Thị trường bán lẻ Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO và viễn cảnh tương lai
Kể từ khi chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến nay, thị trường bán lẻ nước ta đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều khả năng, trong năm 2017, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam sẽ cán mốc 172 tỷ USD và đạt 180 tỷ USD vào năm 2020. Bài viết tổng quát những thành tựu nổi bật của ngành công nghiệp bán lẻ trong thời gian qua, để thấy rõ hơn viễn cảnh phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam trong giai đoạn tới.
Sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam sau gia nhập WTO
Tháng 1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, bắt đầu thực thi những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mạnh mẽ, trong đó có dịch vụ phân phối.
Những cam kết này đã thực sự tác động đến ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ của nước ta. Vào thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, nhiều quan điểm lo ngại rằng, trước sự mở cửa, với sự xâm lấn và “thâu tóm” của các “ông lớn” bán lẻ từ nước ngoài, nguy cơ sụp đổ kênh phân phối bán lẻ truyền thống là rất lớn.
Lạc quan và tin tưởng hơn vào sức cạnh tranh của ngành công nghiệp dịch vụ nội địa, cũng có ý kiến cho rằng, mở cửa thị trường với sự góp mặt của các tập đoàn phân phối đa quốc gia, có thế mạnh về tài chính, công nghệ và mạng lưới, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ khởi sắc và phát triển.
Thực tế đã cho thấy, sau 10 năm gia nhập thị trường WTO, thị trường bán lẻ Việt Nam đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”, phong phú, đa dạng, đáp ứng kịp thời các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng thời kỳ hội nhập và là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn đầu tư cả trong và ngoài nước. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), tổng mức bán lẻ của thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh qua các năm.
Cụ thể, năm 2010 tổng mức bán lẻ của thị trường bán lẻ cán mốc 88 tỷ USD, năm 2015 con số này là 146 tỷ USD, năm 2016 đạt xấp xỉ 158 tỷ USD, dự kiến năm 2017 sẽ thiết lập mốc tăng trưởng mới 172 tỷ USD. Theo đà này, dự báo, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam sẽ đạt 180 tỷ USD vào năm 2020.
Kết quả này phần nào phản ánh mức độ hấp dẫn và quyến rũ các nhà đầu tư của thị trường bán lẻ Việt Nam trong 10 năm qua. Hãng tư vấn A.T.Kearney của Mỹ đã từng xếp hạng mức độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam thuộc hàng đầu thế giới, chỉ sau Ấn Độ, Nga và Trung Quốc.
Kết quả xếp hạng này là cú hích để các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia nhanh chóng tìm đến Việt Nam. Từ đó đến nay, mặc dù chỉ số phát triển kinh doanh bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Việt Nam đang có xu hướng giảm nhưng tiềm năng của nó vẫn còn hấp dẫn và thu hút tham gia đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thống kê của AVR cho thấy, sau 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam vẫn giữ được nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển mạnh thị trường bán lẻ, điển hình như: Tăng trưởng GDP; Chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài; Thị trường mới nổi và tiềm năng với hơn 90 triệu dân, tốc độ đô thị hóa cao; Nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng; Không gian phát triển cho các loại hình bán lẻ hiện đại trong tương lai; Tỷ lệ tiêu dùng trên thu nhập cao (gần 70% thu nhập).
Cụ thể, cùng với công cuộc đổi mới, kinh tế nước ta có những bước khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người theo đó cũng tăng nhanh. Trong thời kỳ đổi mới (1986-1990), tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4,5%, giai đoạn 1991-1995 đã là 8,2%, giai đoạn 1996-2000 là 7% và giai đoạn 2001-2005 là 7,5%.
Mức tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm đổi mới là 6,8%, mức tăng trưởng khá cao. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của nước ta đã tăng lên đáng kể, tính chung sau 10 năm đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng từ 86 USD (1986) lên 337 USD (1996), tăng 3,9 lần và mức thu nhập này đã tăng gấp đôi, đạt 637 USD trong 10 năm tiếp theo (1996-2006).
Từ khi gia nhập WTO (2007) đến nay, thu nhập bình quân đầu người của nước ta tiếp tục tăng mạnh. Năm 2013, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình theo chuẩn của Ngana hàng Thế giới (WB) và sau 10 năm gia nhập WTO (năm 2016), thu nhập bình quân đầu người đã đạt mức 2.215 USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% (2006) xuống còn 5% năm 2015.
Cùng với việc tăng thu nhập bình quân đầu người, sức mua trong xã hội cũng có bước chuyển mới. Nhờ vậy, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ dịch vụ tiêu dùng cũng tăng mạnh. Nếu như năm 2007 ghi nhận con số 726.113 tỷ đồng, thì sau 5 năm tổng mức bán lẻ dịch vụ tiêu dùng đã vượt qua 2 triệu tỷ để đạt 2,325 triệu tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với 2007.
