Công nghiệp bán dẫn-động lực mới của Bắc Ninh


Là điểm đến được các tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn lựa chọn, tỉnh Bắc Ninh đang tham gia mạnh mẽ vào hệ sinh thái bán dẫn trong nước và khu vực. Với những nỗ lực không ngừng, Bắc Ninh mong muốn trở thành đối tác tin cậy và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh.

Công nhân Công ty Samsung Electronics Việt Nam vận hành hệ thống sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử.
Công nhân Công ty Samsung Electronics Việt Nam vận hành hệ thống sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu Bắc Ninh tận dụng tiềm năng, phấn đấu đến năm 2030 là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước.

Những “cú huých” tạo đà

Ngày 11/10 vừa qua, tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C (huyện Yên Phong), Tập đoàn Amkor khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam sau hai năm xây dựng, ghi dấu mốc khởi đầu quan trọng giúp Bắc Ninh chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn. Ðây là nhà máy bán dẫn tiên tiến nhất của Amkor trên toàn cầu và là nhà máy bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam tới thời điểm này.

Ông Ji Jong Rip - Tổng Giám đốc toàn cầu của Tập đoàn Amkor cho biết, đến thời điểm này, đã có nhiều khách hàng và đối tác quan trọng đến nhà máy tìm hiểu cơ hội đầu tư. Với hạ tầng hoàn thiện, tập đoàn đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực để có thể đi vào sản xuất sớm nhất. Tập đoàn đang tập trung quảng bá công nghệ bán dẫn đến với các bạn hàng và đối tác, đồng thời quảng bá thương hiệu của Việt Nam ra toàn cầu.

Việt Nam đang rất chú trọng tới thúc đẩy công nghệ cao, Tập đoàn Amkor cam kết sẽ đồng hành tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam, đưa hệ bán dẫn của tỉnh Bắc Ninh và Việt Nam ra thị trường thế giới.

Trước Amkor, từ năm 2008, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam chính thức được thành lập tại Bắc Ninh. Sau 15 năm, đến nay Samsung đã có thêm hai nhà máy mới và tổng vốn đầu tư của tập đoàn tại Bắc Ninh khoảng 10 tỷ USD. Ðáng chú ý, sự xuất hiện của Samsung đã kéo theo nhiều doanh nghiệp vệ tinh cùng đến đầu tư, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa và đưa Bắc Ninh từ một tỉnh thuần nông khi mới thành lập trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và là cứ điểm ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam.

Những đối tác quen thuộc của Tập đoàn Apple tại Việt Nam là Foxconn và Goertek cũng triển khai tăng vốn, mở thêm nhà máy, cho thấy quy mô của ngành điện tử tại Bắc Ninh đã đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, mở ra những cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ động đón bắt xu hướng dịch chuyển đầu tư mới, nhất quán mô hình “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng” (ít đất, ít sử dụng lao động; vốn đầu tư FDI cao, công nghệ cao, hiệu quả cao; sẵn sàng mặt bằng, sẵn sàng nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cơ chế, sẵn sàng hỗ trợ giải quyết khó khăn), nên thời gian qua, dù quy mô diện tích nhỏ nhất cả nước, Bắc Ninh vẫn là một trong những địa phương hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào bậc nhất.

Hiện tại, số dự án FDI cấp mới trên địa bàn đã tăng gấp 2,8 lần và tăng 3,3 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Ðến ngày 20/11/2023, Bắc Ninh đã cấp mới 349 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 1 tỷ 57 triệu USD. Lũy kế đến nay, tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho 2.109 dự án còn hiệu lực với tổng vốn 24,941 tỷ USD đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Sản xuất, lắp ráp linh kiện bán dẫn tại Khu công nghiệp Quế Võ.
Sản xuất, lắp ráp linh kiện bán dẫn tại Khu công nghiệp Quế Võ.

Từ “thu hút” sang “hợp tác” đầu tư

Phát huy lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý, có môi trường đầu tư thông thoáng, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài thật sự trở thành động lực quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội, đưa Bắc Ninh trở thành địa phương có nền kinh tế năng động với nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn nhận là nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh nhưng thường không sẵn sàng chuyển giao bí quyết công nghệ. Do vậy, công nghiệp chế biến-chế tạo trên địa bàn vẫn chủ yếu dừng lại ở công đoạn gia công, lắp ráp, đóng gói, giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian.

Mặt khác, kinh tế Bắc Ninh có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, nên các hoạt động đều chịu sự tác động, ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, nên lần đầu tiên sau hàng chục năm, Bắc Ninh dự báo có mức tăng trưởng GRDP âm 6,18%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 78,9% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước ước đạt 88,4% dự toán; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị cao hơn kế hoạch 0,6%,…

Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, để phát huy được các lợi thế từ nguồn vốn FDI, Bắc Ninh đặt ra mục tiêu mới, từng bước chuyển từ “thu hút” vốn FDI, sang “hợp tác” với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng và cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường.

Hiện tỉnh Bắc Ninh cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích hơn 260 ha, quy mô người lao động khoảng 20 nghìn người. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng, là trung tâm điện tử, linh kiện, vi mạch bán dẫn của vùng trung du miền núi phía bắc, Vùng Thủ đô Hà Nội, góp phần nâng sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và nâng cao vị thế thương hiệu công nghệ thông tin Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, để làm ra một sản phẩm bán dẫn, có ba khâu cơ bản gồm: thiết kế, thử nghiệm và đóng gói. Tại Bắc Ninh, để đa dạng hóa chuỗi giá trị ngành bán dẫn cần tăng cường năng lực tự chủ để tạo giá trị gia tăng lớn hơn trong khâu thiết kế và lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm, đồng thời tạo điều kiện về mặt chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào mảng sản xuất.

Muốn vậy, tỉnh cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn có thể liên kết, hợp tác. Ðồng thời, tỉnh cần có chính sách kết nối giữa tỉnh và trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia để tạo ra hệ sinh thái dần dần hoàn chỉnh.

Với lợi thế của người đi sau, cùng những chiến lược, mục tiêu rõ ràng, không ngừng học hỏi, hy vọng trong thời gian không xa, Bắc Ninh sẽ xây dựng được những doanh nghiệp có đủ tầm cỡ, bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài một cách bình đẳng để chia sẻ các bí quyết về công nghệ, chia sẻ lợi nhuận, lợi ích từ nguồn vốn FDI. Cùng với đó, từng bước tạo ra các sản phẩm “Make in Viet Nam” theo hướng xanh, bền vững ngay trên địa bàn tỉnh và là một mắt xích quan trọng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo nhandan.vn