Cuộc chiến bán lẻ: Số phận doanh nghiệp nội sẽ ra sao?

Theo enternews.vn

Các siêu thị lớn sau khi bị các đối tác ngoại thâu tóm như Big C, Metro… đã áp dụng từng bước “ép” doanh nghiệp nội nhằm loại khỏi cuộc chơi của họ. Bước đầu là ép tăng mức chiết khấu rồi đến “chặn sân”, vậy số phận doanh nghiệp nội sẽ về đâu?

Các siêu thị lớn sau khi bị các đối tác ngoại thâu tóm đã áp dụng từng bước “ép” doanh nghiệp nội nhằm loại khỏi cuộc chơi của họ.
Các siêu thị lớn sau khi bị các đối tác ngoại thâu tóm đã áp dụng từng bước “ép” doanh nghiệp nội nhằm loại khỏi cuộc chơi của họ.

Thời gian vừa qua, nhiều hệ thống các siêu thị lớn trong nước sau khi bị các nhà đầu tư ngoại thâu tóm thì bắt đầu bị tố “chèn ép” doanh nghiệp nội như: tăng chiết khấu, kéo dài thời gian thanh toán, phát sinh nhiều chi phí không chính thức… và ưu tiên hàng ngoại nhằm “thanh lọc” doanh nghiệp Việt trên chính “sân nhà”.

Big C “đuổi” Thế giới di động

Đơn cử như trường hợp của Big C sau khi về tay nhà bán lẻ Thái Lan Central Group, hệ thống siêu thị này liên tục bị doanh nghiệp Việt tố “đòi” mức chiết khấu cao, chèn ép doanh nghiệp. Mặc dù không thể công khai các thỏa thuận chứng minh cụ thể do thỏa thuận bí mật.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hệ thống siêu thị BigC đưa ra mức đề xuất tăng thêm chiết khấu khá cao 4,25% – 5%. Cụ thể, hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang hợp tác cùng BigC với tổng mức chiết khấu cao trung bình trung bình 17-20%, thậm chí có doanh nghiệp đến 25%. Trong khi đó, mức ngưỡng để có thể tồn tại là 15%.

Đây là những mức chiết khấu rất cao mà chắc chắn doanh nghiệp sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư. Nhất là trong thời buổi sản xuất, kinh doanh chi phí ngày càng cao. Dẫn đến, hầu hết các doanh nghiệp đều thấy quá khó khăn cho việc cân đối làm sao vẫn hợp tác với BigC nhưng vẫn có thể sống sót và được một chút lợi nhuận để tái đầu tư.

Và đến nay là sự vụ Big C “đuổi” 22 cửa hàng của Thế giới Di động (TGDĐ) ra khỏi hệ thống của mình. Tuy đại diện TGDĐ không đề cập tới lý do nhưng nguyên do thực không quá khó đoán.

Bởi ngoài Big C, tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group còn sở hữu 49% hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Tại thị trường Việt Nam, TGDĐ trở thành đối thủ của Central Group trong lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ và điện máy. Vì vậy, động thái này có thể thấy là dễ hiểu.

Theo các số liệu, do giảm 22 cửa hàng trong Big C nên trong tháng 8, số cửa hàng chuỗi TGDĐ chỉ tăng 2 cửa hàng, trong khi trung bình công ty mở thêm hàng chục cửa hàng mỗi tháng. Tổng số cửa hàng đến cuối tháng 8 là 880 cửa hàng. Đại diện TGDĐ cũng từ chối nêu chi tiết doanh thu của 22 cửa hàng vừa bị đóng cửa.

Còn theo Bà Huỳnh Bảo Châu, Giám đốc marketing Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex:“Thị trường ngày càng dày đặc hệ thống phân phối ngoại khiến không chỉ riêng Cholimex mà nhiều doanh nghiệp Việt khác cũng có nguy cơ bị đánh bật khỏi kênh phân phối hiện đại vì nhiều loại phí và mức chiết khấu đòi hỏi quá cao”.

Nhà nước “đứng ngoài”, doanh nghiệp về đâu?

Trong bối cảnh đó, Nhà nước lại không thể can thiệp do các vụ việc mua bán, nhập hàng của các doanh nghiệp và đại lý bán lẻ đều theo cơ chế thị trường.

Theo  ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): “Trừ trường hợp doanh nghiệp có bằng chứng về việc BigC phân biệt đối xử với mặt hàng của mình thì cung cấp để cơ quan quản lý Nhà nước xử lý.”

Có cùng quan điểm trên, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định: “Giá dịch vụ phân phối hàng cho các doanh nghiệp là giá thỏa thuận, Nhà nước không ép buộc giá này cũng không có mức trần để ép buộc chiết khấu là bao nhiêu phần trăm. Do đó, mức chiết khấu nhiều hay ít là chuyện thỏa thuận giữa doanh nghiệp và công ty phân phối. Nhưng điều này cần phải xét xem rằng có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài không”.

Bởi có một thực tế, các doanh nghiệp bán lẻ ngoại được chiếm và ưu tiên chỗ ngon hơn các doanh nghiệp bán lẻ nội. Tại vì chính quyền các địa phương luôn “sủng ái”, “thích” FDI thay vì các dự án bán lẻ nội lèo tèo.

Câu hỏi đặt ra, rồi doanh nghiệp nội sẽ đi về đâu nếu không cạnh tranh được trong bối cảnh “cá lớn nuốt cá bé”?

Do đó, nhiều chuyên gia hiến kế, là các doanh nghiệp phải liên kết lại, đặc biệt trong thời điểm VN gia nhập TPP. Nếu như Nhà nước không có biện pháp nào để chi phối hệ thống bán lẻ này thì các doanh nghiệp trong nước sẽ không còn đường để đi vào các siêu thị.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, Nhà nước cần phải quy hoạch lại hệ thống bán lẻ của từng địa phương. Đối với chính các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao chất lượng, giá cả để phục vụ việc cạnh tranh của mình cũng như là làm thế nào để người tiêu dùng chấp nhận được sản phẩm của mình và cạnh tranh ngang ngửa với hàng ngoại.