Cơ sở pháp lý về thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã


Hơn 20 năm qua, hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ trung ương đến địa phương ra đời đã góp phần hỗ trợ tài chính cho các hợp tác xã để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã có vai trò đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước
Kinh tế tập thể, hợp tác xã có vai trò đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

Tuy nhiên, các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã chưa có cơ sở pháp lý chung về thành lập, tổ chức và hoạt động. Do đó, ngày 31/03/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2021, tạo được cơ sở pháp lý chung về thành lập, tổ chức và hoạt động để các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong cả nước triển khai đồng bộ, hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho các hợp tác xã trong thời gian tới.

Đặt vấn đề

Kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) có vai trò đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước như tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi nạn tín dụng đen… và được khẳng định tại Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ V, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Kết luận số 56-KL/ TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị. Để góp phần hỗ trợ tài chính cho các HTX thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX từ trung ương đến địa phương đã ra đời và phát triển qua hơn 20 năm.

Nghị định số 45/2021/NĐ-CP gồm 6 Chương 59 Điều, quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Đối tượng áp dụng là Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở địa phương (gọi tắt là Quỹ HTX); HTX, liên hiệp HTX; thành viên của tổ hợp tác và thành viên HTX được các Quỹ HTX cho vay theo quy định tại Nghị định số 45/2021/NĐ-CP; Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các cấp; các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP. Sau đây là một số điểm cơ bản của Nghị định số 45/2021/NĐ-CP:

Địa vị pháp lý của Quỹ HTX

Theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP, Quỹ HTX là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gọi tắt là mô hình công ty) hoặc là tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình HTX, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đảm bảo nguyên tắc hoạt động bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn nhằm thực hiện chức năng cho vay cho HTX, liên hiệp HTX, thành viên của tổ hợp tác và HTX; Huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước; tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn trong nước và ngoài nước, các nguồn tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan.

Mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức của Quỹ HTX

- Đối với Quỹ HTX Việt Nam: là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Cơ cấu tổ chức gồm: Chủ tịch Quỹ, Kiểm soát viên, Ban điều hành Quỹ (gồm: Tổng Giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc). Quỹ hoạt động độc lập.

- Đối với Quỹ HTX địa phương: được lựa chọn hoạt động theo một trong hai mô hình, mô hình công ty hoặc mô hình HTX, cụ thể:

+ Đối với Quỹ HTX địa phương hoạt động theo mô hình công ty: là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Cơ cấu tổ chức của Quỹ địa phương cơ bản giống Quỹ HTX Việt Nam, bao gồm: Chủ tịch Quỹ, Kiểm soát viên, Ban điều hành Quỹ (gồm: Giám đốc, các Phó giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc). Quỹ được tổ chức hoạt động theo một trong hai phương thức: Độc lập hoặc ủy thác cho các tổ chức tài chính tại địa phương để quản lý.

+ Đối với Quỹ HTX địa phương hoạt động theo mô hình HTX: là tổ chức tài chính, hoạt động theo mô hình HTX. Cơ cấu tổ chức của Quỹ gồm: Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Ban điều hành Quỹ (gồm: Giám đốc, các Phó giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc). Quỹ được tổ chức hoạt động theo một trong hai phương thức: Độc lập hoặc ủy thác cho các tổ chức tài chính tại địa phương để quản lý.

Hoạt động của Quỹ HTX:

- Hoạt động cho vay: Quỹ HTX thực hiện hoạt động cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX; thành viên của tổ hợp tác, HTX (trừ đối tượng thành viên HTX là doanh nghiệp); Liên minh HTX Việt Nam, UBND cấp tỉnh quy định đối tượng được ưu tiên cho vay từ Quỹ HTX căn cứ vào chiến lược phát triển của Quỹ đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện vay (thuộc đối tượng cho vay của Quỹ, khách hàng vay vốn là pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật. Khách hàng vay vốn là cá nhân phải đủ 18 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng có dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh được Quỹ HTX thẩm định, đánh giá là khả thi và có khả năng hoàn trả nợ vay, thực hiện quy định về bảo đảm tiền vay. Khách hàng có vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu là 20% tổng vốn đầu tư dự án, phương án sản xuất kinh doanh; tại thời điểm giải ngân lần đầu tiên của Quỹ sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng).

Mức vốn vay, thời hạn cho vay, bảo đảm tiền vay, cơ cấu thời gian trả nợ, xử lý nợ do Quỹ HTX thỏa thuận với khách hàng xem xét, quyết định. Theo đó, lãi suất cho vay của Quỹ thấp hơn so với lãi suất cho vay thương mại tại các tổ chức tín dụng; thời hạn cho vay vốn được xem xét phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của khách hàng; Mức vay vốn phù hợp với phương án sử dụng vốn vay, khả năng tài chính, khả năng hoàn trả vốn vay, bảo đảm tiền vay của khách hàng, giới hạn cho vay. Khách hàng được vay cả vốn lưu động bên cạnh vốn vay đầu tư dài hạn và được xem xét vay không có tài sản bảo đảm sau khi thỏa thuận với Quỹ, phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm.

