Cửa hàng tiện lợi: Cạnh tranh khốc liệt
Nhỏ gọn, tiện lợi về vị trí, đa dạng hàng hóa, phù hợp với xu thế tiêu dùng của người trẻ… mô hình cửa hàng tiện lợi được đánh giá tiếp tục là hình thức bán lẻ mà doanh nghiệp ưu tiên đầu tư trong năm 2018.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 19/1, Công ty TNHH GS25 Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn GS Retail Hàn Quốc và Tập đoàn Sơn Kim Land) chính thức khai trương cửa hàng tiện lợi GS25 đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Ngay trong buổi ra mắt, GS25 tuyên bố sẽ mở tiếp 4 cửa hàng nữa ngay trong tháng 1/2018 và 50 cửa hàng trong năm 2018. 2 năm tới, GS25 sẽ tiến ra Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
10 năm tới, GS25 sẽ mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc. Tham vọng này là có cơ sở bởi trong 1.600 mặt hàng tại cửa hàng, 30% là hàng Hàn Quốc - sản phẩm được đánh giá phù hợp với nhóm khách hàng trẻ Việt Nam. Cửa hàng cũng bao gồm các dịch vụ đi kèm như rút tiền, thanh toán các dịch vụ khác. Thậm chí, chuẩn bị cho mục tiêu chinh phục thị trường Việt Nam, GS25 đã đầu tư một nhà máy chuyên sản xuất thực phẩm tại Long An.
Cùng với GS25, những năm gần đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của chuỗi cửa hàng tiện lợi với hàng loạt tên tuổi đình đám như VinMart+, 7-Eleven, CircleK, Shop&Go…
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2018, cuộc đua cửa hàng tiện lợi sẽ rất khốc liệt, nhất là tại những thành phố trọng điểm như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long.
Ông Vũ Vinh Phú – chuyên gia ngành bán lẻ - cho biết, hiện nay, "đất diễn" của các cửa hàng tiện lợi vẫn còn lớn. Tuy nhiên, thị trường hấp dẫn sẽ kéo theo nhiều đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, đầu tư vào chuỗi cửa hàng tiện lợi, đòi hỏi phải trường vốn. Đây là lợi thế của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Do đó, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư cửa hàng tiện lợi, điều quan trọng, phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về phí thuê đất. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt thị trường như Saigon Co.op, Vingroup… để tạo điều kiện dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng - đây chính là điểm mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài.
Được biết, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại nhờ tiềm năng tăng trưởng ở mức rất cao. Theo Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Bộ Công Thương xây dựng và trình Chính phủ ban hành, tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 đạt khoảng 13%/năm; Giai đoạn 2021-2025 đạt 14%/năm; Giai đoạn 2025 - 2035 đạt khoảng 14,5%/năm.
Nghiên cứu của hãng tư vấn A.T. Kearney cho thấy, năm 2017, Việt Nam xếp vị trí thứ 6 trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), trở thành 1 trong 6 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu.