Đa dạng sinh học vì mục tiêu phát triển bền vững
“Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta” là chủ đề đa dạng sinh học năm 2019, với mục tiêu liên kết giữa thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe của con người với đa dạng sinh học góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo tổ chức Nông lương thế giới, trong 100 năm qua, hơn 90% các giống cây trồng đã biến mất khỏi các cánh đồng, trang trại. Một nửa số giống vật nuôi đã bị mất. Các hệ thống sản xuất thực phẩm truyền thống, bao gồm cả kiến thức bản địa và văn hóa truyền thống, với sự phong phú đa dạng ở các địa phương đang bị đe dọa.
Đa dạng sinh học là cơ sở cung cấp thực phẩm, là nền tảng cho sức khỏe của loài người. Đa dạng sinh học giữ vị trí quan trọng trong dinh dưỡng của con người thông qua vai trò trong việc sản xuất thực phẩm toàn cầu; đảm bảo năng suất bền vững của đất và cung cấp nguồn gen cho cây trồng. Đảm bảo được cung cấp đầy đủ các loại thực phẩm bổ dưỡng là yếu tố quyết định cơ bản của sức khỏe con người. Sự đa dạng về chủng loại, giống cũng như nguồn thực phẩm hoang dã và dược liệu là cơ sở cho chế độ ăn uống đa dạng, nguồn dinh dưỡng và sức khỏe tốt.
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động để đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cụ thể, Việt Nam là thành viên của nhiều công ước và cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học như Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES)… Cùng với đó, hệ thống chính sách, pháp luật trong nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng ngày càng hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành và triển khai các luật rất quan trọng để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Du lịch, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đa dạng sinh học được các cấp, ngành quan tâm chú trọng triển khai bằng các văn bản, chỉ thị, nghị quyết, đồng thời, thực hiện bằng các giải pháp cụ thể. Phát động các phong trào bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh về sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thực hiện tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường và chế độ ăn uống lành mạnh; không buôn bán, sử dụng các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, ưu tiên bảo vệ. Thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học gắn với hoạt động xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện các hoạt động nuôi, trồng, khai thác bền vững các loài sinh vật, các giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt trong các ngành nông, lâm nghiệp, dược liệu và chế biến. Quy hoạch các khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng thuộc diện bảo tồn đa dạng sinh học nghiêm ngặt…
Thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng các nội dung về bảo tồn và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng bản địa, cây, con dược liệu và các tri thức truyền thống liên quan; khai thác bền vững tài nguyên sinh học… tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng nhiều dự án khôi phục, bảo vệ và phát triển nguồn gen quý hiếm các loại cây trồng bản địa như: Bảo tồn và phát triển gạo Bao Thai Chợ Đồn, Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, cây nghệ, cây gừng, quả cam, quýt, hồng không hạt; các loại dược liệu quý hiếm như Giảo cổ lam, Ba kích tím, Hà thủ ô… Việc xây dựng hệ thống các cơ sở y, dược cổ truyền được phát triển ở tất cả các huyện, xã; phát triển các vườn thuốc nam bằng các cây dược liệu quý để chữa bệnh cho nhân dân. Tại các cộng đồng dân cư, tri thức về sử dụng các loài cây, con trong phòng bệnh và chữa bệnh đã được người dân sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và tích cực bảo tồn các bài thuốc dân gian ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe. Đây chính là kho tàng tri thức truyền thống về sử dụng nguồn gen, đặc biệt là nguồn gen dược liệu, vô cùng phong phú của dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, để phát huy thế mạnh về sản xuất nông lâm nghiệp, Bắc Kạn còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm nông sản với những yêu cầu khắt khe bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu với những sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh như dong riềng, nghệ, gừng, lúa gạo, trái cây…
Đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát triển rừng để cung cấp nguồn nước sinh hoạt; cung cấp nước cho nhiều công trình thuỷ điện trong khu vực. Toàn tỉnh hiện đã trồng được gần 80.000ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 72,1% (thuộc diện cao nhất trên toàn quốc). Cùng với đó, các khu rừng phòng hộ đặc dụng như Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu Bảo tồn Nam Xuân Lạc, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ được bảo vệ nghiêm ngặt. Vườn Quốc gia và các Khu Bảo tồn đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học như thực hiện chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020.
Theo đó, đã hỗ trợ kinh phí cho hàng trăm thôn, bản vùng đệm để phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống; tổ chức giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng; hỗ trợ kinh phí để trồng rừng phòng hộ; tạo điều kiện thuận lợi để người dân khai thác những giá trị đa dạng sinh học phục vụ lợi ích của con người như du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Ba Bể, các dịch vụ môi trường rừng, đánh bắt cá bằng phương pháp thủ công truyền thống; quản lý có hiệu quả vùng đất ngập nước RAMSAR Ba Bể…
Có thể nói, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực, chủ động quản lý có hiệu quả một cách bền vững các khu vực được ưu tiên bảo tồn; tăng cường tài chính để bảo tồn đa dạng sinh học; giữ gìn, bảo vệ môi trường sống trên địa bàn tỉnh nhất là bảo tồn và phát huy nguồn gen các loại nông sản, dược liệu quý hiếm, tạo ra nhiều sản phẩm nông sản, thuốc y học cổ truyền phục vụ cho sức khoẻ của cộng đồng. Đồng thời, phát triển hoạt động du lịch, đảm bảo việc sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên mang lại hiệu quả kinh tế và đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn cầu.