Còn nhiều dư địa cho cải cách thủ tục hành chính
Có 10/12 thủ tục hành chính khi được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đã giảm thời gian thực hiện. Tuy vậy, vẫn còn những con số đáng lưu tâm thông qua phản ánh của doanh nghiệp.
Đây là nội dung trong báo cáo "Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành - Khảo sát doanh nghiệp năm 2022", do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan vừa công bố.
Giảm chi phí tuân thủ pháp luật
Tính đến ngày 17/10/2022, cơ chế một cửa quốc gia đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 doanh nghiệp. Cơ chế này cho phép doanh nghiệp cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan nhà nước trên một nền tảng duy nhất, hợp lý hoá thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan tại cửa khẩu và tiết kiêm chi phí cho doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, đa phần doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc thực hiện Cơ chế với phương thức xử lý hồ sơ từ trực tiếp sang trực tuyến.
Có thể thấy rõ được điều này thông qua chi phí và thời gian thực hiện thủ tục (Chi phí tuân thủ pháp luật), chẳng hạn, có 10/12 thủ tục hành chính ghi nhận giảm chi phí khi làm thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia, chi phí thực hiện thủ tục giảm từ 148.000 đồng/thủ tục đến 3.845.000 đồng/thủ tục. Trong đó, thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh rời cảng biển quốc tế giảm nhiều chi phí nhất; thủ tục cấp xuất xứ C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) giảm thời gian thực hiện 10 giờ, chi phí giảm 666.000 đồng; Thủ tục nhập khẩu tiền chất công nghiệp giảm thời gian thực hiện 22 giờ, chi phí giảm 735.000 đồng; thủ tục nhập khẩu xe cơ giới giảm thời gian thực hiện 17 giờ, chi phí giảm 706.000 đồng…
Trong bối cảnh đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới theo hướng cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp… Đặc biệt các bộ, ngành đã bắt đầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành ở các mức độ, hình thức khác nhau; chuyển đổi thời điểm kiểm tra chất lượng đối với hàng hoá nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Vẫn còn 58,92% doanh nghiệp gặp… khó
Tuy vậy, kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có đánh giá tích cực đối với những thay đổi giữa thực hiện thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia và phương thức truyền thống cũng giảm so với năm 2019. Chẳng hạn, ở nội dung Đánh giá về sự "minh bạch trong theo dõi tiến độ giải quyết", là hạng mục có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực giảm nhiều nhất, tới 14% (từ 82% năm 2019 xuống còn 68% năm 2022). Hay, tỷ lệ đánh giá tích cực về "biểu mẫu tờ khai rõ ràng", giảm 12%, về "giảm lượng giấy tờ phải nộp", giảm 8% và "giải đáp thắc mắc" giảm 8%. Đáng quan tâm hơn, mức độ thuận lợi về thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa chỉ được các doanh nghiệp đánh giá ở mức trung bình, khi mà khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong tuân thủ thủ tục này vẫn khá phổ biến.
Khảo sát chỉ rõ, có 58,92% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ gặp phải ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ thủ tục; 39% doanh nghiệp cho rằng nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lặp là khó khăn thường gặp nhất; 12% doanh nghiệp đánh giá "thái độ không đúng mực của công chức" là lý do gây trở ngại cho họ khi tuân thủ; 59,1% doanh nghiệp được hỏi cho biết không trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính; 35,8% doanh nghiệp được hỏi không muốn cung cấp thông tin và 5,1% doanh nghiệp thừa nhận đã từng thực hiện hành vi này.
Những lý do doanh nghiệp đưa ra về việc thường xuyên phải trả chi phí không chính thức là vì lo bị kéo dài thời gian làm thủ tục; lo bị gây khó dễ cho những lần làm thủ tục sau và lo bị yêu cầu bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định.
Từ thực tế này, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan như sớm ban hành Dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia; thì các bộ, ngành liên quan cần tăng cường hướng dẫn cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục liên quan; đồng thời xây dựng cơ chế thu thập phản ánh các vướng mắc trong quá trình thực hiện Cơ chế; cập nhật thường xuyên về chính sách và quy định, chức năng hỏi đáp Cơ chế một cửa quốc gia…; nhất là áp dụng hồ sơ điện tử triệt để hơn vì tình trạng vừa làm trên giấy, vừa làm trên mạng còn phổ biến.