Công nghiệp Việt Nam: Hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững

Theo daibieunhandan.vn

Theo đánh giá, sản lượng sản xuất công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp luôn giữ vị trí dẫn đầu trong tất cả các nhóm ngành hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, tại Hội nghị “Tăng trưởng bền vững xuất khẩu sản phẩm công nghiệp” do Bộ Công thương tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, Nhà nước cần phải có chính sách cụ thể mới có thể tạo sức tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hội nhập - gia tăng cạnh tranh

Thực tế, sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt ở hàng chục quốc gia trên thế giới và có sự tăng trưởng đáng kể qua các năm. Cụ thể, theo tính toán đến hết quý III năm nay, thị trường xuất khẩu của một số nước tại khu vực châu Á có sự tăng trưởng mạnh, tập trung vào các nước như Indonesia, Lào, Myanmar, Singapore, Hàn Quốc… với các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như sợi dệt các loại, hàng dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại, sắt thép, giày dép…

Ngoài ra, 9 tháng qua cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của hàng công nghiệp xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Mỹ và Canada, tập trung ở các mặt hàng: dệt may, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tính đến đầu tháng 10 nhóm hàng công nghiệp chế biến đã chiếm đến 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Sở dĩ có được những thành quả này là nhờ vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp mở rộng thị trường. Hơn nữa, Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế, do đó cơ hội mở rộng danh mục các mặt hàng có thể sản xuất và xuất khẩu là rất lớn.

Mặt khác, vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, chủ yếu là vào lĩnh vực công nghiệp, cũng được xem như một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp. Cụ thể, có 19.220 dự án đầu tư còn hiệu lực với số vốn đầu tư đạt hơn 268 tỷ USD, chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan; tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là hơn 17 tỷ USD, tăng trên 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, tại hội thảo, không ít ý kiến cho rằng, các yếu tố thuận lợi trong việc xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đang ít đi dần; ngành công nghiệp cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn. Điều này đe dọa tới việc giữ nhịp độ xuất khẩu bền vững như hiện nay. Cụ thể, quá trình toàn cầu hóa, tham gia FTA làm gia tăng cạnh tranh với doanh nghiệp sản xuất nước ngoài. Bởi với phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn; yêu cầu về chất lượng sản phẩm khắt khe hơn, sản phẩm của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm sản xuất của các nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội cũng như các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào thị trường Việt Nam.

Chia sẻ về những khó khăn của ngành thép hiện nay, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, khi hội nhập quốc tế sâu rộng cũng tạo ra nhiều thách thức đối với xuất khẩu của ngành, đó là sẽ phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu. Vài năm gần đây, thép là một trong những ngành có nhiều nhất các vụ kiện của nước ngoài như chống bán phá giá, tự vệ thương mại. Điều này đã làm giảm đáng kể khối lượng xuất khẩu của ngành thép.

Cần những chính sách cụ thể...

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen kiến nghị cơ quan nhà nước và tổ chức, Hiệp hội tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn để doanh nghiệp vững vàng phát triển trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Cùng với đó, cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của Bộ Công thương trong việc đào tạo chuyên sâu về phòng vệ thương mại, pháp luật cạnh tranh của các nước, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng...

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Sưa, để bảo đảm cho việc xuất khẩu của ngành thép được tăng trưởng bền vững trong bối cảnh hội nhập thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao hiểu biết về hội nhập để tránh những vụ tranh tụng thương mại của các nước nhập khẩu. Ngoài ra, cần tập trung nâng cao năng lực như mở rộng sản xuất, nâng cấp thiết bị và công nghệ, trình độ quản trị, xây dựng thương hiệu để nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm thép Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, Trần Tuấn Anh, để góp phần thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghiệp bền vững nói riêng và nền kinh tế nói chung cần nhiều giải pháp đồng bộ. Bộ Công thương đã và đang phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, Sở Công thương tăng cường tuyên truyền các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, các lợi thế và khả năng tận dụng các ưu đãi để được hưởng lợi từ các hiệp định; tiếp tục nghiên cứu đàm phán các hiệp định mới nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu; quy hoạch và có chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; xác định một số ngành công nghiệp chủ lực để tiếp tục tạo điều kiện phát triển; đa dạng hóa mặt hàng, thị trường để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số mặt hàng, thị trường cụ thể…; tạo sự ổn định vĩ mô, hoàn thiện hơn về mặt pháp lý cho môi trường kinh doanh và môi trường xuất khẩu, thông qua các cải cách hành chính và tháo gỡ các rào cản, các thủ tục hành chính công theo hướng minh bạch hóa, công khai và đơn giản hóa” - Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chiếm tỷ trọng gần 80% cơ cấu hàng xuất khẩu, sản phẩm công nghiệp đang giữ vị trí quan trọng trong danh mục hàng hóa xuất khẩu của nước ta. Để đạt mục tiêu nâng kim ngạch lên 300 tỷ USD vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 11 - 12%/năm, việc nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp cũng như thúc đẩy, mở rộng thị trường để phát triển bền vững là việc cần sớm được triển khai.