Công bố thông tin bằng tiếng Anh hỗ trợ nâng hạng thị trường chứng khoán
Doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng tuân thủ công bố thông tin bằng song ngữ Anh – Việt sẽ hỗ trợ nâng hạng thị trường chứng khoán và thu hút vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.
Ông Phan Lê Thành Long – Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc AFA Group và Tổng Giám đốc Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) đã có những trao đổi với Tạp chí Tài chính về nội dung xung quanh quy định doanh nghiệp niêm yết và đại chúng phải công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh theo quy định tại Thông tư số 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Phóng viên: Từ ngày 01/01/2025, các doanh nghiệp niêm yết và đại chúng quy mô lớn sẽ phải thực hiện công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh. Quy định này có tác động như thế nào đối với doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Phan Lê Thành Long: Việc công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh là nền tảng để các doanh nghiệp niêm yết và đại chúng quy mô lớn nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung tiếp cận với thị trường vốn quốc tế. Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam được đảm bảo quyền lợi nhờ dễ dàng tiếp cận thông tin công khai và minh bạch để ra quyết định phù hợp với các khoản đầu tư.
Như vậy, công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh theo quy định của Thông tư số 68/2024/TT-BTC vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của các doanh nghiệp niêm yết và đại chúng quy mô lớn. Lợi ích là khả năng thu hút vốn trên thị trường vốn quốc tế với chi phí vốn thấp hơn nhờ tính minh bạch thông tin, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trách nhiệm là tuân thủ quy định hiện hành và đồng thời góp phần nâng cao chất lượng công bố thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ nâng hạng thị trường chứng khoán và thu hút vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. Chi phí để công bố thông tin bằng tiếng Anh sẽ rất nhỏ so với lợi ích và tính thực thi trách nhiệm đem lại cho doanh nghiệp.
Phóng viên: Đối với một số doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn nhưng chưa có sẵn năng lực công bố thông tin bằng tiếng Anh, đâu là điều cần lưu ý để tuân thủ quy định cũng như đảm bảo chất lượng công bố thông tin?
Ông Phan Lê Thành Long: Việc đầu tiên đối với doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn là nắm bắt các quy định bắt buộc về công bố thông tin bằng tiếng Anh trong Thông tư số 68/2024/TT-BTC để đưa vào quy chế và quy trình công bố thông tin của doanh nghiệp.
Tiếp theo, với sự phát triển của công nghệ và Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay, doanh nghiệp có thể ứng dụng AI trong việc hỗ trợ công bố thông tin đa ngôn ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh đồng thời.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần thiết lập quy chế và thực thi giám sát chất lượng công bố thông tin đa ngôn ngữ đảm bảo tính tuân thủ quy định trong Thông tư số 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính và nâng cao tính chủ động và chất lượng công bố thông tin bằng tiếng Anh thông qua bộ phận kiểm toán nội bộ.
Phóng viên: Thông tư số 68/2024/TT-BTC đã quy định rõ ràng về lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh của công ty đại chúng từ năm 2025 đến năm 2028. Ông có nhận định thế nào về lộ trình này?
Ông Phan Lê Thành Long: Lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh trong Thông tư số 68/2024/TT-BTC đầu tiên hướng tới các doanh nghiệp có quy mô lớn và công bố thông tin định kỳ, đặc biệt các báo cáo định kỳ như báo cáo thường niên, báo cáo tài chính, báo cáo quản trị... từ ngày 01/01/2025. Các doanh nghiệp quy mô lớn công bố thông tin bất thường, thông tin theo yêu cầu và thông tin khác sẽ bắt buộc từ ngày 01/01/2026. Toàn bộ các doanh nghiệp đại chúng bắt buộc công bố thông tin bằng tiếng Anh từ ngày 01/01/2027. Lộ trình trên là phù hợp với mục tiêu trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 của Chính phủ.
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán mà Chính phủ đặt ra là nâng hạng thị trường chứng khoán lên hạng mới nổi sơ cấp vào năm 2025. Công bố thông tin bằng tiếng Anh, một trong những tiêu chí nâng hạng, được áp dụng sớm nhất từ ngày 01/01/2025 đối với doanh nghiệp quy mô lớn là để đáp ứng tiêu chí này. Các doanh nghiệp quy mô lớn cũng sẽ là đối tượng để hút vốn đầu tư quốc tế khi thị trường chứng khoán được nâng hạng.
Phóng viên: Ông có kỳ vọng gì về tác động của quy định này đối với sự minh bạch và hội nhập quốc tế của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn?
Ông Phan Lê Thành Long: Nâng hạng thị trường chứng khoán là mục tiêu có tính bước ngoặt. Tuy nhiên, sau khi được nâng hạng, vấn đề đặt ra là nâng cao chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán để thu hút vốn thực sự. Điều này có thể thực hiện thông qua nâng cao chất lượng quản trị công ty trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia vào Thẻ điểm quản trị công ty khối ASEAN (ACGS). Để tham gia ACGS, mỗi quốc gia sẽ lựa chọn tối thiểu 100 doanh nghiệp có công bố thông tin bằng tiếng Anh để đưa vào đánh giá. Trong kỳ đánh giá gần nhất, Việt Nam chỉ lựa chọn được 69 doanh nghiệp niêm yết có công bố thông tin bằng tiếng Anh. Điều này dẫn tới điểm đánh giá đối với thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đạt điểm trung bình.
Mở rộng số lượng doanh nghiệp niêm yết và đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Anh sẽ hỗ trợ điểm số và xếp hạng của Việt Nam trong ACGS, góp phần quan trọng nâng cao uy tín của thị trường chứng khoán và hút vốn quốc tế vào Việt Nam.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!