Đảm bảo cây cà phê thực sự là “đòn bẩy” phát triển kinh tế Tây Nguyên

PV.

Để chương trình tái canh cà phê thực sự hiệu quả rất cần có sự vào cuộc của địa phương cũng như các ngành, các cấp. Từ đó, hỗ trợ, đảm bảo cho người dân các sinh kế ngắn hạn, tạo nguồn thu trong giai đoạn tái canh cà phê.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cà phê là một trong những cây trồng mà nhiều hộ dân Tây Nguyên chọn để xoá đói giảm nghèo và khởi đầu cho phát triển kinh tế hàng hoá, bởi suất đầu tư thấp chỉ 150 triệu đồng/ha, trong khi đó những cây trồng khác, như hồ tiêu, suất đầu tư cao hơn gấp 3-5 lần.

Theo định hướng phát triển ngành Cà phê đến năm 2020, tổng diện tích trồng cà phê cả nước ổn định khoảng 600 nghìn ha. Trong đó, vùng trọng điểm phát triển cà phê gồm 4 tỉnh Tây Nguyên với khoảng 530 nghìn ha (Đăk Lăk 190 nghìn ha, Lâm Đồng 150 nghìn ha, Gia Lai 75 nghìn ha, Đăk Nông 115 nghìn ha). Các vùng cà phê khác gồm 7 tỉnh, khoảng 70 nghìn ha (gồm Đồng Nai, Bình Phước, Kon Tum...).

Ngoài ra, sẽ quy hoạch một số vùng cà phê chè chất lượng cao (cà phê nuôi chồn và cà phê hữu cơ) tại Lâm Đồng, Kon Tum, Sơn La, Điện Biên. Tuy nhiên, theo thống kê thì đến nay, cả nước đã có khoảng 650 nghìn ha cà phê, được trồng ở 105 huyện của 22 tỉnh, thành phố, bao gồm 5 vùng sản xuất chính là Tây Nguyên (5 tỉnh, 53 huyện), Đông Nam bộ (6 tỉnh, 27 huyện), Nam Trung bộ (3 tỉnh, 4 huyện), Bắc Trung bộ (4 tỉnh, 8 huyện) và trung du miền núi phía Bắc (3 tỉnh, 12 huyện, thị xã).

Mục tiêu kế hoạch tái canh cà phê ở Tây Nguyên (Quyết định 4521/QĐ-BNN-TT ) đặt ra là trong giai đoạn từ 2014 đến năm 2020 trồng và ghép cải tạo được khoảng 120.000 ha cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, trồng tái canh khoảng 90.000 ha, ghép cải tạo khoảng 30.000 ha.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả chương trình tái canh cà phê nêu trên cần một nguồn vốn đầu tư rất lớn, ước khoảng 13.000 tỷ đồng. Cùng với vấn đề về vốn thì, trong quá trình triển khai cho vay tái canh cà phê, chương trình cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân khách quan sau:

Thứ nhất, là đối với các hộ nông dân trồng cà phê

i) Trong khi giá cây hồ tiêu và bơ tăng cao, giá cà phê lại giảm, điều này đã tác động mạnh mẽ tới tâm lý người dân, em ngại khi thực hiện chương trình tái canh cà phê.

ii) Quy trình tái canh cây cà phê cần thiết phải có 2 năm cải tạo đất và 3 năm kiến thiết, và như vậy, hộ nông dân sẽ bị gián đoạn thu nhập ít nhất là 5 năm, điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hộ nông dân. Thực tế cho thấy, tại các tỉnh Tây Nguyên, các hộ nông dân chưa mạnh dạn thực hiện tái canh cây cà phê; đa số diện tích cà phê cần tái canh chủ yếu nằm ở các hộ dân độc canh cây cà phê, vườn cà phê là nguồn thu nhập chính của gia đình.

iii) Tài sản trên đất của nông dân (nhà cửa, vườn cà phê) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp rất khó khăn. Trong khi, giá chuyển nhượng vườn cà phê thực tế lại rất cao, nhưng khi xác định giá thế chấp thì lại tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hằng năm, dẫn đến hệ luỵ là người nông dân khó huy động vốn để thực hiện chương trình tái canh cà phê.

iv) Diện tích đất tuy đã đủ điều kiện đất để trồng cải tạo 2 đến 3 năm nhưng số lượng hộ tiến hành tái canh cà phê trên diện rộng là rất ít, phần lớn vẫn là tái canh theo kiểu cuốn chiếu, mỗi hộ gia đình tái canh một phần diện tích cà phê, để đảm bảo cuộc sống và nguồn thu trả lãi ngân hàng. Điều này, gây khó khăn trong việc xác định diện tích tái canh cây cà phê thực tế.

