trong khu vực.
Việc tạo dựng hệ thống kiểm toán viên chuyên nghiệp cũng phải được nâng cao chất lượng đào tạo để trình độ ngang tầm quốc tế. Theo đó, cần xây dựng những quy định của nghề kiểm toán giống như chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch, dịch thuật, bảo hộ trí tuệ… Quá trình đào tạo này, không chỉ diễn ra trong nhà trường mà phải liên tục sau khi làm nghề. Đồng thời, cần thay đổi toàn bộ quy trình tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các quy định liên quan tới thể chế hoạt động dịch vụ kiểm toán cần thoàn thiện và triển khai nhanh hơn, đảm bảo mục tiêu chung cho phát triển kiểm toán, trong chiến lược lâu dài và trước mắt đến năm 2020.
Các công ty kiểm toán nên chú trọng và hướng đến việc đầu tư chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, tin học hóa dịch vụ cung cấp, trở thành những đối tác tin cậy. Bên cạnh đó, có thể liên doanh, liên kết, sáp nhập với các ty kiểm toán lớn, hoặc gia nhập các mạng lưới kiểm toán quốc tế, để kết hợp và chia sẻ lợi thế của mỗi thành viên, hình thành khối liên kết mạnh mẽ.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương;
2. Luật Kiểm toán độc lập 2011;
3. Một số website: vacpa.org.vn, kpmg.com, aasc.com.vn, kiemtoan.com.