Công tác quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Ngày 15/2, tại Hà Nội, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã làm việc với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và Công thương về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016. Phó Chủ tịch Quốc hội - Trưởng đoàn giám sát Phùng Quốc Hiển chủ trì. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng chủ trì.
Tham dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh và đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành, đơn vị hữu quan.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2011-2016, những yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý ATTP trong tình hình mới và đề xuất những kiến nghị, giải pháp.
Bộ Y tế cho biết: Từ năm 2011 đến tháng 10/2016, ngộ độc thực phẩm vẫn là thách thức lớn trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội. Toàn quốc có 1.007 vụ với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Trung bình mỗi năm có 167 vụ với 5.065 người mắc và 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 40,2%), do độc tố tự nhiên (chiếm 27,9%), do hóa chất (chiếm 4,3%) và có khoảng 268 vụ không xác định được nguyên nhân.
Báo cáo cũng đánh giá các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến ATTP như tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, sử dụng phụ gia trong chế biến ngày càng phức tạp. Điều kiện vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, sơ chế, giết mổ chưa đáp ứng quy định vệ sinh ATTP. Phần lớn thực phẩm tươi sống chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn diễn biến rất phức tạp.
Thực tế giám sát tại 13 địa phương, Đoàn giám sát nhận thấy, hầu hết các tỉnh đã có quy hoạch sản xuất, giết mổ, chế biến thực phẩm nhưng mới ở bước đầu. Trong khi đó, quản lý vật tư sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập như vấn đề phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, các chế phẩm sinh học sử dụng tràn lan. Hệ thống các chợ đầu mối, chợ dân sinh không được phân định rõ ràng, vệ sinh không bảo đảm.
Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở nông thôn ngày càng nặng nên khó bảo đảm được an toàn trong sản xuất thực phẩm sạch. Những bất cập, hạn chế trong thực hiện vệ sinh ATTP đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sức khỏe người dân. Ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra ở nhiều địa phương nhưng lại không bị xử phạt một cách nghiêm khắc. Dự kiến, Chính phủ sẽ báo cáo vấn đề này với QH vào ngày 3/3 tới.