CPI 2 tháng đầu của năm 2023 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022

PV

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 02 tăng 0,45% so với tháng 01 đã khiến CPI 2 tháng đầu của năm 2023 tăng đến 4,6% so với cùng kỳ năm 2022.

CPI tháng 2 tăng đã khiến CPI bình quân 2 tháng đầu của năm 2023 tăng đến 4,6% so với cùng kỳ năm 2022.
CPI tháng 2 tăng đã khiến CPI bình quân 2 tháng đầu của năm 2023 tăng đến 4,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, so với tháng 01/2023, CPI tháng 2 ghi nhận tăng 0,45%. Trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu có 5 nhóm hàng tăng giá so với tháng 01/2023 và 6 nhóm hàng giảm giá. Nhóm giao thông được ghi nhận là nhóm hàng hóa có chỉ số CPI tăng cao nhất với 2,11% so với tháng trước.

Nguyên nhân được Tổng cục Thống kê lý giải là do giá xăng, dầu tăng 5,66%, tác động làm CPI chung tăng 0,2% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá đầu vào ngày 13/2 và 21/2.

Cùng với đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,58%, trong đó giá dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 32,92%; dịch vụ vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 6,63% do nhu cầu đi lại trong tháng Giêng tăng cao.

Nếu so với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 2/2023 tăng 4,31%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng thiết yêu có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Trong đó, nhóm có chỉ số CPI tăng cao nhất trong tháng 2 so với cùng kỳ năm 2022 là giáo dục với 10,40%.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân là do một số địa phương tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ với khó khăn của người dân trong đại dịch COVID-19. Đồng thời, vào năm học 2022-2023 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng học phí, khiến CPI tháng 2/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước.

CPI tháng 2 tăng đã khiến CPI bình quân 2 tháng đầu của năm 2023 tăng đến 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Tổng cục Thống kê, các yếu tố làm CPI tăng là do nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng 2 tháng đầu năm tăng 7,41% so với cùng kỳ năm trước khi giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào; Bên cạnh đó, giá nhà thuê cũng tăng theo khiến CPI chung tăng 1,39%.

Ngoài ra, giá các mặt hàng thực phẩm 2 tháng đầu năm cũng ghi nhận tăng 4,97% so với cùng kỳ năm 2022, làm CPI tăng 1,06%; Học phí giáo dục 2 tháng đầu năm nay tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022 do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, đồng thời vào năm học 2022-2023 một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,68%.

Giá điện sinh hoạt bình quân 2 tháng đầu năm 2023 tăng 3,04% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,1%; Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán; chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch 2 tháng đầu năm tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước...

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 2/2023 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2022.

Điều này khiến lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm 2023 tăng 5,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung tăng 4,6%.