Công nghiệp Việt Nam và cơ hội từ RCEP
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chúng ta cần tận dụng cơ hội cũng như phải giảm thiểu các tác động bất lợi đối với ngành công nghiệp sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
RCEP là hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Như là hiệp định thương mại tự do đầu tiên toàn châu Á, RCEP gây ấn tượng với con số các quốc gia tham gia chiếm gần một nửa dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu.
Tương tự như các FTA và cam kết hội nhập khác, RCEP được kỳ vọng mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới thông qua việc cải thiện tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN cùng các đối tác về những nhu cầu hàng hóa, dịch vụ đa dạng hơn. Song, điều mong chờ lớn nhất từ RCEP là sự tham gia của các nước thành viên vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực.
Không chỉ vậy, khu vực sẽ có được môi trường kinh doanh thân thiện với chi phí giao dịch rẻ hơn nhờ vào sự hài hòa giữa các quy định hiện hành trong khuôn khổ các FTA khác nhau của ASEAN.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Thị Tuệ Anh nhấn mạnh, cơ hội từ RCEP đối với ngành công nghiệp của Việt Nam rất lớn, nhưng các doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức, trong đó có việc đáp ứng được các quy tắc xuất xứ; mặc dù nhẹ hơn đôi chút so với FTA Việt Nam - EU nhưng cũng không dễ, nhất là đối với ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn kém phát triển, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Ngoài ra, các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế…
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã nêu rõ, tập trung phát triển 6 ngành công nghiệp ưu tiên bao gồm: Điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, trước hết là doanh nghiệp Nhật Bản, tạo sự lan tỏa công nghệ, kỹ năng đối với ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Do đó, thời gian tới, với sự giúp đỡ của Nhật Bản, Việt Nam cần ưu tiên phát triển các ngành công nghệ để có thể phát triển bền vững: Công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tăng cường chuyển giao công nghệ thông qua liên kết sản xuất, hình thành các vendor là doanh nghiệp trong nước; đào tạo nhân lực ngành công nghiệp thông qua hình thức đào tạo tại chỗ hoặc hợp tác song phương…
Cố vấn cao cấp của JICA Hiroaki Yashiro nhận định, hiện phần lớn các doanh nghiệp nội địa Việt Nam chưa thể tham vào các chuỗi cung ứng doanh nghiệp Nhật Bản. Để có thể tham gia chuỗi cung ứng này thì các doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện năng suất và nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ Nhật Bản.
Một trong những thách thức đối với tư duy quản lý của các doanh nghiệp ngành công nghiệp Việt Nam là bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong dài hạn, bảo hộ sở hữu trí tuệ tốt hơn sẽ giúp các doanh nghiệp có động lực mạnh mẽ hơn để đầu tư vào ngành công nghiệp sáng tạo, tác động tích cực đối với phát triển công nghiệp Việt Nam. Đồng thời, cần có hiểu biết và nắm rõ hàng rào kỹ thuật, sẵn sàng ứng phó với các vụ kiện thương mại và đầu tư.
Rõ ràng, cơ hội và thách thức luôn đan xen trong sân chơi thương mại toàn cầu. Chỉ những doanh nghiệp với sự chuẩn bị tốt mới có thể đi đến thành công. Do đó, Chính phủ và doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng để nắm bắt các cơ hội này.