Cuối năm, tiền trên sàn nên “chảy” vào đâu?
Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa phát hành Báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán quý IV/2017. Theo BSC, cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, xây dựng, công nghệ, điện, cao su, phân bón… được đánh giá có khả năng sinh lợi cao cho nhà đầu tư trong dịp cuối năm.
Đứng nhóm trung lập, có tính ổn định là cổ phiếu các ngành dầu khí, thép, đồ uống, xi măng, gạch men, nhựa, săm lốp, dược, dệt may. Đáng chú ý, BSC xếp cổ phiếu các doanh nghiệp cảng biển và bảo hiểm từ khả quan xuống nhóm trung lập.
Đây là điều khá lạ vì cổ phiếu cảng biển suốt vài năm qua luôn trong nhóm sinh lợi và an toàn nhất cho các nhà đầu tư.
Báo cáo ngành vận tải biển của nhiều tổ chức đánh giá thế giới và Việt Nam chưa ghi nhận hi vọng nào về sự hồi phục của thị trường này. Giá cước vận tải biển và giá tàu biển luôn ở trạng thái thấp trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, riêng mảng kinh doanh cảng biển lại luôn giữ được sự ổn định trong hoạt động, tất cả nhờ vào sự tăng trưởng sản lượng hàng hóa của Việt Nam luôn ở mức hai con số mỗi năm.
Theo Báo cáo của BSC, lý do “tụt hạng” trong đánh giá về cổ phiếu cảng biển do sự dư thừa nguồn cung, cạnh tranh cao về giá dịch vụ cảng và lãi suất trong các tháng cuối năm có thể giảm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đặc trưng của kinh doanh cảng biển là chi phí tài chính giảm dần theo từng năm, trong khi nhu cầu sản lượng hàng hóa nói chung lại tăng đều, nên rất khó có thể tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, ngoại trừ trường hợp chính doanh nghiệp muốn… giảm.
Theo BSC, 4 chủ đề mà nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm, bao gồm Nhóm cổ phiếu OTC lên niêm yết, Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa; Nhóm cổ phiếu thoái vốn hoặc hết room; Nhóm cổ phiếu cơ bản đầu ngành, cổ tức cao và thứ 4 là Các hiệp định thương mại tự do và XNK.
Trong đó, nhóm cổ phiếu cơ bản, đầu ngành, cổ tức cao gồm một số mã đáng lưu ý như DXG, KBC, CTD, FPT, NT2, BFC, NTP, RAL, GAS, HPG, NKG, CVT, VGC, TNG, SAB, VNM phần lớn là những doanh nghiệp lớn, hoạt động ổn định, biên độ biến động không lớn.
Đặc điểm tương tự cũng có thể nhận thấy trong việc đánh giá các cổ phiếu trong nhóm thoái vốn hoặc hết room. Theo BSC, cơ hội cổ phiếu nhóm này có thể đến từ việc SCIC thoái vốn BMP và NTP.
Việc Nhà nước thoái vốn tại SAB và BHN sẽ là điểm nhấn cuối năm của thị trường chứng khoán, biến động giá của cổ phiếu SAB sẽ có ảnh hưởng lớn đến chỉ số VnIndex, VN30 và thị trường chứng khoán phái sinh – BSC nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc thoái vốn tại các tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Dược Việt Nam, VLXD số 1 – FICO, Xây dựng số 1, Licogi… cũng là cơ hội với nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Triển vọng lợi nhuận rõ ràng nhất có lẽ đến từ cơ hội đầu tư liên quan đến nhóm cổ phiếu OTC lên niêm yết và nhóm doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa. Danh sách các doanh nghiệp trong nhóm này khá phong phú, và đều là các doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn như Viettel Post, Viettel Global, Viettel Công trình, lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power, VRG, Idico, TCT Sông Đà …
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý tới đặc điểm tăng trưởng “nóng” trên sàn chứng khoán năm nay lại thuộc về những mã cổ phiếu của các doanh nghiệp quy mô vốn hóa vừa hoặc nhỏ. Do đó, những doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa lên sàn trong những tháng cuối năm dường như sẽ phù hợp hơn với những nhà đầu tư lớn, hoặc các quỹ ngoại, hơn là với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Nói cách khác, đang có khoảng cách khá xa giữa đánh giá độc lập của các tổ chức về khả năng sinh lợi của các mã cổ phiếu tiềm năng với nhu cầu của nhà đầu tư. Dường như, hiện vẫn thiếu một đánh giá có tính cụ thể về tiềm năng và nguy cơ của những mã cổ phiếu của các doanh nghiệp có quy mô vốn hóa cỡ vừa hoặc nhỏ.
Trong khi đó, “phân khúc” các mã cổ phiếu này lại là mảng có hoạt động sôi động nhất từ đầu năm 2017 đến nay.