Có nên đầu tư vào cổ phiếu có vấn đề?
(Taichinh) - Thời gian qua, có rất nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết trên sàn chứng khoán bị “phanh phui” những điểm yếu chết người. Đó là những sai phạm về đầu tư, làm không đúng pháp luật, doanh nghiệp bị kiện vì bán nhà cho nhiều người và cả những đơn vị bán căn hộ đang thế chấp ngân hàng. Với rất nhiều những sai phạm như trên, nhà đầu tư có nên chọn những doanh nghiệp này để gắn bó lâu dài?

Sở Xây dựng Tp.HCM vừa ra báo cáo chỉ rõ những sai phạm của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (mã chứng khoán BCI) đang niêm yết trên sàn Tp.HCM. Theo đó, BCI đã không chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND Tp.HCM trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án mà mình đầu tư. BCI đã có nhiều sai phạm, thiếu sót, không thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, ảnh hưởng đến các công trình chỉnh trang đô thị và môi trường sống của người dân.
Đầu tư sai,bán trùng căn hộ
Quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật gồm (công viên, vỉa hè, khu thể thao, cấp thoát nước) chủ đầu tư đã không lập hồ sơ trình cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, dẫn đến đầu tư không đồng bộ, không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, không phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Các dự án sai phạm gồm Khu dân cư Hương Lộ 5, Khu dân cư Lý Chiêu Hoàng, Khu phố chợ Cầu Xáng thuộc huyện Bình Chánh. Ngoài ra, còn 10 dự án khác sai qui định liên quan đến việc đền bù , do chưa đạt được thỏa thuận với người dân.
Từ năm 2012 đến nay, UBND Tp.HCM, các sở ngành có liên quan đã nhiều lần đề nghị BCI xây dựng kế hoạch, cam kết tiến độ chỉnh trang, đầu tư hệ thống hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội nhưng BCCI không nghiêm túc thực hiện.
Mới đây, một công ty liên kết của Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG) đã vướng vào kiện tụng khi thương vụ bán 17 căn hộ tại dự án Gia Phú, Thủ Đức cho nhiều người. Công ty Gia Phú Land đã ký hợp đồng với Đất Xanh Đông Á - công ty liên kết do DXG sở hữu 36% cổ phần để môi giới các căn hộ tại dự án Gia Phú.
Vấn đề rắc rối về pháp lý xảy ra khi một số căn hộ được bán cho nhiều khách hàng khác nhau. Sự chồng chéo này khiến nhiều khách hàng khởi kiện, đòi lấy lại khoản tiền đã trả.
Bên phía DXG cũng tuyên bố mình cũng là "nạn nhân" của Gia Phú Land khi chủ đầu tư này liên tục lẩn tránh tai tiếng. Tuy vậy, giới đầu tư cho rằng DXG phải chịu một phần trách nhiệm khi đã bất cẩn trong quá trình môi giới, có thể sẽ phải bồi thường một phần cho khách hàng mua nhà.
Công ty chứng khoán VCSC nhận định, với khoản tiền phạt cho 17 căn hộ bị bán trùng ước tính khoảng 10 tỷ đồng và DXG sẽ chịu 3,6 tỷ đồng. Hiện nay, chủ đầu tư Gia Phú đã lẩn tránh, không chịu giải quyết; chỉ có ĐXĐA đứng ra giải quyết.
ĐXĐA cũng là nạn nhân của chủ đầu tư và ĐXĐA cam kết cùng khách hàng theo đuổi vụ việc đến cùng. Các khách hàng đã mua căn hộ Gia Phú nộp tiền tại ĐXĐA thì nay họ muốn hủy hợp đồng và đòi lại tiền từ ĐXĐA, không muốn chờ nhận căn hộ nữa.
Bán căn hộđang thế chấp
Phi vụ cuối cùng thuộc về Công ty CPtư vấn - thương mại - dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán (HQC). Công ty đang làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội HQC Plaza (H.Bình Chánh, Tp.HCM). Trong khi đó, rất nhiều khách hàng đủ điều kiện để mua được nhà ở xã hội tại dự án này nhưng lại không vay được gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà.
Hàng trăm khách hàng này buộc phải ký phụ lục hợp đồng với chủ đầu tư để sử dụng hình thức trả chậm và chịu phạt lãi suất 6-12%. Điều đáng nói là phần lớn khách hàng này đang trả tiền mua các căn hộ chưa được giải chấp ra khỏi ngân hàng.
Ông Trương Thái Sơn, Phó Tổng giám đốc HQC, biện minh rằng những căn hộ chưa được giải chấp khỏi Ngân hàng BIDV vì khách hàng còn vướng thủ tục vay của ngân hàng. Trong khi đó, có những nguồn tin khác cho biết, HQC sử dụng khoản vay từ gói 30.000 tỷ đồng để cho khách hàng vay lại và hưởng chênh lệch lãi suất.
Ông Sơn cho biết số tiền vay từ gói 30.000 tỷ đã được công ty giải ngân 378 tỉ và đều chuyển thẳng vào hai nhà thầu chính. “Khoản tiền cho khách hàng vay trả chậm lấy từ số vốn tự có của công ty” - ông Sơn nói.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc chủ đầu tư bán căn hộ chưa giải chấp là sai, do một sản phẩm được chủ đầu tư bán hai lần. Lần thứ nhất bán cho ngân hàng, đây là giao dịch bảo đảm và lần thứ hai bán cho khách hàng - giao dịch thương mại. Điều này là vô cùng rủi ro đối với khách hàng mua sau nếu ngân hàng xử lý tài sản trên khi tranh chấp xảy ra.
Trên đây là ba trong rất nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn có sai phạm, vướng mắc liên quan đến hoạt động kinh doanh cùa mình. Vì vậy, nhà đầu tư khi mua bán những cổ phiếu này cần phải tính toán kỹ trước khi quyết định.