Thị trường chứng khoán Việt Nam 15 năm hiện thực hóa một tầm nhìn đột phá
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được thành lập theo Nghị định số 75/CP ngày 28/11/1996 của Chính phủ, là cơ quan trực thuộc Chính phủ thực hiện chức năng tổ chức và quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) ở Việt Nam. Chính thức hoạt động từ tháng 4/1997, UBCKNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các điều kiện cho sự ra đời của TTCK, đặc biệt là công tác xây dựng cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý.
Ngày 11/7/1998, Chính phủ ký ban hành Nghị định số 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất tại thời điểm đó điều chỉnh trực tiếp cho hoạt động của TTCK, làm cơ sở cho hàng loạt các thông tư, quyết định để hướng dẫn cụ thể quy định về hoạt động của TTCK Việt Nam.
Giai đoạn 2000-2005 là những bước đi đầu tiên cho sự phát triển của TTCK Việt Nam. Ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (TTGDCK TP. Hồ Chí Minh) chính thức khai trương với chức năng chủ yếu là tổ chức giao dịch cổ phiếu, trái phiếu đủ điều kiện niêm yết giao dịch. Để khuyến khích thu hút các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán tham gia TTCK trong giai đoạn đầu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 39/2000/QĐ-TTg ngày 27/3/2000 ưu đãi thuế đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân được miễn thuế giao dịch chứng khoán… Bên cạnh đó nhằm giảm thiểu các hành vi gây bất ổn thị trường, Chính phủ ban hành Nghị định 22/2000/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK để đảm bảo mục tiêu vận hành thị trường Công khai – Công bằng – Minh bạch.
Từ 2001-2003, để phát triển TTCK phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 163/2003/QĐ-TTg ngày 5/8/2003 phê duyệt Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2010. Ngày 28/11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2003/NĐ –CP về chứng khoán và TTCK thay thế cho Nghị định số 48/1998/NĐ-CP. Nghị định 144 hiện thực hóa các quy định về hoạt động của TTCK nhằm tạo điều kiện để phát triển một TTCK vận hành theo chuẩn mực của nền kinh tế thị trường. Để tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán, ngày 19/2/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2004/NĐ-CP chuyển UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính.
Quang cảnh một phiên đấu giá cổ phần lần đầu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hà Nội
Sau khi TTGDCK TP. Hồ Chí Minh đi vào hoạt động được 3 năm, Chính phủ đã chỉ đạo UBCKNN sớm xây dựng TTGDCK Hà Nội. Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính (UBCKNN) đã triển khai rất tích cực về các vấn đề cơ sở vật chất, nhân sự con người và hệ thống. Nhờ vậy, TTGDCK Hà Nội đã chính thức được ra đời vào ngày 8/3/2005. Nhằm từng bước kiện toàn và hoàn thiện cấu trúc hạ tầng của TTCK, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 189/2005/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
Giai đoạn 2006-2010 đánh dấu sự kết hợp phát triển TTCK theo chiều rộng và chiều sâu. Trong giai đoạn này, các tiêu chuẩn của thị trường từng bước được nâng cao trên các mặt niêm yết, phát hành, công bố thông tin, quản trị công ty. Các Trung tâm GDCK TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) được chuyển đổi mô hình hoạt động thành Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh và Sở GDCK Hà Nội. Năm 2009, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt và thị trường giao dịch chứng khoán các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) chính thức đi vào hoạt động, bước đầu góp phần phân định các khu vực thị trường giữa các Sở GDCK Hà Nội và SGDCK TP. Hồ Chí Minh, góp phần tăng cung hàng hóa và tăng tính thanh khoản cho TTCK, thu hẹp thị trường tự do và phát triển thị trường trái phiếu.
Lễ vinh danh và trao giải cho các doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và các đối tác phối hợp tổ chức
Giai đoạn 2010-2015 đánh dấu sự phát triển thị trường theo chiều sâu và từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Ngày 24/11/2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật chứng khoán. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011- 2020. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN hoàn thiện và bổ sung các văn bản pháp lý, đồng thời quyết liệt triển khai công tác tái cấu trúc TTCK và phát triển sản phẩm mới. Đến nay, công tác tái cấu trúc TTCK về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra theo lộ trình. TTCK phái sinh đã tích cực chuẩn bị để có thể đưa vào vận hành trong năm 2016
Trải qua 15 năm hoạt động đến nay, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đảm bảo các mục tiêu, vai trò và yêu cầu đặt ra. UBCKNN đã hoàn thành toàn diện chức năng, nhiệm vụ được giao phó.
Một là, tạo lập được một mô hình, thiết chế TTCK phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế thị trường, từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. TTCK Việt Nam đã được xây dựng để vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế, vừa thúc đẩy TTCK phát triển để hội nhập khu vực và quốc tế nhằm thu hút và tranh thủ nguồn vốn nước ngoài.
Lễ vinh danh các doanh nghiệp niêm yết minh bạch nhất do Sở giao dịch chứng khoán TP. Hà Nội tổ chức
Hai là, đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện một hệ thống văn bản pháp quy từ khung pháp lý ban đầu, các chính sách đến các quy chế, quy trình cụ thể để vừa xây dựng, vừa quản lý TTCK trong bối cảnh Nhà nước đang sửa đổi, hoàn chỉnh thể chế kinh tế và cơ chế quản lý nền kinh tế.
Ba là, TTCK đóng vai trò quan trọng trong vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn cho ngân sách để phục vụ đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh. Thông qua thị trường, Chính phủ và doanh nghiệp đã huy động được 1,7 triệu tỷ đồng; thị trường trái phiếu Chính phủ được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á cũng như khu vực ASEAN + 3. Quy mô thị trường tăng bình quân trên 20% mỗi năm kể từ năm 2011, mức vốn hóa tăng 580 lần so với những năm đầu thành lập. Đến nay đã có trên 665 công ty niêm yết, quy mô tăng hơn 300 lần với giá trị vốn hoá thị trường đạt trên 31% GDP. Quy mô thị trường trái phiếu tăng gần 560 lần với trên 500 trái phiếu niêm yết. TTCK đã thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, huy động được 15 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp, làm tăng khả năng luân chuyển vốn trong nước, đồng thời huy động một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài...
Bốn là, TTCK đã góp phần tích cực tái cơ cấu và thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao tính công khai, minh bạch, quản trị công ty; tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp, tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư.
Năm là, hệ thống tổ chức thị trường ngày càng được nâng cấp và phát triển. Các Sở GDCK, TTLKCK đã thực hiện chức năng giao dịch, lưu ký, thanh toán chuyển giao chứng khoán an toàn, chú trọng phát triển công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, quản trị nội bộ và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đa dạng cho thị trường.
Sáu là, hoạt động thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi được thực hiện hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định, kỷ cương pháp luật của thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển TTCK, có thể khẳng định việc xây dựng TTCK là chủ trương rất đúng đắn và có tầm nhìn để tạo lập và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta. khác. Sau 15 năm hoạt động, hiện công tác tái cấu trúc thị trường đang được triển khai một cách kiên định, hướng tới việc mở rộng các sản phẩm mới và thị trường mới. Đây là kết quả của việc phát huy sức mạnh tổng hợp của Chính phủ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao của tập thể UBCKNN, các SGDCK, Trung tâm lưu ký chứng khoán, các thành viên thị trường, các cơ quan thông tấn, báo chí.
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa PWC với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hà Nội với mục tiêu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho các công ty chứng khoán
Hội nghị thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ với nội dung trọng tâm hướng đến các chương trình phát triển sản phẩm mới của thị trường