- Hoạt động huy động vốn: Quỹ HTX Việt Nam, Quỹ HTX địa phương hoạt động theo mô hình công ty thực hiện huy động vốn theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Quỹ HTX địa phương hoạt động theo mô hình HTX thực hiện huy động vốn trên địa bàn theo quy định của Luật HTX và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Việc quy định huy động vốn của Quỹ HTX góp phần tạo thêm nguồn lực tài chính cho Quỹ để hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn của Quỹ.

- Hoạt động khác: Quỹ HTX được thực hiện các hoạt động dịch vụ tư vấn đầu tư, tài chính và thực hiện các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, đào tạo cho các khách hàng vay vốn của Quỹ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nguồn vốn hoạt động của Quỹ HTX

Nguồn vốn hoạt động của Quỹ HTX gồm: (i) Vốn chủ sở hữu (vốn điều lệ, các Quỹ: quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính; vốn hình thành từ các khoản tài trợ, viện trợ, đóng góp không phải hoàn trả của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản; chênh lệch thu chi chưa phân phối, lỗ lũy kế chưa xử lý; vốn khác thuộc sở hữu của Quỹ; (ii) Vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước; (iii) Các khoản hỗ trợ có hoàn lại của Nhà nước (nếu có) cho Quỹ hoạt động theo mô hình HTX thực hiện theo quy định tại Luật HTX; (iv) Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có). Trong đó, vốn điều lệ của Quỹ hoạt động theo mô hình công ty do ngân sách nhà nước cấp: Quỹ HTX Việt Nam là 1.000 tỷ đồng, Quỹ HTX địa phương tối thiểu là 20 tỷ đồng.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ HTX

Đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ HTX là điểm mới trong Nghị định. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm của Quỹ HTX thông qua các chỉ tiêu đánh giá góp phần quản lý giám sát hiệu quả của Quỹ HTX trong việc hỗ trợ các HTX. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động bao gồm: Tăng trưởng dư nợ cho vay; tỷ lệ nợ xấu; kết quả tài chính hàng năm; tình hình chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn của Quỹ, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, chế độ báo cáo tài chính.

Khi tính toán các chỉ tiêu này, Quỹ được loại trừ các yếu tố khách quan về thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và các nguyên nhân bất khả kháng khác; thay đổi chính sách của Nhà nước ảnh hưởng đến hoạt động của Quỹ. Liên minh HTX cùng cấp thực hiện giao chỉ tiêu và đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm cho Quỹ HTX hoạt động theo mô hình công ty. Đại hội thành viên giao chỉ tiêu và đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm cho Quỹ hoạt động theo mô hình HTX.

Giải thể, phá sản và chuyển đổi mô hình Quỹ HTX

- Các trường hợp giải thể Quỹ HTX: Quỹ HTX giải thể khi không có đủ vốn điều lệ tối thiểu theo quy định; bị các cơ quan có thẩm quyền đánh giá xếp loại C trong 05 năm liên tiếp và tỷ lệ giá trị dư nợ cho vay (không bao gồm các khoản nhận ủy thác cho vay) trên vốn chủ sở hữu thấp hơn 20% trong 05 năm liên tiếp; tỷ lệ nợ xấu của Quỹ trên tổng dư nợ cho vay cao hơn 50% vốn điều lệ thực có của Quỹ trong 05 năm liên tiếp; lũy kế chênh lệch thu chi âm lớn hơn hoặc bằng 75% số vốn điều lệ thực có của Quỹ trong 05 năm liên tiếp; các trường hợp giải thể khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với Quỹ HTX Việt Nam; UBND cấp tỉnh đối với Quỹ hoạt động theo mô hình công ty; đại hội thành viên đối với Quỹ hoạt động theo mô hình HTX.

- Quỹ HTX phá sản thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản và Điều 55 Luật HTX (đối với Quỹ HTX hoạt động theo mô hình HTX).

- Chuyển đổi mô hình hoạt động: Quỹ HTX được chuyển đổi mô hình hoạt động từ mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do hình HTX hoặc ngược lại. Thẩm quyền quyết định chuyển đổi mô hình theo các cấp thẩm quyền quy định tại Nghị định.

Ngoài ra, Nghị định số 45/2021/NĐ-CP cũng quy định điều kiện, quy trình thành lập mới Quỹ HTX địa phương; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý Quỹ HTX; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm các chức danh quản lý của Quỹ HTX, chế độ báo cáo của các Quỹ HTX theo định kỳ 6 tháng, 1 năm; trách nhiệm của các Bộ, ngành (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Hội đồng nhân dân và UBND cấp tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX cấp tỉnh nơi có Quỹ HTX triển khai thực hiện Nghị định. Đối với các Quỹ HTX đã thành lập và đang hoạt động trước thời điểm Nghị định số 45/2021/ NĐ-CP có hiệu lực được phép tối đa trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực rà soát, tổ chức sắp xếp lại Quỹ tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định mới.

Nghị định số 45/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành đã góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX từ trung ương đến địa phương, tạo điều kiện cho các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy hiệu quả kinh tế tập thể theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, hiện thực hóa chính sách, chủ trương phát triển kinh tế HTX trong thời kỳ mở cửa hội nhập, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội XIII đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;

2. Bộ Chính trị, Kết luận số 56-KL/TW, Ngày 21/02/2013 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;

3. Chính phủ, Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.

(*) ThS. Trần Thị Thương Hiền - Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính); ThS. Lưu Sơn Trường - Ban Tài chính Sư đoàn 361 Quân chủng Phòng không Không quân.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021.