Cổ phiếu ngân hàng chờ thời hoàng kim trở lại

Theo Minh Anh/Đặc san doanh nghiệp niêm yết

Từ đầu tháng 11/2019, chỉ số VN-Index đã bật tăng mạnh mẽ, vượt qua mốc 1.000 điểm, thể hiện tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó không thể bỏ qua nhóm ngân hàng (VCB, BID, CTG, ACB, MBB) vẫn tiếp tục là “người dẫn đường”. Tuy nhiên, trong tương lai, liệu cổ phiếu ngân hàng có trở lại thời hoàng kim không vẫn là dấu hỏi lớn.

Động lực thúc đẩy cổ phiếu ngân hàng

Thống kê trong 10 tháng đầu năm 2019 cho thấy, VN-Index đã tăng khoảng 12% nhờ sự hỗ trợ của hầu hết các mã cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường. VCB thiết lập mức đỉnh mới tại mức giá 90.800 đồng/cổ phiếu; các mã BID, CTG, ACB, MBB… cũng đồng loạt bứt phá trong những phiên giao dịch đầu tháng 11/2019.

Nhiều người đặt kỳ vọng các “cổ phiếu vua” sẽ trở lại vị trí dẫn dắt VN-Index vững vàng vượt 1.000 điểm vào những tháng cuối năm nay. Kỳ vọng này là có lý khi nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý III/2019 tăng trưởng mạnh. Thực tế, cổ phiếu VCB của Vietcombank đã tăng gần 60% so với đầu năm 2019 và đà tăng giá vẫn chưa dấu hiệu dừng lại khi Vietcombank đang ghi nhận tăng trưởng rất cao.

9 tháng đầu năm nay, lãi trước thuế hợp nhất của Vietcombank đạt 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ và đạt 85,8% kế hoạch năm 2019, trong đó riêng Ngân hàng mẹ đạt 17.250 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 85,4% kế hoạch năm 2019. Các chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt tương ứng là 1,65% và 25,75%, tăng mạnh so với năm 2018 và cao hơn mặt bằng chung.

Không những thế, Vietcombank đã hoàn tất ký kết thương vụ phân phối bảo hiểm cho Tập đoàn FWD và trước mắt có thể thu về mức phí 400 triệu USD. Trong khi đó, FWD sẽ mua Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif. Nếu khoản phí trên hạch toán vào lợi nhuận năm nay, con số lợi nhuận 2019 của Ngân hàng dễ dàng vượt mốc 1 tỷ USD.

Nguồn thu từ bán lẻ và dịch vụ ngày càng được Vietcombank gia tăng mạnh, đóng góp tích cực vào lợi nhuận. Vietcombank đặt tham vọng đạt mức lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025. Động lực chính của tăng trưởng sẽ là bán lẻ và ngân hàng số. Trong đó, bán lẻ sẽ chiếm một nửa lợi nhuận, tức là khoảng 1 tỷ USD.

Nợ xấu vẫn là “gánh nặng” của không ít nhà băng như Sacombank, BIDV, Eximbank, Saigonbank, VPBank..., đòi hỏi các ngân hàng này phải trích lập dự phòng cao   

Về ngân hàng số, Vietcombank định hướng giữ vị trí số 1 trên thị trường. Ngân hàng vừa khai trương chi nhánh tại Mỹ và sắp tới là Úc. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho rằng, hiệu suất sinh lời của Ngân hàng đã ngang tầm các nhà băng tiên tiến trên thế giới.

Cổ phiếu của MBBank cũng tăng 30% trong hơn 3 quý đầu năm nay, từ mức quanh 17.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên trên 23.000 đồng/cổ phiếu. BIDV cũng là một trong những nhà băng có cổ phiếu diễn biến tích cực, khi tăng giá 20% so với đầu năm. Kết thúc 10 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Ngân hàng mẹ MBBank đạt trên 8.000 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch cả năm (8.345 tỷ đồng).

Trong khi đó, BIDV thu về hơn 6.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng so với kế hoạch cả năm là 10.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà băng này vừa hoàn tất bán 15% vốn cho đối tác Hàn Quốc là Ngân hàng KEB Hana Bank. Với mức giá 33.640 đồng/cổ phiếu, BIDV thu về số tiền gần 20.300 tỷ đồng từ việc chào bán. Sau khi trừ chi phí phát hành, tổng thu ròng từ đợt chào bán của BIDV là 20.208 tỷ đồng. Vì thế, BIDV chi 4.790 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 7% mỗi năm.

ACB, VPBank, Techombank, HDBank cũng đạt lợi nhuận cao, lần lượt 5.561 tỷ đồng, 7.199 tỷ đồng, 8.900 tỷ đồng, 3.448 tỷ đồng trước thuế. Không chỉ đạt lợi nhuận cao 9 tháng đầu năm, các nhà băng còn cho biết, nhiều khả năng sẽ vượt chỉ tiêu đưa ra cho cả năm 2019. Vì thế, một số nhà băng đã tận dụng giá cổ phiếu giảm mạnh đăng ký mua cổ phiếu quỹ là một minh chứng cho thấy, giá cổ phiếu “vua” đang giao dịch dưới giá trị thực.

Ngoài thông tin ghi nhận lãi cao, việc một số ngân hàng thông báo mua cổ phiếu quỹ với khối lượng lớn gần đây cũng kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá cổ phiếu phục hồi. HDBank thông qua kế hoạch mua lại 49 triệu cổ phiếu trong quý IV/2019 làm cổ phiếu quỹ, tương đương 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. VPBank thông báo mua tối đa 50 triệu cổ phiếu trong quý IV, tương đương 1,97% vốn điều lệ để làm cổ phiếu quỹ. Từ đầu năm 2019 đến nay, có hai ngân hàng đã mua lượng lớn cổ phiếu quỹ là MBBank, mua hơn 47 triệu cổ phiếu trong tổng số 108 triệu đơn vị đăng ký và TPBank hoàn tất mua lại 24 triệu cổ phiếu.

