Công nghiệp ô tô có đuổi kịp xu thế mới?

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Xe ô tô tích hợp các công nghệ 4.0 vẫn là điều mới mẻ tại Việt Nam và chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia, kể cả trong lĩnh vực xe hơi lẫn phát triển phần mềm. Việc bắt kịp xu thế mới vẫn là mong mỏi cho công nghiệp ô tô Việt, nhưng cũng cần hết sức tỉnh táo để tránh những bước đi sai lầm.

 Công nghiệp ô tô Việt đang có những chuyển biến nhất định. Nguồn: Internet
Công nghiệp ô tô Việt đang có những chuyển biến nhất định. Nguồn: Internet

Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt trong thời gian tới có thể sẽ được đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với xu thế mới. Lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết đã và đang nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh này.

Điều chỉnh chiến lược

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, các doanh nghiệp (DN) Việt trong ngành công nghiệp ô tô đang đau đáu các hướng đi mới, mà tựu trung lại là làm sao để sản phẩm tiêu thụ hiệu quả.

Trên thực tế, từ năm 2016, sản lượng và tỷ lệ xe sản xuất lắp ráp trong nước so với nhu cầu nội địa và mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg đa số vượt mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành ô tô dự báo vào năm 2020 (riêng xe tải đạt 72/78%).

Ngoài ra, ngành này đang chuyển biến nhất định với tổng năng lực sản xuất – lắp ráp ô tô trong nước hiện đạt khoảng 600.000 xe/ năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con, xe tải và xe khách. Một số DN nội thuộc dạng lớn đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, lắp ráp ô tô, đáp ứng được 70% nhu cầu xe trong nước.

Một số chủng loại xe đã đạt được tỷ lệ nội địa hóa tương đối cao như xe tải đến 7 tấn có tỷ lệ nội địa hóa đạt 55%. Còn xe khách từ 24 chỗ ngồi trở lên, tỷ lệ nội địa hóa đạt 45% – 55%, được cho là cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra vào năm 2020.

Một số loại sản phẩm ô tô cũng bước đầu xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…, giúp một phần vào việc giảm nhập siêu.

Chia sẻ tại hội thảo Công nghiệp ô tô Việt trong thời đại công nghiệp 4.0 (CN 4.0) trong khuôn khổ Triển lãm Ô tô Việt Nam – Vietnam Motor Show 2018 tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh ngày 25/10, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành cũng thừa nhận, các DN nhà nước tham gia vào ngành công nghiệp ô tô hiện nay là không đáng kể.

"Ngành cơ khí trong nước lâu nay tương đối vất vả với sản xuất ô tô rồi! Tiếp theo là công nghệ thông tin để áp dụng cho ngành ô tô cũng rất khó khăn. Nhưng khó khăn không có nghĩa là không thể. Và công nghệ 4.0 sẽ là chìa khóa, là cơ hội để tạo bước phát triển mang tính đột phá cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam trong thời gian tới", ông Thành nhấn mạnh.

Lấy xu thế trên thế giới để dẫn chứng, giới chuyên gia cho biết có rất nhiều công ty công nghệ chưa từng tham gia sản xuất xe như Google, Uber, Apple… đều đã lên kế hoạch phát triển xe tự hành.

Xu thế tất yếu

Hoặc như ở nhà máy Bosch (Stuttgart- Feuerbach, Đức), sản lượng hệ thống phanh tự động (ABS) và hệ thống cân bằng điện tử (EPS) đã tăng 25%, đơn giản chỉ bằng cách áp dụng những dây chuyền thông minh và được kết nối. Các xu hướng này sẽ mang đến sự thay đổi lớn chưa từng có cho ngành công nghiệp ô tô trong thời đại công nghệ 4.0.

Trong khi đó, xe hơi tích hợp các công nghệ 4.0 vẫn là điều mới mẻ với ngành công nghiệp ô tô Việt hiện nay, trên thực tế chưa có nhiều công ty tham gia, kể cả trong lĩnh vực sản xuất xe hơi lẫn phát triển phần mềm.

Đây cũng là không gian để các nhà hoạch định chính sách có thể bổ sung thêm những chiến lược cho ngành ô tô Việt phù hợp xu thế mới.

Thực ra, hồi tháng 10 năm ngoái, xe ô tô thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do tập đoàn công nghệ trong nước là FPT nghiên cứu và phát triển đã được đưa vào chạy thử nghiệm trong khuôn viên của công ty.

Hoặc như công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh VinFast hiện đang đầu tư, trang bị hàng nghìn robot tự động cho nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Hải Phòng dự kiến sẽ đi vào sản xuất thương mại trong năm 2019.

Ông Nguyễn Nam Khang, Bộ phận Quản lý Sản phẩm của Mercedes-Benz Việt Nam, cho rằng xu thế của ô tô trong tương lai gần sẽ mang các yếu tố Connected (sự kết nối), Autonomous (tự hành), Share and Sevices (chia sẻ tiện ích) và Electric (xe chạy điện).

Còn theo ông Nguyễn Thanh Đàm, Chủ tịch Tập đoàn VAST Group, ngành công nghiệp ô tô Việt trong thời đại công nghệ 4.0 sẽ phải đi theo ba xu hướng tất yếu. Thứ nhất là công nghệ thiết kế, chế tạo và sản xuất phần cứng phù hợp với thời đại mới. Thứ hai là công nghệ phần mềm điều khiển thông minh và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Thứ ba là công nghệ kết nối và giao tiếp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch iBosses Việt Nam, đánh giá ngành ô tô vẫn đang rực rỡ và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với công nghiệp ô tô Việt về đầu tư còn 10 năm nữa để "thắng".

"Tuy nhiên, điều này với Việt Nam sẽ vất vả vô cùng nếu như ngành ô tô trên thế giới bước vào giai đoạn bão hòa, đi qua thời kỳ đỉnh cao và buộc các DN ô tô Việt phải chia lỗ với các "ông lớn" sản xuất ô tô hàng đầu thế giới. Do đó, ngành công nghiệp ô tô Việt cần hết sức tỉnh táo", ông Hòa nhấn mạnh.