Đã áp dụng khung giá đất mới

Anh Thư

Ngày 19/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2019/NĐ-CP về khung giá đất đối với từng loại đất, theo từng vùng được quy định tại Điều 113 Luật Đất đai. Theo đó, mức tăng chung khoảng 20%, tuy nhiên, mức giá đất ở mức cao nhất cho các đô thị đặc biệt vẫn giữ nguyên như hiện nay là 162 triệu đồng/m2.

 Mức giá đất ở mức cao nhất cho các đô thị đặc biệt vẫn giữ nguyên như hiện nay là 162 triệu đồng/m2
Mức giá đất ở mức cao nhất cho các đô thị đặc biệt vẫn giữ nguyên như hiện nay là 162 triệu đồng/m2

Khung giá đất được chia làm 2 nhóm: Nhóm đất nông nghiệp (Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối) và nhóm đất phi nông nghiệp (Đất ở tại nông thôn, đô thị; đất thương mại – dịch vụ tại nông thôn, đô thị; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại – dịch vụ tại nông thôn, đô thị).

Vùng kinh tế để xây dựng khung giá đất gồm: Vùng trung du và miền núi phía Bắc, Vùng đồng bằng sông Hồng; Vùng Bắc Trung bộ; Vùng duyên hải Nam Trung bộ; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam bộ; Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nội dung đáng chú ý của Nghị định số 96/2019/NĐ-CP là giá đất ở tại khu vực Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ được quy định với các đô thị đặc biệt, đô thị từ loại 1 đến loại 5 có mức tối thiểu là 120 nghìn đồng/m2, tối đa là 162 triệu đồng/m2. Theo đó, giá đất ở của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cao nhất là 162 triệu/m2.

Bên cạnh đó, giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị khu vực Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ được quy định với các đô thị đặc biệt, đô thị từ loại 1 đến loại 5 có mức tối thiểu là 96 nghìn đồng/m2, tối đa là 129,6 triệu đồng/m2. Như vậy, giá đất thương mại, dịch vụ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cao nhất là 129,6 triệu đồng/m2.

Nghị định số 96/2019/NĐ-CP nêu rõ, khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá đất tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.

Đại diện Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, mức tăng khung giá đất khoảng 20% là phù hợp sau 5 năm thực hiện khung giá đất giai đoạn 2015-2019 nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng kinh tế (tăng 1,38 lần so với năm 2015), tỉ lệ lạm phát (tăng 1,15 lần so với năm 2015) và tốc độ tăng lương tối thiểu (tăng 1,29 lần so với năm 2015). Mức tăng không tác động lớn tới doanh nghiệp và người dân, không gây ảnh hưởng tới thị trường bất động sản trong thời gian tới. Việc tăng nghĩa vụ tài chính sẽ làm giảm đầu cơ đất đai. Mức tăng 20% áp dụng cho cả chu kỳ 5 năm chứ không chỉ 1 năm nên sẽ tác động không đáng kể tới thị trường.

Nghị định số 96/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/12/2019 và thay thế Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14/11/2014.