v) Ngoài ra, chương trình khó triển khai bởi vướng nhiều nguyên nhân khác như: Tâm lý người dân không thích việc nhận vốn giải ngân từng lần thực hiện tiến độ dự án đúng theo quy trình tái canh được ban hành mà muốn giải ngân một lần; Hầu hết các hộ dân có nhu cầu vay vốn tái canh cà phê đều đang có dư nợ và thế chấp tài sản bằng vườn cây cà phê tại ngân hàng, chưa có khả năng trả hết nợ cũ để thực hiện vay gói tái canh;

Cung cấp hóa đơn chứng từ đối với hộ nông dân cũng là một khó khăn lớn vì hầu hết hộ nông dân giao dịch mua bán tại các đại lý quen đều không lấy hóa đơn; Một số hộ xin vay vốn tái canh cà phê nhưng cây cà phê đã trồng mới được một đến hai năm, điều này gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xác định hộ này có tái canh cà phê theo đúng quy trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay không và nếu hộ vay này tái canh đúng theo quy trình thì ngân hàng có được cho vay và giải ngân từ nguồn vốn cho vay tái canh cà phê hay không; Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không có khả năng tài chính, hoặc tài sản không đáp ứng được đủ các điều kiện vay vốn, khó triển khai thực hiện tái canh…

Thứ hai, đối với doanh nghiệp trồng cà phê

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp có nhu cầu tái canh cà phê rất lớn nhưng nguồn vốn tự của bản thân các doanh nghiệp là thấp, không đủ tham gia thực hiện dự án theo quy định, trong khi lại khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng; Các công ty cà phê vay vốn để trả lại phần tiền cho các hộ nông trường viên liên kết đã thực hiện tái canh cà phê thì không được hưởng chính sách cho vay tái canh cà phê (chỉ được áp dụng đối tượng cho vay bù đắp tài chính) nên không thể triển khai. Khó khăn khác liên quan đến việc tài sản bảo đảm chưa được cấp quyền sở hữu...

Bên cạnh đó, quy trình tái canh theo quy định của Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn những bất cập, chưa sát với thực tế như: Vướng mắc về thời gian luân canh, phân tích mầm bệnh, tuyến trùng trong đất và quy định về giống cây cà phê; Việc xác định diện tích tái canh cà phê, diện tích xen ghép cải tạo, xác định diện tích tái canh ở các mức độ khác nhau (diện tích không phải luân canh, luân canh 1 năm, 2 năm) để lập cơ sở dữ liệu cho tái canh còn lúng túng ở các địa phương…

Vì vậy, để chương trình tái canh cà phê thực sự hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của ngành Ngân hàng, rất cần sự hỗ trợ của địa phương cũng như các ngành, các cấp trong vấn đề tạo sinh kế ngắn hạn, tạo nguồn thu trong giai đoạn tái canh cà phê cho người dân và doanh nghiệp tham gia chương trình.

Đặc biệt, nhằm giúp người dân và doanh nghiệp ứng phó với tình hình hạn hán tại Tây Nguyên diễn ra nghiêm trọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần cân nhắc đưa nội dung “cho vay đầu tư tưới nước tiết kiệm”, khi sửa đổi, bổ sung Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tóm lại, để góp phần đưa cà phê thực sự trở thành “đòn bẩy” phát triển kinh tế Tây Nguyên trong dài hạn, ngành Ngân hàng, nhất là Agribank cần gia tăng tính chủ động về nguồn vốn cho khu vực Tây Nguyên; Đồng thời, tìm giải pháp có tính cởi mở, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn được nhanh hơn, gia tăng thêm sức cạnh tranh …

Trao đổi xoay quanh vấn đề hỗ trợ vốn cho người dân và doanh nghiệp phát triển, đại diện Agribank cho biết: Ngoài cây cà phê, Agribank còn mong muốn đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, đẩy mạnh khai thác các thế mạnh của khu vực như: Phát triển các loại hình cây công nghiệp ngắn ngày (cà phê, cao su, hồ tiêu...), phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp phát huy thế mạnh của vùng, góp phần thay đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo ổn định an ninh – quốc phòng tại khu vực Tây Nguyên.

Được biết, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên của Agribank tính đến 31/12/2016 đạt 36.999 tỷ đồng, chiếm 30% nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 59.740 tỷ đồng, chiếm thị phần 27% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đến cuối năm 2016 là 0.88%.