Có nên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc?
Cần sự cân nhắc thận trọng trong việc điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tình hình hiện nay để phát huy tính hiệu quả của công cụ này.
Công cụ dự trữ bắt buộc với lịch sử hình thành là để sử dụng nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản của các NHTM. Nó được coi là công cụ mạnh để NH Trung ương hút tiền về khi lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thị trường tiền tệ, các công cụ chính sách tiền tệ không ngừng đổi mới và hoàn thiện.
Theo đó, nghiệp vụ thị trường mở đã được hình thành và ngày càng phát triển đã thay thế dần được tính năng cơ bản của công cụ dự trữ bắt buộc là đảm bảo khả năng thanh khoản và thu hút tiền về. Vì vậy, một số quốc gia đã loại bỏ công cụ dự trữ bắt buộc khỏi hệ thống điều hành chính sách tiền tệ, bởi mặt trái của công cụ này là một hình thức đánh thuế vào hoạt động của các NHTM.
Đối với Việt Nam, từ những năm 1990 - giai đoạn đầu của sự phát triển, công cụ dự trữ bắt buộc được xem như một công cụ chủ yếu để điều hành chính sách tiền tệ. Pháp lệnh NHNN quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc tối thiểu là 10%, tối đa là 35%. Nhưng trên thực tế NHNN chỉ quy định ở mức 10% cho đến khi có sự ra đời của Luật NHNN năm 1997, thì cho phép NHNN được điều hành tỷ lệ dự trữ bắt buộc linh hoạt hơn (Luật chỉ quy định mức tối thiểu là 0%).
Từ tháng 7/2000, công cụ nghiệp vụ thị trường mở được hình thành và không ngừng phát triển cho đến ngày nay, công cụ này có tính năng mạnh trong việc hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM. Theo đó, vai trò của công cụ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ thanh khoản đã yếu dần, dường như công cụ dự trữ bắt buộc chỉ còn giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết dòng tiền. Điều này có thể được minh chứng qua việc NHNN giữ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức thấp và tương đối ổn định trong gần 5 năm qua.
Cụ thể, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các dòng vốn huy động tiền gửi VND ngắn hạn ở mức 3%, dòng vốn huy động tiền gửi trung và dài hạn ở mức thấp hơn chỉ là 1% để khuyến khích các NHTM thay đổi cơ cấu nguồn vốn huy động, tăng cường huy động vốn trung và dài hạn, giảm huy động ngắn hạn. Riêng huy động ngoại tệ ngắn ở mức 8%, trung và dài hạn 6%. Quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc khác nhau giữa VND và ngoại tệ là sự phối hợp đồng bộ với các công cụ lãi suất nhằm mục tiêu chống đô-la hóa.
Để khuyến khích dòng vốn chảy vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với lĩnh vực này được quy định ở mức thấp hơn 1 điểm phần trăm, tương ứng với 7% ngắn hạn và 5% trung dài hạn. Riêng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND trong cho vay nông nghiệp nông thôn giảm 2 điểm phần trăm so với mức thông thường, tức chỉ còn 1%.
Với tỷ lệ dự trữ bắt buộc quy định như hiện nay, nhìn chung là thấp và tạo ra được sự chênh lệnh để điều tiết dòng vốn theo mục tiêu. Nếu tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống mức thấp hơn nữa (1-2% hoặc xuống bằng 0%) thì liệu có thể tạo được sự chêch lệch để khuyến khích dòng vốn? Câu trả lời là không. Hiện nay, thanh khoản của hệ thống NH đang ở mức dồi dào, biểu hiện trên thị trường liên NH là các NHTM đã hạ thấp lãi suất cho vay lẫn nhau và NHNN liên tiếp hút ròng về qua kênh nghiệp vụ thị trường mở.
Trong tình hình như vậy thì NHNN có hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng không có ý nghĩa nhiều giúp các NHTM có thêm nguồn vốn để đầu tư và giảm phần nào chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.
Mặt khác, trong tình hình lạm phát đang có xu hướng gia tăng, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, gây ra những hoang mang nhất định cho thị trường, nhất là những nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tình hình hiện nay, cần có sự cân nhắc thận trọng để phát huy tính hiệu quả của công cụ này.