Công khai minh bạch nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ
Ngày 09/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó, yêu cầu cắt giảm mạnh các thủ tục, chi phí không cần thiết và việc xây dựng cơ chế bảo vệ, hỗ trợ đặc biệt đối với doanh nghiệp tố cáo hành vi nhũng nhiễu là những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết.
Cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp
Trước thực tiễn cho thấy, còn hạn chế, bất cập và cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tuy có cải thiện đáng kể nhưng thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực. Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh như đã nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/1/2018 của Chính phủ, đảm bảo tuân thủ Điều 7 Luật Đầu tư 2014; Rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật theo hướng không quy định các nội dung có tính chất điều kiện kinh doanh.
Cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; Tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định; Khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh.
Tại Nghị quyết, Chính phủ chỉ đạo, Bộ Tài chính chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện đầy đủ việc xây dựng Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN và Thuận lợi hóa thương mại; 6 tháng một lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện và giải pháp cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này; Đồng thời, thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa,cung cấp dịch vụ của Chính phủ, tại các trạm thu tiền dịch vụ đường bộ của các dự án BOT theo đúng lộ trình, thực hiện kết nối điện tử giữa trạm thu giá và cơ quan thuế theo lộ trình của Bộ Tài chính; chia sẻ thông tin cho Bộ Giao thông vận tải khi cần để đàm phán với chủ đầu tư và làm cơ sở cho các nghiên cứu dự án mới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng làm rõ khái niệm, nội hàm cụm từ "điều kiện kinh doanh" để làm cơ sở đánh giá, theo dõi hệ thống quy định pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Đảm bảo phân biệt rõ khái niệm điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật.
Chính phủ cũng yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đơn giản hóa mẫu biểu, tờ khai về đăng ký doanh nghiệp; Giảm thành phần giấy tờ trong hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục thuế xây dựng cơ chế liên thông về đăng ký thành lập doanh nghiệp, khai báo nộp thuế, khai báo lao động và khai báo đối tượng người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội.
Về chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh, trong đó chi phí tín dụng và dịch vụ ngân hàng, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho các ngân hàng thương mại nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay khi có điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào...
Công khai minh bạch nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ
Cùng với việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp; Xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình; Đảm bảo quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.
Bên cạnh đó, công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích các điểm chưa rõ, khó hiểu trong quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh trên Cổng thông tin điện tử; Trường hợp pháp luật không rõ, không giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp; Thống nhất áp dụng pháp luật cho các trường hợp tương tự, không phân biệt đối xử.
Thanh tra Chính phủ tăng cường thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Công khai minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt là nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ ở mọi cán bộ công chức, ở mọi cấp chính quyền.
Đặc biệt tại Nghị quyết, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng cơ chế bảo vệ, hỗ trợ đặc biệt đối với doanh nghiệp tố cáo hành vi nhũng nhiễu trong thời gian xử lý vụ việc và 2 năm sau khi doanh nghiệp tố cáo để ngăn ngừa các hành vi trù dập doanh nghiệp (nếu có). Trực tiếp thanh tra kết luận các tiêu cực, nhũng nhiễu, xử lý đúng quy định pháp luật các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.