Vốn tín dụng giúp Tây Nguyên phát huy tiềm năng, lợi thế
10 tỷ USD là tổng mức vốn tín dụng trên địa bàn khu vực Tây Nguyên mà hệ thống ngân hàng đã và đang cho vay, trong đó, nguồn vốn tín dụng của Agribank chiếm đến 30%. Thực tế triển khai cho thấy nguồn vốn tín dụng đã thực sự góp phần cải thiện rõ rệt và nâng cao đời sống người dân, đồng bào khu vực Tây Nguyên.
Đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho khu vực Tây Nguyên
Xác định Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt trên mọi phương diện kinh tế- xã hội, quốc phòng, văn hóa… trong nhiều năm trở lại đây, khu vực này đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành nhiều sự quan tâm đặc biệt.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội Tây Nguyên, trong những năm qua, Agribank tích cực cùng ngành Ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho khu vực này.
Tây Nguyên là khu vực Agribank đang thực hiện điều chuyển vốn của hệ thống để đầu tư tín dụng tập trung cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao, thủy điện… và đặc biệt là đầu tư tín dụng phát triển cà phê và các cây công nghiệp thế mạnh khác.
Phát huy vai trò chủ lực của ngân hàng thương mại (NHTM) trên thị trường tài chính nông thôn, trong tổng dư nợ tín dụng 795 nghìn tỷ đồng, 70% tổng dư nợ được Agribank đầu tư cho vay nông nghiệp, nông thôn, chiếm 51% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.
Riêng tại Tây Nguyên, tỷ lệ đầu tư nông nghiệp, nông thôn của Agribank chiếm đến 87% tổng dư nợ của ngân hàng và chiếm 1/3 trong tổng mức vốn tín dụng 10 tỷ USD mà hệ thống ngân hàng đã và đang cho vay tại địa bàn.
Ở khu vực được mênh danh là “Thủ phủ” của cà phê, dư nợ cho vay của Agribank đối với ngành cà phê tại Tây Nguyên đạt 13.397 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay ngành cà phê của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại địa bàn.
Riêng về tái canh cà phê, đến nay, 6.302 khách hàng đã được vay vốn lãi suất ưu đãi để thực hiện tái canh và trên 10.000 ha cà phê đã được tái canh từ nguồn vốn Agribank.
Nhiều mô hình hiệu quả từ nguồn vốn đầu tư của Agribank
Nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Phước An, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 52, cùng nhiều hộ sản xuất và cá nhân tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắc Nông, Kon Tum sản xuất kinh doanh hiệu quả từ nguồn vốn đầu tư của Agribank.
Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 52, tỉnh Đắk Lắk có 72 ha cà phê tái canh của Công ty đã bước sang tháng tuổi thứ 7 là một phần của dự án tái canh cây cà phê đã được Agribank chi nhánh Đắk Lắk cho vay theo gói tín dụng hỗ trợ tái canh cà phê của Chính phủ.
Trong năm 2017, Công ty sẽ tiếp tục trồng tái canh 130 ha, và như vậy chỉ sang đến đầu năm 2018, dự án tái canh 230 ha cà phê của công ty sẽ hoàn thành. Cùng lúc đó, 72 ha cà phê tái canh sẽ cho vụ thu bói đầu tiên với nhiều kỳ vọng khả quan từ giống cà phê năng suất chất lượng cao TRS1.
Còn với Công ty TNHH Một thành viên Cà Phê Phước An có trụ sở đóng tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, với sự trợ lực nguồn vốn từ Agribank, giá trị của cây cà phê đang ngày được gia tăng. Doanh thu hàng năm hơn 300 tỷ đồng và 95% sản phẩm của công ty xuất khẩu ra thị trường thế giới có chỗ đứng tại những thị trường khó tính tại EU, Singapore, Hàn Quốc, Nga, đặc biệt là Nhật Bản. Vào những thời điểm khó khăn nhất, có lúc giá cà phê chỉ còn 4.000 đồng/kg, Agribank luôn luôn sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua, vững niềm tin về tương lai tốt đẹp của cây cà phê, ngành cà phê…
Còn với mô hình tái canh cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Huynh, 61 tuổi, thôn 3, xã Eadar, huyện Eaka, Đắk Lắk điển hình là một trong rất nhiều hộ gia đình sản xuất thành công từ nguồn vốn Agribank. 01 héc ta đất tái canh cà phê gây trồng từ tháng 8/2015 với nguồn vốn vay 70 triệu đồng từ Agribank chi nhánh Đắk Lắk bắt đầu thu bói vụ đầu tiên.
Cùng với nguồn thu từ chăn nuôi đàn dê 12 con, 5 con bò và đàn lợn là “điểm tựa” giúp gia đình ông mạnh dạn phá bỏ diện tích cà phê cũ, tái canh. Nếu mọi việc tốt đẹp, năm sau ông Huynh sẽ lên kế hoạch tái canh nốt 1,6ha cà phê đang nhận khoán.
Cây cà phê đang đem lại cho gia đình ông cũng như hàng ngàn gia đình khác tại Tây Nguyên một sự đảm bảo sinh kế lâu bền. Để đến nay, nhiều hộ nông dân, gia đình, bà con dân tộc ở Tây Nguyên có dư nợ lên tới hàng tỷ đồng vay ngân hàng để đầu tư trang trại hay vườn cây có quy mô lên tới vài ha, thậm chí cả chục ha, giờ không còn là chuyện hiếm.
Thực tế triển khai cho thấy, việc đầu tư tín dụng của Agribank tại Tây Nguyên đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và khuyến khích các thành phần kinh tế phát huy vai trò tự chủ. Một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, có đóng góp nhất định vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Qua đó, góp phần hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cao su và các cây công nghiệp ngắn ngày khác, thúc đẩy thị trường nông sản hàng hóa phát triển, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương và thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân, hạn chế tình trạng tín dụng đen tại khu vực Tây Nguyên…