Cổ phiếu ngân hàng tăng do đâu?

Theo thoibaonganhang.vn

So với các năm trước, 2017 dường như là năm khá khác biệt khi ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều động thái điều chỉnh lại chính sách đối với hệ thống ngân hàng ngay từ những tháng đầu năm với một loạt các quy định...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giá cổ phiếu của nhóm các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối như VCB, CTG, BID đã tăng khá tốt, thậm chí có mã cổ phiếu ngân hàng tăng gần 30% kể từ đầu năm đến nay.

Nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần có quy mô lớn như ACB, STB cũng chứng kiến đà tăng ấn tượng và góp phần vào đà tăng trưởng vượt bậc của VN-Index. Nhưng vì sao các cổ phiếu vua ngành tài chính lại hưng phấn?

Giãn thời hạn áp dụng tiêu chuẩn quốc tế

“Mấu chốt nằm ở các thông tư của NHNN ban hành đầu năm”, một chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect thổ lộ. Thật vậy, so với các năm trước, 2017 dường như là năm khá khác biệt khi NHNN đã có nhiều động thái điều chỉnh lại chính sách đối với hệ thống ngân hàng ngay từ những tháng đầu năm với một loạt các quy định, trong đó các Thông tư 39 và 41 sửa đổi cho phù hợp với Bộ Luật Dân sự mới tác động tích cực lên thị trường.

Bên cạnh một số điều khoản quy định về các nghiệp vụ tín dụng thận trọng hơn thì các thông tư này cũng mở ra một số điều kiện cho các ngân hàng thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh.

Điển hình như Thông tư 41 đã giãn thời gian áp dụng tiêu chuẩn an toàn theo chuẩn mực quốc tế (Basel II) cho các ngân hàng dự kiến trong năm nay đến 2020. NHNN cũng điều chỉnh tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) từ 9% xuống 8% - giúp một số ngân hàng dễ thở hơn trong tăng trưởng tín dụng cũng như có thêm thời gian để bổ sung thêm nguồn vốn cấp 1, tái cấu trúc lại tài sản để nâng tỷ lệ CAR lên mức cao hơn.

Bởi nếu áp dụng ngay lúc này theo các chuẩn mực khắt khe của Basel II, hệ số CAR của một số ngân hàng e rằng không đủ đáp ứng. Theo khảo sát vào 2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nếu kết quả áp dụng theo tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel II tại 10 tổ chức tín dụng được dự tính thí điểm áp dụng Basel II, hệ số CAR của họ sẽ giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại với nguyên nhân chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng.

Đó là chưa kể việc áp dụng Basel II vào thời điểm này cũng sẽ khiến chi phí quản lý và giám sát của các ngân hàng tăng mạnh, đây là điều nhiều ngân hàng không mong muốn sau quá nhiều khó khăn mà Ngành đã chịu trong các năm qua.

Mặt bằng lãi suất trong năm nay được kỳ vọng sẽ giúp cho biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng cải thiện. Với việc cung ứng 80% tổng vốn cho nền kinh tế, nên một khi nền kinh tế cải thiện hơn so với năm trước sẽ mang lại niềm vui cho các cổ đông ngân hàng – đi đầu trong số những người hưởng lợi là các ngân hàng như VCB, CTG hay BIDV với lợi thế về quy mô và mạng lưới bán hàng.

Một số NHTM cổ phần có thương hiệu tốt như ACB, Eximbank bị bủa vây bởi nợ xấu trong quá khứ cũng được giới phân tích kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm nay sau những nỗ lực tái cấu trúc, củng cố bộ máy hoạt động và nhất là đã giảm nhẹ gánh nặng trích lập các khoản dự phòng lớn như 2 năm trước đó.

Ví dụ như tại ACB, trong năm nay mục tiêu mà ngân hàng này nhắm đến là 2.205 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng đến 32% so với năm ngoái, dù tăng trưởng tín dụng trong năm nay dự kiến sẽ thấp hơn. Hay lãnh đạo Ngân hàng Quân đội tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 20% để đạt lợi nhuận 4.300 tỷ đồng trong năm nay.

“Chúng tôi cho rằng triển vọng ngành Ngân hàng sẽ còn nhiều thách thức trong 2017. Mặc dù vậy, cơ hội vẫn có từ các ngân hàng đã xử lý nợ xấu hiệu quả trong quá khứ và có triển vọng tăng trưởng cao.

Nhân tố mới hứa hẹn…

Hiện các công ty niêm yết đang bước vào mùa đại hội cổ đông, trong đó sẽ có những ngân hàng bước vào thời kỳ thay máu dàn lãnh đạo cho chiến lược 5 năm kế tiếp. Một số gương mặt cũ sẽ phải ra đi, thay vào đó là những gương mặt mới. Việc chuyển giao quyền lực được kỳ vọng sẽ mang đến một làn gió mới cho các ngân hàng này.

Như Eximbank sẽ bầu bổ sung 3 thành viên hội đồng quản trị đang bị khuyết. BIDV sẽ bầu lại chức vị chủ tịch mới sau khi ông Trần Bắc Hà về hưu. Đặc biệt, tại Sacombank, ngân hàng này sẽ bầu ra hội đồng quản trị mới cho giai đoạn 2017 – 2021. Cho đến nay đã xuất hiện một số thông tin cho rằng chủ tịch cũ Đặng Văn Thành sẽ quay trở lại cầm cương, đồng thời lôi kéo thêm một số nhà đầu tư mới để bổ sung thêm hàng nghìn tỷ đồng vào vốn chủ sở hữu.

Mặc dù vẫn còn nhiều hoài nghi về thực trạng sức khỏe của một số ngân hàng nhưng không thể phủ nhận là các chỉ số đo lường về lãi lỗ, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ lãi dự thu trên tổng lãi của Ngành đang dần cải thiện. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã phát đi những thông điệp mới trong việc tái cấu trúc lại Ngành, trong đó có thể cho phép các nhà đầu tư ngoại sở hữu hơn 30% cổ phần tại một ngân hàng trong nước.

Nếu so với mặt bằng giá chung trên thị trường, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng vẫn đang ở mức khá rẻ khi chỉ dao động từ mức 10.000 – 20.000 đồng. Giá quá thấp sẽ là điều kiện thuận lợi cho những kẻ đi săn các tài sản có tiềm năng phất lên trong tương lai.

Các cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt nhất trên sàn

Cổ phiếu CTG (VietinBank) đã tăng 30% từ mức 14.000 lên hơn 18.000 đồng tính đến cuối tháng 3, cổ phiếu BID (BIDV) cũng đạt kết quả tương tự tăng lên hơn 17.000 đồng, trong khi VCB (Vietcombank) cải thiện nhẹ từ mức 35.500 lên 37.000 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, cổ phiếu ACB đã tăng mạnh từ mức 17.000 lên 24.000 đồng, tương ứng với mức tăng 41%, cổ phiếu EIB của Eximbank cải thiện từ 9.000 đồng lên 12.000 đồng, STB của Sacombank tăng từ 8.000 lên 11.500 đồng – nhất là gần đây có thông tin ngân hàng này sẽ có lãnh đạo mới. Sau một thời gian đứng yên, cổ phiếu MBB của NHTM cổ phần Quân đội cũng cải thiện từ mức 13.000 đồng lên 15.500 đồng. Có thị giá thấp nhất ngành Ngân hàng, cổ phiếu SHB cũng cải thiện đáng kể từ mức 4.000 đồng lên hơn 6.000 đồng, trong khi giá cổ phiếu VIB tăng 2.000 đồng lên 17.500 đồng.