Đến năm 2016, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã đạt 3,5274 triệu tỷ đồng. Trong đó, doanh thu về bán lẻ hàng hóa luôn chiếm từ 76-79%, doanh thu dịch vụ chiếm từ 11-13%. Thống kê mới nhất tính đến tháng 7/2017, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đã đạt 2248,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Nếu duy trì đà tăng trưởng, đến hết năm 2017 dự kiến có thể đạt 3.655 nghìn tỷ đồng.
Sự tăng trưởng thu nhập và tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ này đã thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cho đến nay, hầu hết các nhà bán lẻ trên thế giới đều đã đặt cơ sở ở Việt Nam: Metro, Big C, Lotte, Pakson, Aeon, Takashimaya… Sức hút này còn biểu hiện rõ qua làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) trong thị trường thời gian qua.
Riêng trên thị trường bán lẻ, các thương vụ M&A được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần như: M&A Metro Cash & Cary Việt Nam (gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro, tương đương 848 triệu USD) và Big C Việt Nam (32 siêu thị/đại siêu thị) trị giá 1,14 tỷ USD… Không đứng ngoài cuộc, các nhà đầu tư trong nước cũng nhanh chóng tiến hành nhiều cuộc M&A “đình đám” như: M&A VinGroup với các chuỗi bán lẻ VinatexMart, OceanMart và gần đây nhất là thương vụ giữa Thế giới di động với Siêu thị Trần Anh đang được gấp rút hoàn tất ngay trong cuối năm 2017.
Sự xâm nhập của các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia vào nước ta cũng đã có tác động nhất định tới thị trường bán lẻ Việt Nam về mạng lưới, cách quản lý, tổ chức nguồn hàng, tổ chức dịch vụ phục vụ…
Chẳng hạn như năm 2008, Việt Nam có trên 7.800 chợ truyền thống cùng 1,3 triệu hộ kinh doanh; đến năm 2014 con số này đã giảm xuống còn 8.660 chợ truyền thống, đổi lại loại hình bán lẻ hiện đại của các nhà bán lẻ trong nước tăng nhanh: Liên hiệp Hợp tác xã Saigon Co.op có 71 siêu thị trong cả nước, cùng gần 100 cửa hàng tiện ích Co.op Food… Tất cả mạng lưới bán lẻ (gồm cả của nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài) này đã góp phần thúc đẩy tổng mức lưu chuyển hàng hóa thị trường bán lẻ Việt Nam tăng nhanh.
Viễn cảnh trong tương lai
Những ghi nhận tại Hội nghị và Triển lãm quốc tế về bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 18 (APRCE 18) vừa được tổ chức tại Kuala Lumpur Malaysia tháng 10/2017 đã phản ánh trung thực và cập nhật tình hình ngành công nghiệp bán lẻ trên thế giới trước những thay đổi nhanh chóng và biến đổi không ngừng của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, cũng như nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng.
Những vấn đề được chú trọng tại APRCE 2017 là các chủ đề về công nghệ số, thương mại điện tử, xu thế tiêu dùng mới và hình thức mua sắm trực tuyến… trong đó, có những yếu tố sẽ tác động trực tiếp đến ngành bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới như: Giải pháp bán lẻ online trong thời gian thực; Thách thức từ Me age – thời đại của cái tôi; Đầu tư cho vấn đề tư vấn tiêu dùng cho cộng đồng và hỗ trợ khách hàng; Công nghệ Amazon Go! mô hình mua hàng không cần thanh toán tại chỗ…
Theo Nielsen Việt Nam, sau hình thức bán lẻ truyền thống, thì hình thức bán lẻ hiện đại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tiêu dùng Việt Nam. Có 34% người mua sắm ở các siêu thị lớn, 29% tại các siêu thị một cách thường xuyên, có 22% người mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi và con số này ngày một tăng. Nielsen cũng dự báo đến năm 2020 các cửa hàng tiện lợi sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam.
Kể từ năm 1993, loại hình bán lẻ hiện đại xuất hiện và ngày càng phát triển, đặc biệt sau khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ vào năm 2009. Việc các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào sau thời điểm đó đã tạo nên một làn sóng bùng nổ các siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại và mua sắm. Đến nay, Metro đã có 19 siêu thị, Big C đã có 32 siêu thị, Aeon có 4 siêu thị và trung tâm mua sắm, Takashimaga cũng đã đầu tư 47 triệu USD để sở hữu Trung tâm thương mại Sài Gòn Centre… Các chuỗi cửa hàng tiện ích Family Mart, Ministop, Sevent – eleven cũng đã xuất hiện ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp trong nước cũng đã nhập cuộc, bắt tay xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại của riêng mình. Vinmart+ đã có trên 400 cơ sở, Satrafood có 60 cơ sở, Co.op Mart có 50 siêu thị và trên 100 điểm Co.op food… Tính chung từ 2009 đến nay, số siêu thị ở Việt Nam đã tăng gấp 2 lần và hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 25% tổng mức lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ.