Trong một tình huống ngược lại, ACB bán xong 35,2 triệu cổ phiếu quỹ trong ngày 30/10 thông qua giao dịch thỏa thuận với giá 23.800 đồng/cổ phiếu. MBBank dự kiến bán 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian còn lại của năm 2019. Cổ đông chiến lược là Ngân hàng MUFG muốn rót thêm vốn vào VietinBank. VietinBank không tăng được vốn tự có trong thời gian qua khiến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) gần chạm ngưỡng và không thể tăng trưởng tín dụng. Nếu tăng được vốn, ngân hàng này có thể quay trở lại thời kỳ phát triển mạnh. 9 tháng đầu năm nay, VietinBank đạt 8.456 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Tương lai cổ phiếu ngân hàng sẽ ra sao?

Theo báo cáo vĩ mô và thị trường tháng 10/2019 của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), nền kinh tế vĩ mô vẫn giữ được các động lực tăng trưởng, hỗ trợ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019. Đây là một yếu tố quan trọng tạo nền giá ổn định cho TTCK vào những tháng cuối năm. Trong đó, nhóm cổ phiếu VN30 và cổ phiếu ngân hàng có lợi nhuận quý III tích cực đã tạo nền giá và hỗ trợ thị trường ở nhịp điều chỉnh.

Tính đến 31/10, 85% công ty niêm yết trên HOSE và HNX công bố kết quả kinh doanh quý III. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận mức tăng trưởng 14,6% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm cổ phiếu VN30 và nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt 27% và 43,1%, vượt xa so với mức tăng trưởng chung của thị trường. Chỉ riêng nhóm ngân hàng đã đóng góp 86,4% giá trị lợi nhuận tuyệt đối tăng trưởng trong quý III/2019.

Bộ phận Nghiên cứu chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương của JP Morgan mới đây công bố báo cáo riêng về lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, với những nhận định tương đối tích cực. Theo đó, tổ chức này đánh giá tích cực với một số cổ phiếu ngân hàng trong danh mục như VCB, TCB, ACB và đánh giá trung lập với VPB. JP Morgan cho rằng, các cổ phiếu kể trên có khả năng tăng giá từ 14 - 68% trong 12 tháng tới.

Nợ xấu vẫn là “gánh nặng” của không ít nhà băng như Sacombank, BIDV, Eximbank, Saigonbank, VPBank..., đòi hỏi các ngân hàng này phải trích lập dự phòng cao   

Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế nên đã có sự hồi phục rõ nét trong 2017-2018. Sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2018-2019, chất lượng tài sản tốt lên và hoàn nhập dự phòng, lợi nhuận sẽ tích cực. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành cũng có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng trong hệ thống. Trong đó, ngân hàng tốt phục hồi nhanh, một số ngân hàng nhỏ, yếu kém sẽ khó có thể phục hồi, dù thời gian có kéo dài đến 2020.

Tại Bảng xếp hạng 10 ngân hàng - tài chính - chứng khoán có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 do Vietnam Report (VNR) vừa công bố, các ngân hàng tiếp tục là tâm điểm chú ý khi bảng xếp hạng câu lạc bộ nghìn tỷ liên tục được hoán ngôi và những cái tên Techcombank, MBBank, VPBank, BIDV, ACB hay HDBank thăng hạng.

Bảng xếp hạng dựa trên tiêu chí chính là các chỉ số phản ánh khả năng sinh lời (ROA, ROE). Chẳng hạn, tại HDBank, 9 tháng đầu năm, Ngân hàng đạt lợi nhuận 3.448 tỷ đồng,  hệ số ROA và ROE lần lượt ở mức 1,7% và 20,2%. Chất lượng tài sản của Ngân hàng được khẳng định với tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,1%, thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay, trong năm nay, Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu và sẽ đóng góp khoảng 600 tỷ đồng thu nhập bất thường (khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro) vào mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.279 tỷ đồng mà đại hội đồng cổ đông đề ra năm nay.

Vietnam Report cũng có các đánh giá về các chỉ số, môi trường kinh doanh, cũng như các nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng, trong đó ngân hàng xếp thứ 5 trong nhóm có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ giai đoạn 2020 - 2025.

Thêm vào đó, việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II vào đầu năm 2020 cũng sẽ giúp các ngân hàng hoạt động an toàn, bền vững hơn và làn sóng góp vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các nhà băng tăng quy mô tài chính, gia tăng tính cạnh tranh. Trong bối cảnh này, giá trị thị trường của một số cổ phiếu “vua” sẽ tăng và ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng dự kiến sẽ có sự phân hóa mạnh và cũng khó có “sóng” đột biến cho tất cả các mã loại này. 

Một yếu tố cần cẩn trọng khác là nợ xấu. Nợ xấu vẫn là “gánh nặng” của không ít nhà băng như Sacombank, BIDV, Eximbank, Saigonbank, VPBank..., đòi hỏi các ngân hàng này phải trích lập dự phòng cao.

Theo Công ty Chứng khoán MB, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 25% thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam. Do vậy, để thị trường có thể chinh phục ngưỡng cản tâm lý quan trọng thì không thể thiếu vai trò của nhóm cổ phiếu “vua”. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng vẫn là câu chuyện riêng biệt của từng nhà băng, chứ không kỳ vọng vào sự lan tỏa của cả ngành. Một số cổ phiếu được khuyến nghị xem xét như VCB, ACB, MBB, BID, HDB, TPB, TCB, VPB...