Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:
Công khai, minh bạch, tận tâm để người dân và doanh nghiệp hiểu thì không ngại vấn đề nóng
(Tài chính) Chiều ngày 10/6 và đầu giờ sáng 11/6, tại phiên toàn thể của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội xung quanh 4 vấn đề của ngành Tài chính được đông đảo cử tri cả nước quan tâm, đó là: Vấn đề nợ công, khả năng cân đối để đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia; vấn đề cân đối thu – chi ngân sách, kỷ luật tài khóa; công tác quản lý, kiểm soát và bình ổn giá; vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết, trả lời chất vấn trước các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng có thấy áp lực không?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Cũng có một chút vì những vấn đề các đại biểu nêu ra đều là vấn đề lớn của đất nước và là nhiệm vụ chính của ngành Tài chính, có tác động rất lớn đến thực hiện nhiệm vụ chính trị trong toàn ngành, đồng thời đều là những vấn đề được đông đảo cử tri cả nước quan tâm. Tuy nhiên, nói thật, tôi thấy rất phấn khởi, bởi hai lẽ:
Thứ nhất, nhiệm vụ của ngành tài chính được Đảng và Nhà nước giao phó rất nặng nề. Những vấn đề mà các đại biểu chất vấn cho thấy, các đại biểu quốc hội và đông đảo cử tri rất quan tâm đến công việc của ngành tài chính, các lĩnh vực được đề cập đến rất đúng, rất trúng, đều là việc lớn của ngành, có tính thời sự cao. Chỉ có hiểu rõ, ủng hộ, sẵn sàng chia sẻ thì mới quan tâm được như vậy. Tôi rất mừng.
Thứ hai, tôi cho rằng đây là dịp tốt để báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước về công việc mà Bộ Tài chính đang tận tâm, tận lực thực hiện. Được nói về công việc của mình đang làm, được các đại biểu Quốc hội góp ý, được giải trình cho rõ ràng, được tiếp thu đóng góp của đại biểu Quốc hội… tôi nghĩ, đây cũng là một cơ hội tốt của ngành Tài chính.
Trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng có nói về vấn đề kỷ cương, kỷ luật tài chính trong thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN). Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể hơn?
Có thể nói kỷ cương, kỷ luật tài chính trong thu, chi NSNN đã và đang được ngành Tài chính rất chú trọng trong triển khai thực hiện, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Các nhóm giải pháp cơ bản được tập trung triển khai thực hiện như:
Về thu NSNN, trong thời gian qua các cơ quan thuế, hải quan đã đề ra nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý thu, đấu tranh xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, hoàn thuế sai quy định, truy thu, truy hoàn cho NSNN. Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn chậm được cải thiện.
Để khắc phục, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tập trung thực hiện một số giải pháp như: (i) Hoàn thiện cơ chế chính sách thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện đúng pháp luật thuế; (ii) Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm; (iii) Bố trí cơ cấu lại nguồn nhân lực, tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ ở cơ quan thuế các cấp; (iv) Đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính thuế và công tác hiện đại hoá, kê khai thuế qua mạng, phối hợp thu thuế qua hệ thống ngân hàng; (v) Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các vi phạm về thuế; đồng thời tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương với trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ công chức ngành Tài chính.
Quan điểm chỉ đạo trong quản lý giá cả nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu là phải theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để doanh nghiệp cung ứng cho thị trường sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Do vậy, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá theo quy định của pháp luật, qua đó góp phần bình ổn thị trường giá cả, ổn định đời sống nhân dân.
Có thể khẳng định, các biện pháp quản lý, bình ổn giá và chủ động làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, nên cung hàng hóa, dịch vụ được đảm bảo, nhất là nguồn cung lương thực, thực phẩm, giao thông công cộng hàng hóa thiết yếu. Đây là yếu tố quan trọng góp phần bình ổn thị trường, giá cả trong các tháng đầu năm 2014. Đặc biệt, thời gian cao điểm trước, trong và sau tết Nguyên Đán, không địa phương nào xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Chỉ số giá 5 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 1,08% so với tháng 12/2013. Đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ một số năm trở lại đây, tạo thuận lợi cho điều hành chính sách vĩ mô, thực hiện mục tiêu CPI năm 2014 ở mức 7,0% như Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Tôi xin nêu một ví dụ cụ thể, trong những tháng qua, giá sữa luôn là vấn đề nóng, trong tháng 3/2014, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế và giá tại 05 doanh nghiệp sữa. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã được Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, xử lý vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp sai phạm; truy thu ngân sách các khoản doanh nghiệp nộp thiếu. Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ áp dụng biện pháp quy định giá tối đa với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Giá sữa hiện nay đã có những dấu hiệu tích cực được người tiêu dùng đồng tình và an tâm.
Bộ Tài chính là một trong những Bộ luôn có những vấn đề nóng vì chính sách liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, chẳng hạn như chính sách thuế, phí và lệ phí, giá xăng dầu, giá sữa, giá tiêu dùng... Bộ trưởng có thấy áp lực cao?
Tôi cho rằng, công khai minh bạch, tận tâm vì công việc để người dân và doanh nghiệp đều thấy, đều hiểu thì không ngại đối diện với các vấn đề nóng. Vấn đề nóng chúng ta càng công khai, minh bạch, và sẵn sàng đối thoại thì càng dễ tạo được sự đồng thuận. Không công khai, minh bạch, không đối thoại được với nhau, đấy mới là điều đáng lo ngại.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!