Giảm 420 giờ nộp thuế:
Cơ quan Thuế vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP
Ngày 10/8, Tổng cục Thuế đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề về công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa ngành Thuế. Buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin cho cơ quan thông tấn báo chí và người dân về các hoạt động cũng như cơ chế chính sách của ngành Tài chính, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn chủ trì buổi họp báo.
Giảm mạnh số giờ nộp thuế
Chia sẻ tại buổi họp báo ông Phi Vân Tuấn cho biết, công tác cải cách hành chính thuế nói riêng, cải cách thủ tục hành chính nói chung luôn được Tổng cục Thuế ưu tiên quan tâm hàng đầu cùng với nhiệm vụ quản lý thu ngân sách Nhà nước. Có thể khẳng định chưa bao giờ tốc độ cải cách thuế diễn ra với mức độ nhanh và mạnh mẽ như thời gian vừa qua. Đặc biệt, năm 2014 là một năm có dấu ấn đặc biệt đối với cải cách hệ thống thuế. Cơ quan thuế đang thực hiện mục tiêu “kép” về cải cách hành chính thuế nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, phấn đấu giảm số giờ tuân thủ thuế của doanh từ 872 giờ/năm xuống còn 171 giờ/năm theo Nghị quyết số 19/2014 của Chính phủ; đồng thời phấn đấu để đạt mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là: giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế, trở thành một trong năm nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thuế.
Trên thực tế trong năm 2014 với việc ban hành 1 Thông tư sửa 7 Thông tư, trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định sửa 4 Nghị định; tham mưu cho Bộ Tài chính Chính phủ trình Quốc hội 1 Luật sửa 5 Luật nhằm tạo điều kiện tối đa cho người người nộp thuế và doanh nghiệp, giảm số giờ tuân thủ về thuế. Với các giải pháp đã ban hành tại các văn bản pháp quy này, tính đến 1/1/2015 số giờ nộp thuế giảm được khoảng 370 giờ.
Không dừng lại ở những kết quả đó, từ đầu năm 2015 đến nay, với việc tiếp tục sửa đổi các quy trình nghiệp vụ trong kê khai, khấu trừ thuế GTGT của doanh nghiệp và thủ tục kê khai thuế TNDN theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC và Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/2015/NĐ-CP (nội dung về thuế TNDN) đã giúp giảm thêm 40 giờ cho người nộp thuế.
Bên cạnh các giải pháp về chính sách, Tổng cục Thuế còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để vừa tiết kiệm thời gian, chi phí của doanh nghiệp, vừa hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp trong quá trình khai thuế, tính thuế. Tính đến 30/6/2015 đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet đối với 98% số doanh nghiệp đang thuộc diện quản lý thuế. Phấn đấu đến 30/9/2015 sẽ đạt tỷ lệ trên 90% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Nếu đạt được tỷ lệ khai thuế, nộp thuế điện tử trên 90% số doanh nghiệp trên phạm vi cả nước thì giải pháp này dự kiến sẽ góp phần làm giảm khoảng 10 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay với các giải pháp đã triển khai thực hiện nêu trên, số giờ nộp thuế sẽ giảm tiếp được khoảng trên 50 giờ (tổng cộng năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã và sẽ giảm được 420/537 giờ nộp thuế của doanh nghiệp), đạt và vượt được mục tiêu mà Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra về việc giảm số giờ nộp thuế đối với NNT xuống dưới 121,5 giờ trong năm 2015.
Không chỉ cải cách trên giấy mà quan trọng là trong thực tiễn
Trước những câu hỏi của phóng viên về cách thức để hiện thực hóa các văn bản trong thực tiễn, đem lại lợi ích thiết thực cho DN cũng như chống được thất thu NSNN, đạt được mục tiêu tăng thu NSNN từ 8-10% như đã đề ra từ đầu năm, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Trưởng Ban cải cách và hiện đại thuế, Tổng cục Thuế khẳng định, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các văn bản liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính về thuế, những người làm chính sách đã đặt vào địa vị của doanh nghiệp, góc nhìn của DN để những chính sách, cơ chế đó thực sự phục vụ và đem lại lợi ích tối đa cho DN.
Ngành Tài chính cũng xác định ngoài việc rà soát văn bản pháp quy đã hoàn thành, vấn đề hết sức quan trọng được ngành chú trọng là triển khai các văn bản này vào thực tiễn “cải cách không chỉ văn bản pháp luật giấy tờ, làm sao triển khai đến cộng đồng hơn 500 ngàn DN”, bà Lan Anh cho biết. Trên thực tế, không chỉ là cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính về thuế, để đạt mục tiêu theo Nghị quyết 19, cơ quan thuế đã thực hiện chuyển đổi toàn bộ phương thức quản lý trước đây sang quản lý theo rủi ro. Việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế sẽ phân loại doanh nghiệp, giúp làm rõ việc cơ quan thuế nên tập trung nguồn lực vào đâu, khu vực nào có thất thu, trốn thuế để tập trung quản lý, đảm bảo công tác quản lý thuế thông thoáng hơn nhưng vẫn hiệu quả, chống thất thu NSNN.