Đa dạng kênh tiếp cận vốn giá rẻ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tiếp sau lễ lý hợp đồng khung cho vay gián tiếp giữa Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) chiều 10/2, tại Hà Nội, hôm nay (11/2), Quỹ sẽ tổ chức lễ ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp với 2 ngân hàng thương mại khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm mang tới nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ cho các DNNVV, nhất là trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (nCoV) có thể tác động bất lợi tới hoạt động của DN.
Mức lãi suất hấp dẫn
Theo Hợp đồng khung cho vay gián tiếp giữa Quỹ và MBBank, nguồn vốn này nhằm triển khai hỗ trợ tài chính đối với các DNNVV theo quy định tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV. Bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch HĐTV Quỹ Phát triển DNNVV chia sẻ, nguồn vốn mồi này càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh dịch nCoV đang có những diễn biến phức tạp có thể tác động bất lợi tới hoạt động kinh tế. Theo đó, sẽ góp phần quan trọng trong việc đa dạng kênh tiếp cận vốn cho DN, giúp DNNVV tăng sức mạnh để chống đỡ tốt hơn với các rủi ro.
Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ cho biết, đối tượng cho vay gián tiếp là các DNNVV lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị đáp ứng quy định tại Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP và Điều 23 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP có nhu cầu vay vốn từ Quỹ.
Để được vay vốn, DNNVV phải đáp ứng các điều kiện theo quy định. Đơn cử, với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo phải có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh; đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay... Với DN tham gia cụm liên kết ngành, phải có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi nằm trong khu vực địa lý của cụm liên kết ngành và có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với DN khác trong cụm liên kết ngành hoặc cùng xây dựng, sử dụng thương hiệu vùng…
Về lãi suất cho vay, lãi suất cho vay ngắn hạn là 4,16%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn là 6%/năm. Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với thời gian thu hồi vốn, khả năng trả nợ của DN và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh, nhưng tối đa không quá 7 năm…
Ông Đinh Như Tuynh, Giám đốc khối khách hàng DNNVV của MBBank đánh giá, đây là mức lãi suất hấp dẫn trong bối cảnh hiện nay, bởi mức lãi suất cho vay trên thị trường hiện khoảng 8 - 10%/năm với cho vay trung hạn, khoảng 7 - 8% với cho vay ngắn hạn…
Nhanh chóng đưa vốn vay ưu đãi đến với DNNVV
Hiện DNNVV chiếm trên 98% tổng số DN Việt Nam, đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP và tạo ra trên 50% việc làm cho xã hội. “Việc đưa Quỹ đi vào hoạt động là tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả bước đầu trong nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ khối DN tư nhân. Đây là nguồn vốn mồi để hỗ trợ DNNVV”, ông Phan Thanh Hà nhấn mạnh.
Tính đến cuối năm 2019, Quỹ đã cho vay ủy thác qua các ngân hàng khoảng 150 tỷ đồng. Nhiều dự án được Quỹ hỗ trợ cho vay thông qua các ngân hàng đến thời điểm này đều cho kết quả tốt. Một số dự án đã hoàn trả vốn vay đúng thời hạn, thậm chí trước thời hạn. Các DNNVV được hỗ trợ và cộng đồng DNNVV đánh giá, Quỹ đã bước đầu đáp ứng nhu cầu của DN.
Về kế hoạch triển khai hợp đồng khung, ông Đinh Như Tuynh cho biết, nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ đối với các DNNVV sẽ được MBBank triển khai cho vay ngay trong quý I này để hỗ trợ tốt nhất tài chính cho các DNNVV vượt qua khó khăn.
Trước đó, tháng 12/2019, Quỹ Phát triển DNNVV và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã ký kết hợp đồng khung cho vay gián tiếp. Theo kế hoạch, hôm nay (11/2), Quỹ sẽ ký kết hợp đồng khung cho vay gián tiếp với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bắc Á Bank) để mang vốn giá rẻ tới cộng đồng DNNVV Việt Nam.