Có tránh được cơ chế “xin - cho”?
Theo thống kê, tổng công suất đã phát điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ cả nước ước đạt 3.600 MW, đóng góp trung bình hằng năm hơn 14 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia, chiếm khoảng 6,5% sản lượng điện toàn hệ thống năm 2020. Tính đến tháng 6/2021, trên toàn hệ thống điện quốc gia có khoảng 457 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất lắp đặt 4.698 MW.
Tuy nhiên, phần lớn các nhà máy thủy điện nhỏ khắp cả nước đứng trước nguy cơ đảo lộn hoạt động, thay đổi phương án kinh doanh, phương án trả nợ ngân hàng… với kiến nghị sửa đổi Biểu giá chi phí tránh được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công thương ngày 20/9/2021.
Mục đích của cơ chế chi phí tránh được nhằm khuyến khích các nhà máy điện phát điện tại các khung giờ có nhu cầu sử dụng điện cao với mục đích góp phần giải quyết bài toán thiếu công suất, quá tải lưới điện, điện áp thấp, góp phần vận hành ổn định cho hệ thống điện quốc gia. Cơ chế chi phí tránh được áp dụng cho thủy điện nhỏ do Bộ Công thương ban hành tại Quyết định 18/QĐ- BCT và sau này thay thế bằng Thông tư 32/2014/TT-BCT.
Vấn đề đặt ra là hiện nay, ở miền trung và miền nam có thêm các nguồn điện mặt trời, điện gió, bởi vậy có những thời điểm hệ thống điện xảy ra hiện tượng thừa nguồn miền trung - nam hoặc quá tải lưới điện liên kết giữa các miền nam, trung và miền bắc do các nguồn điện mặt trời/gió phát cao.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia phải thực hiện tiết giảm công suất phát của tất cả các loại hình nguồn điện, trong đó có các nhà máy thủy điện nhỏ. Với lý do an toàn hệ thống điện, việc bị cắt giảm công suất khiến nhiều nhà máy thủy điện nhỏ đành “ngậm ngùi”, bởi nếu xét về yếu tố kinh tế, càng huy động nhiều công suất thủy điện nhỏ, EVN càng tiết kiệm được chi phí do thủy điện hiện có giá thấp nhất trong các loại điện năng hiện nay.
Tuy thủy điện là nguồn năng lượng xanh, sạch và góp phần giảm giá thành của EVN, nhưng những đề xuất mới đây của EVN lại khiến các nhà máy thủy điện nhỏ lo lắng tựa “ngồi trên lửa”. Cụ thể, EVN đề xuất Bộ Công Thương sửa đổi Thông tư 32/2014/TT-BCT theo hướng quy định: Hằng năm, EVN sẽ tính toán báo cáo Bộ Công thương xem xét, phê duyệt giờ được hưởng giá công suất tránh được cho các nhà máy thủy điện nhỏ, theo từng miền, theo từng mùa…
Tức là thay vì quy định thống nhất và áp dụng công bằng, công khai minh bạch giữa các nhà máy điện như hiện nay, EVN đề xuất sửa Thông tư 32/2014/TT-BCT cho họ quyền được áp dụng với mỗi nhà máy mỗi khác, mỗi vùng miền một cơ chế, một quy định khác nhau. Đồng nghĩa việc EVN được trao quyền rất lớn.
Vấn đề đặt ra là, cơ chế nào sẽ bảo đảm việc thực thi của EVN là công bằng, minh bạch, tránh cơ chế “xin - cho”?
Và các nhà máy thủy điện sẽ luôn phải trong cảnh “lo ngay ngáy” vì mỗi năm, mỗi thời điểm lại phải thực thi và tuân thủ các quy định khác nhau, không thể lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh chủ động.