Thế lực thứ ba chi phối thị trường bán lẻ Việt Nam mới xuất hiện trong thời gian gần đây là hoạt động thương mại điện tử. Năm 2016, thương mại điện tử cán mốc 4 tỷ USD. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử, tốc độ của loại hình bán lẻ này có thể đạt 30-50%/năm và dự báo đến năm 2020 doanh thu của thương mại điện tử sẽ đạt mốc 10 tỷ USD.
Đã từng có nhận định thương mại điện tử sẽ khai tử loại hình bán lẻ truyền thống, thậm chí các cửa hàng, cửa hiệu truyền thống sẽ hoàn toàn biến mất và nhường chỗ cho mua sắm online. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhận định trên khó có thể trở thành hiện thực, bởi cả 3 loại hình này cho đến nay vẫn duy trì đà tăng trưởng, tiếp tục cạnh tranh và tương hỗ, giao thoa lẫn nhau. Bán lẻ truyền thống và hiện đại sẽ áp dụng công nghệ vào bán hàng, chăm sóc khách hàng.
Ngược lại, thương mại điện tử tìm cách mở các cửa hàng trưng bày sản phẩm và bán hàng để tăng cường quan hệ với khách hàng. Việc học tập, áp dụng các ưu điểm của từng loại hình bán lẻ đem lại hiệu quả cao và ra đời loại hình bán lẻ vượt trội, đó là loại hình bán lẻ đa kênh. Cách đây 4-5 năm, trong một số hội thảo và tọa đàm do AVR tổ chức, cụm từ “bán lẻ đa kênh” dường như còn rất mới mẻ thì nay, bán lẻ đa kênh đã khá quen thuộc với nhiều nhà bán lẻ và năng lực bán lẻ đa kênh được coi là nhân tố thúc đẩy phát triển.
Việc phổ cập internet, kỹ thuật số và công nghệ di động đã chắp thêm sức mạnh cho thương mại điện tử cất cánh và những cơ hội, những bước phát triển ngoạn mục cho ngành dịch vụ bán lẻ trong tương lai.
Viễn cảnh tương lai của ngành bán lẻ không thể tách rời các ứng dụng khoa học kỹ thuật đang nổi lên như internet vạn vật, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, robot, máy bay và xe không người lái… Những công nghệ mới được giới thiệu tại APRCE 18 chắc chắn cũng sẽ được triển khai trong tương lai ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam như: Công nghệ gương ảo, công nghệ facial recognition – công nghệ nhận dạng khuôn mặt khách hàng, sau đó phân tích thói quen của khách hàng khi họ bước vào một siêu thị…
Giao hàng cực nhanh cũng là một yếu tố quan trọng và là một trong những xu hướng. Hiện nay mua sắm trực tuyến mang lại nhiều tiện lợi. Bởi vậy, có tới 25% người tiêu dùng cho rằng, họ sẽ từ bỏ đơn đặt hàng của mình nếu không có dịch vụ giao hàng trong vòng một ngày. Trong tương lai gần, đơn hàng được giao cho người mua chỉ vẻn vẹn 2 giờ và Amazon cho biết về việc giao hàng bằng vật thể bay không người lái chỉ trong vòng 30 phút.
Robot cũng đang là một trong những sắc thái định hình tương lai của ngành bán lẻ. Các robot có nhiệm vụ phân loại đơn hàng và thực tế cho thấy, chúng làm việc hiệu quả hơn sức người tới 70%. Bên cạnh đó, các robot hoặc thiết bị bay không người lái còn vận chuyển sản phẩm tới tay người tiêu dùng theo đúng lộ trình và thời gian đã định.
Hiện nay, nhà bán lẻ Lowe’s đang tiến hành thử nghiệm LoweBot, loại Robot có thể nói được nhiều thứ tiếng và có thể hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa. Best Buy cũng đã sử dụng Robot để vận chuyển sản phẩm hàng hóa; một số trung tâm mua sắm khác còn sử dụng Robot làm bảo vệ… Ở Việt Nam, điều này chưa thể xảy ra trong hiện tại song trong tương lai gần, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và kỹ thuật, sự hiện diện của robot trong thị trường bán lẻ Việt Nam không còn là điều phải bàn cãi.
Tài liệu tham khảo
1. Hiệp hội AVR, Kỷ yếu 10 năm đổi mới, sáng tạo và hội nhập (2007-2017);
2. Phạm Đình Đoàn, Ngành phân phối – bán lẻ Việt Nam: Thách thức và giải pháp phát triển, Tập đoàn Phú Thái;
3. Đặng Thúy Hà, Xu hướng tiêu dùng tương lai: Liệu chúng ta đã sẵn sàng để đón đầu, Nielsen Việt Nam;
4. Trung tâm WTO, Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO: Những thành tựu khả quan;
5. Bộ Tư pháp, Mười năm gia nhập WTO - thành tựu cơ bản, thách thức cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập toàn diện.